Hãy ứng xử tử tế!

'Xin chào! Cảm ơn! Xin lỗi!...' là những điều tưởng chừng như đơn giản trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại.

Nâng cao kỹ năng lãnh đạo, văn hóa công sở, đạo đức công vụ
Văn hóa ứng xử trong giới trẻ

Những ngày cận kề tết Chôl Chnăm Thmây, nhóm phóng viên chúng tôi có buổi quay hình tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cà Mau. Ðiều ấn tượng đối với chúng tôi không chỉ là lần đầu mà là rất nhiều lần được đón nhận sự lễ phép cúi chào của tất thảy các em học sinh mà chúng tôi gặp.

Thầy Hữu Lý Vui, Bí thư Ðoàn trường, vui vẻ: “Từ học lễ nghĩa hình thành thói quen rồi dần thành nét văn hóa đẹp trong môi trường nội trú có đông đồng bào dân tộc thiểu số học tập này. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn nguyên giá trị”.

Khẩu hiệu thầy Vui vừa nhắc là triết lý giáo dục xưa nay nhưng từng gây tranh luận nảy lửa trước đề xuất chấm dứt khẩu hiệu này (năm 2021). Song, cho đến nay, khẩu hiệu vẫn được treo nơi trang trọng, dễ nhìn trong các lớp học, tính nhân văn của khẩu hiệu đã dạy các em học sinh ở bất kỳ đâu khi gặp người lớn hơn phải cúi chào, biết nói cảm ơn, xin lỗi... Những điều nhỏ nhặt ấy là biểu hiện của một xã hội văn minh.

Không chỉ ở nhà trường, hiện nay, khi đến công sở, doanh nghiệp, bệnh viện, siêu thị, cửa hàng, kể cả quán cà phê, quán ăn... đâu đâu cũng thấy những khẩu hiệu, phương châm ứng xử tử tế, như: “Biết cười, biết lắng nghe, biết xin lỗi”; “Xin chào! Xin lỗi! Cảm ơn!”... Thực tế, ứng xử văn hóa nơi công sở luôn thể hiện chính quyền thân thiện; trong doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... thái độ của nhân viên có vai trò quan trọng trong sự phát triển và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng và quay lại lần sau của khách hàng.

Ðặt tay lên ngực và cúi chào, thể hiện văn hóa ứng xử văn minh của nhân viên Công ty Cổ phần Thế giới di động.

Những ai tới cửa hàng Thế giới di động, Ðiện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, AVAkids... (thuộc Công ty Cổ phần Thế giới di động) đều sẽ thấy một phong cách giao tiếp rất nhân văn, từ cách nhân viên của họ đặt tay lên ngực và cúi chào, đến sự lễ độ của người giữ xe. Kể cả khi bước ra khỏi cửa hàng, yên xe cũng đã được che mát và nhân viên sẽ dắt xe ra và cúi chào khi khách rời đi. Chính việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thống nhất, xuyên suốt và được thực hiện nghiêm túc đã tạo nên một thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong hệ thống các cửa hàng Thế giới di động, Ðiện Máy Xanh và hiện là quản lý của AVAkids (Phường 5, TP Cà Mau), chị Lê Kiều Như chia sẻ: “Xin chào, cảm ơn, tươi cười là những bài học đầu tiên. Ðể trở thành nhân viên của Công ty Cổ phần Thế giới di động, chúng tôi được đào tạo bài bản, tham gia các khóa tập huấn, sau đó thực tập 2 tháng tại cửa hàng. Do đó, những bạn không thuộc tuýp người phục vụ sẽ tự động dừng việc. Rất may mắn là, từ khi AVAkids có mặt tại Cà Mau đến nay đã hơn 1,5 năm, 6 nhân viên vẫn gắn bó đến giờ và đều thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp do công ty đặt ra”.

Theo chị Như, lời chào hỏi là một nét đẹp văn hóa ứng xử, được xem là một trong những quy tắc ứng xử, chuẩn mực cần thiết. Ðiều này nhằm hoàn thiện hành vi của nhân viên khi giao tiếp hằng ngày, tạo sự đoàn kết trong nội bộ và năng lượng tích cực trong công việc, làm khách hàng cảm thấy hài lòng dù họ chỉ vào tham quan.

“Lắng nghe cũng rất quan trọng. Khi khách hàng phản ánh về thiếu sót của cửa hàng, chúng tôi đồng cảm, lắng nghe ý kiến của họ để nhìn nhận vấn đề và giải quyết giúp họ. Ðồng thời gửi lời xin lỗi chân thành và rút kinh nghiệm cho những lần sau, tránh lặp phải lỗi tương tự. Khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng và đánh giá tích cực”, chị Như chia sẻ thêm.

Sự niềm nở và thái độ phục vụ chân thành của nhân viên đã giúp AVAkids nhận được sự đánh giá hài lòng từ khách hàng.

Bạn Chung Phương Trúc, nhân viên cửa hàng AVAkids, tâm tình: “Một nụ cười sẽ chạm đến trái tim. Do đó, khi đến cửa hàng, tôi tạm gác lại những bộn bề, lo toan, cảm xúc riêng để phục vụ khách tốt nhất. Dần dần trở thành thói quen cho chính chúng tôi, đi đâu, làm gì, ở bất cứ đâu, chúng tôi vẫn giữ nụ cười, nói xin chào, xin lỗi, cảm ơn... mọi mối quan hệ trong cuộc sống cũng trở nên tốt đẹp”.

Trên thực tế, nhằm tăng sự hài lòng của người dân, khách hàng và doanh nghiệp, văn hóa ứng xử được đề cao và được thể hiện qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng, thông qua nhiều cách, như Tổng đài Chăm sóc khách hàng, Hộp thư góp ý, website, ứng dụng, số Hotline... Kể cả xe ôm công nghệ hiện nay cũng đánh giá chất lượng chuyến đi, tài xế bằng việc chấm sao. Ðặc biệt, đối với ngành du lịch, để tạo dựng thương hiệu du lịch văn minh, thân thiện, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách, từ năm 2017, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh. Ðộng thái này nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, thái độ của người trong ngành du lịch và các ngành liên quan đến du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; khách du lịch; người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch về ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch. Nhờ đó, lượng khách đến Cà Mau ngày càng tăng, tổng doanh thu du lịch cũng tăng vượt bậc.

Ðối với ngành du lịch, ứng xử văn minh, phục vụ chuyên nghiệp sẽ tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. (Ảnh chụp tại gian hàng ẩm thực của Festival Tôm Cà Mau năm 2023).

Có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ðể xây dựng một xã hội văn minh, trước hết hãy xây dựng những con người văn minh. Ngày nay, công nghệ mở rộng biên độ, nên dù là ở đời thực hay trên không gian mạng thì văn hóa ứng xử chính là thước đo văn minh của mỗi người. Do đó, đối với những lỗ hổng văn hóa ứng xử nơi công cộng cần được lấp đầy bằng ý thức, trách nhiệm và sự nghiêm minh của pháp luật, để có được những hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cũng như xu thế phát triển của xã hội./.

Băng Thanh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hay-ung-xu-tu-te--a31908.html