Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương và đời sống người dân. Những năm qua, Lào Cai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học, trong đó chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức để mỗi người dân trở thành một phần của kế hoạch đa dạng sinh học.

Hệ thống rừng tại Lào Cai có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu và quý, hiếm, đặc biệt là trên dãy Hoàng Liên Sơn. Diện tích đất có rừng của tỉnh chiếm 56% diện tích đất tự nhiên, do đó rừng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước.

Trên địa bàn tỉnh có 1 vườn quốc gia và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, là nơi lưu giữ, bảo tồn, nhân giống, phát triển nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm. Việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh chú trọng xây dựng ý thức của mỗi người dân gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Lào Cai xác định, bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng lợi, thấy được quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, tự giác và nâng cao ý thức trong thực hiện kế hoạch đa dạng sinh học.

Lào Cai có hệ thực vật các khu rừng đặc dụng phong phú và đa dạng với 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Ngành mộc lan đa dạng nhất có 193 họ với 3.326 loài. Hệ động vật rừng đặc dụng cũng rất phong phú với 955 loài, thuộc 106 họ, 29 bộ và 5 lớp, trong đó 155 loài quý, hiếm; 20 loài quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới; 19 loài thuộc phụ lục của CITES; 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn. Đặc biệt, Lào Cai là nơi cư trú của những loài thú đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng như voọc đen tuyền, cá cóc Tam Đảo, gấu ngựa...

Đỗ quyên được coi là nữ hoàng của các loài hoa trên dãy Hoàng Liên Sơn, có thời gian loài hoa này bị săn lùng, khai thác trái phép với số lượng lớn. Trong khi đó, để một cây đỗ quyên sinh trưởng tự nhiên và cho hoa đẹp phải mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Để bảo vệ nguồn gen đặc hữu quý hiếm, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đỗ quyên tự nhiên; thực hiện đề tài nghiên cứu, điều tra và công bố 30 loài đỗ quyên phân bố tại vườn, xây dựng quy trình nhân giống 6 loài đỗ quyên bằng phương pháp gieo hạt và giâm hom. Bên cạnh đó, vườn phối hợp xuất bản cuốn sách “Đa dạng hoa đỗ quyên Vườn Quốc gia Hoàng Liên’’. Nhờ kết quả nghiên cứu của đề tài, nhiều loài đỗ quyên quý, hiếm đã được nhân giống thành công để bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng nghiên cứu nhân giống, bảo tồn thành công một số loài thực vật như vân sam, thiết sam, bách xanh, hoàng đàn, thông đỏ… Đây là những loài cây rất hạn chế về khả năng tự nhân giống ngoài môi trường thiên nhiên.

Song song với đó, vườn hợp tác với Hội Động vật Luân Đôn (Anh) và Bảo tàng Quốc gia Úc về nghiên cứu bò sát lưỡng cư để bảo tồn nguồn gen động vật. Công tác cứu hộ động vật được chú trọng, từ đầu năm đến nay, vườn đã cứu hộ 125 cá thể thuộc 34 loài động vật quý hiếm.

Nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là thúc đẩy cộng đồng dân cư sống gần rừng, du khách cùng xây dựng ý thức chung tay bảo vệ bền vững tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; phối hợp với các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm thông qua thế hệ trẻ lan tỏa tới cộng đồng ý thức cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch hành động với quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học. Tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, chủ động trong hoạt động bảo tồn: Đạt khoảng 40% các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nằm trong phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao; ít nhất 10% các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi; trên 60% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá đạt hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 60%. Bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã, loài di cư, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm; 20% các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi; 100% loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nằm trong phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gen của động vật, thực vật, nhất là các loài quý, hiếm, đặc hữu để các cá nhân, tổ chức liên quan biết và thực hiện, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hay-la-mot-phan-cua-ke-hoach-da-dang-sinh-hoc-post384405.html