Hè gõ cửa, dịch bệnh 'vào mùa'

GD&TĐ - Theo quy luật hàng năm, hè đến cũng là lúc nhiều dịch bệnh xuất hiện và phát triển. Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 20.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 8 người tử vong. Điều đáng nói, hiện dịch bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng ở cả hai miền Bắc - Nam. Cùng với sốt xuất huyết, bệnh Zika cũng khiến nhiều người lo lắng.

Mùa của… dịch bệnh

Tại Hà Nội, kể từ đầu năm đến nay, tuy số mắc bệnh sốt xuất huyết không nhiều (500 ca) nhưng so với cùng kỳ năm 2016 vẫn tăng 45%. Các trường hợp mắc phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Nguyễn Nhật Cảm, sốt xuất huyết thường bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 5 và sẽ bùng phát mạnh, lên đỉnh điểm vào các tháng tiếp theo. Còn tại TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết lên đến 6.501 ca, trong đó có 2 ca tử vong và 1.208 ca mắc tay chân miệng. So với tháng 3, số mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ, từ 1.504 xuống còn 1.041, không có bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, bệnh nhân mắc giảm không có nghĩa tác nhân gây bệnh không còn bởi với diễn biến thời tiết như hiện nay, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo sốt xuất huyết trong tháng 5 này và những tháng sau đó sẽ rất phức tạp.

Ngoài sốt xuất huyết, thời tiết nắng nóng phổ biến trên toàn quốc khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi trong khi thức ăn lại dễ bị ôi thiu nên các bệnh về đường tiêu hóa vì thế cũng được dịp tấn công người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bệnh do virus Zika tuy xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh phía Nam nhưng việc tiếp tục ghi nhận các ca mắc khiến gia đình có trẻ nhỏ và bà bầu lo lắng. Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có thêm 19 trường hợp nhiễm virus Zika được xác định thông qua hệ thống giám sát dịch chủ động.

Như vậy, tính từ khi dịch xuất hiện vào năm 2016, có tổng cộng 210 trường hợp dương tính với loại virus này. Số ca bệnh xuất hiện trên 106 phường, xã thuộc 24 quận, huyện. Trong số những người bị nhiễm bệnh ghi nhận 51 trường hợp là thai phụ với 14 người bị nhiễm ở 3 tháng đầu thai kỳ, 20 người bị nhiễm trong 3 tháng giữa thai kỳ, 17 người nhiễm ở 3 tháng cuối thai kỳ. Hiện đã có 19 sản phụ sinh con, chưa ghi nhận trường hợp trẻ chào đời bị tật đầu nhỏ.

Cẩn thận vẫn hơn

Cả sốt xuất huyết lẫn Zika đều có tác nhân truyền bệnh là muỗi. Như vậy, muốn giảm số người mắc thấp nhất có thể chỉ còn cách diệt muỗi. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus gây bệnh sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều type, vì vậy, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các vùng nước tù, đọng dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, đi ngủ mắc màn... là những việc làm cần thiết để đề phòng bệnh liên quan đến muỗi. Mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch mà ngành Y tế đã khuyến cáo.

Trước nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường sống xung quanh, chủ động diệt muỗi, bọ gậy… Đồng thời tăng cường công tác giám sát, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lây lan.

Dù sốt xuất huyết đang giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn một số quận, huyện và phường, xã có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cộng với yếu tố thời tiết có lợi cho sự phát triển của dịch bệnh nên Sở Y tế TPHCM chủ động tăng cường các biện pháp phòng dịch; Giám sát chủ động đối với véc tơ gây bệnh; Kịp thời phát hiện ca bệnh mới; chăm sóc, theo dõi bệnh nhân mắc bệnh, nhất là người bệnh là thai phụ cần được tư vấn sức khỏe và tâm lý.

Sốt xuất huyết là bệnh xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến nhất từ tháng 4 đến tháng 11. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 20.947 ca mắc, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Điều đáng lưu ý là trong quý I, số người mắc không nhiều thì bắt đầu từ tháng 4 lại có sự gia tăng đột biến. Nếu như 3 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có hơn 4.000 ca mắc thì tính riêng trong tháng 4 đã có gần 7.000 ca được ghi nhận.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/he-go-cua-dich-benh-vao-mua-3262831-b.html