Hãy cho người một thời lầm lỗi quyền được... lãng quên quá khứ

Cách đây không lâu, Báo Quảng Trị nhận được thư của ông Đ.H.T. (sinh năm 1978), ở TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đề nghị giúp gỡ một bài báo trên báo Quảng Trị điện tử dẫn lại thông tin về một vụ án mà ông có liên quan hơn 10 năm trước.

Ông Đ.H.T. cho biết, ông là người bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử trong một vụ việc kéo dài hơn 10 năm, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán hóa đơn, thiếu tinh thần trách nhiệm xảy ra tại ngân hàng...”. Sau gần 10 năm bị tạm giam với rất nhiều phiên xét xử, ông đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Ngày 1/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Hà Nội có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự do đã hết thời hiệu điều tra.

Qua thời gian, các trang báo, đặc biệt là báo điện tử và mạng xã hội đã đăng rất nhiều thông tin về vụ việc của ông. Mặc dù cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ vụ án nhưng thông tin trên các trang báo điện tử đã vô tình mang lại những hệ lụy cho gia đình ông, đặc biệt là hai con ông, một cháu học lớp 11, một cháu học lớp 8, đang trong độ tuổi hình thành nhân cách. Tâm lý bị tổn thương, hai cháu ngày càng tự ti, lầm lì ít nói, tránh tiếp xúc với mọi người và những cuộc giao lưu với bạn bè.

Trong thư gửi cho Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, ông Đ.H.T. tha thiết: “Để đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình, các con tôi đi học không bị tự ti, bị phân biệt đối xử bởi các thông tin trên các bài báo mạng, tôi tha thiết kính mong ông quan tâm tạo điều kiện gỡ các tin bài, hình ảnh về cá nhân tôi, để tôi và gia đình có một cuộc sống yên ổn, các cháu nhỏ đi học không bị bạn bè phân biệt đối xử, bàn tán, được hòa đồng trong môi trường học tập với bạn bè và thầy cô”.

Cùng với bức thư, ông Đ.H.T. gửi hơn 30 đường link các tờ báo đã thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình ông và đồng ý gỡ những thông tin về ông trên ấn phẩm của mình.

Ông Đ.H.T. không phải là trường hợp duy nhất gửi đến tòa soạn những lời đề nghị tương tự. Trước đó, tòa soạn nhận được email của anh H.H.T., hiện đang sinh sống và kinh doanh ở tỉnh Đồng Nai. Anh H.H.T. cho biết thời còn sinh viên anh vô tình vướng vào một vụ lừa đảo qua mạng, mặc dù sau này được cơ quan điều tra xác định anh vô tội nhưng những dòng tin về diễn biến vụ án vẫn còn đó trên trang báo và mạng xã hội (có tên và hình ảnh của anh).

Sau này lập nghiệp, công việc của anh gặp rất nhiều trắc trở, nhiều đối tác tỏ ra e dè khi đọc được thông tin về vụ việc ngày trước; hoặc có khi một hợp đồng lớn chuẩn bị được ký kết thì đối thủ cạnh tranh chơi xấu cố tình chia sẻ những đường link về vụ việc cho đối tác của anh. Oái oăm thay, không phải ai cũng đọc được toàn bộ các bản tin có liên quan, để biết rằng cơ quan điều tra đã kết luận anh hoàn toàn vô tội.

Ông P.N.T. (sinh năm 1967), ở tỉnh Hà Tĩnh trước đó từng vướng vào vòng lao lý vì tội Trộm cắp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy, giờ quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng hành trình về nẻo thiện của ông quá đỗi gian nan. Bản án của tòa thì có thời hạn, nhưng người đời vốn không dễ quên những sai lầm của người khác, nhất là khi chỉ cần một vài thao tác trên mạng, người ta có thể xới xáo lại một vụ việc vốn đã chìm sâu vào quên lãng. Ông P.N.T. kể, có bữa hàng xóm có việc, mình cũng đến xắn tay giúp. Tế nhị, người ta không nói ra nhưng mình ngồi đâu, làm việc gì người ta cũng có ý trông chừng, sợ mình “ngựa quen đường cũ” lại lấy mất cái này cái kia.

“Bà con, hàng xóm mà còn vậy, trách chi thiên hạ mênh mông ngoài kia không đủ bao dung với mình”, ông tâm sự. Đau đớn hơn, con trai ông đi làm ăn xa, quen rồi yêu một cô gái ở tỉnh khác, hai gia đình đã qua lại thăm nhau. Đang yên ấm thì đùng một cái, một người quen bên nhà gái đọc được thông tin về ông ngày trước và chia sẻ cho cả gia đình... Hạnh phúc của đôi trẻ đang chờ ngày đơm hoa kết trái bỗng tan vỡ theo một cách không ai ngờ tới. Con trai ông phẫn chí bỏ qua Lào làm ăn, còn ông chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, chua chát.

Có một thuật ngữ đang được nhắc đến trong thời gian gần đây, đó là “quyền được lãng quên”. Nghe qua có vẻ vô lý bởi người đời thường sợ ai đó quên mình nhưng ngẫm lại những trường hợp mà chúng tôi vừa kể ở trên thì đó thực sự là một lời thống thiết cần được xã hội nói chung, các cơ quan báo chí nói riêng lưu tâm.

Tại Liên minh Châu Âu, sau nhiều thập kỷ tranh cãi, quyền được lãng quên trên không gian mạng đã được công nhận từ năm 2016, cho phép cá nhân có quyền yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức kiểm soát công cụ tìm kiếm xóa khỏi danh sách kết quả các liên kết dẫn đến các trang chứa dữ liệu cá nhân của mình khi nhập vào chức năng tìm kiếm. Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Bởi trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí thông tin về các vụ án, hành vi vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết để lên án, cảnh báo, răn đe, từ đó giáo dục mọi người dân thượng tôn pháp luật.

Và dĩ nhiên báo chí còn có chức năng lưu trữ thông tin. Phân tích theo hướng này thì mỗi tổ chức, cá nhân đều phải chịu trách nhiệm với quá khứ của mình, nếu anh thực sự hối cải thì anh phải tự chứng minh điều đó trong thực tại, pháp luật không quy định các cơ quan báo chí hay mạng xã hội phải rà soát, gỡ bỏ thông tin về vụ việc tiêu cực đã đăng tải trước đó. Xóa bỏ hết các dữ liệu vô tình khiến xã hội không biết được tổ chức, cá nhân nào tốt xấu ra sao để đề phòng, ai cũng như ai.

Ở chiều ngược lại, nhìn ở góc độ nhân văn, ai cũng có thể phạm sai lầm trong quá khứ và muốn được lãng quên để thanh thản làm lại cuộc đời. Trớ trêu thay, bản án của tòa còn có thời hạn thi hành, thời gian thử thách và được xóa án tích, tức pháp luật đã coi họ là người bình thường, nhưng thông tin lưu trữ trên báo chí và mạng xã hội lại trở thành “án tích” đeo đẳng suốt cuộc đời họ. Như những trường hợp chúng tôi vừa dẫn ở trên, không chỉ cá nhân người lầm lỗi (hoặc vô tình bị vướng vào) mà cả vợ con họ cũng phải sống dằn vặt trong thị phi của người đời.

Tạo điều kiện giúp đỡ người lầm lỗi làm lại cuộc đời là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chính sách đó được thể hiện, ngày 5/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; ngày 14/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù... Qua đó, rất nhiều người lầm lỗi đã được giúp đỡ làm lại cuộc đời.

Vậy nên, trong lúc đang còn nhiều tranh cãi và chờ đợi pháp luật có quy định cụ thể về “quyền được lãng quên” trên không gian mạng, theo chúng tôi, các cơ quan báo chí, trang mạng xã hội cần cân nhắc kỹ khi thông tin về những vụ án, vụ việc tiêu cực, nhất là việc sử dụng trực diện hình ảnh tổ chức, cá nhân vi phạm. Bởi suy cho cùng, ngay cả những đối tượng phạm tội tày đình cần phải lên án, cách ly khỏi đời sống xã hội thì đằng sau đó vẫn còn có cha mẹ, vợ con, anh chị em của họ, những người sẽ phải mang theo sự tổn thương suốt cuộc đời.

Trung Dung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/hay-cho-nguoi-mot-thoi-lam-loi-quyen-duoc-lang-quen-qua-khu/184308.htm