Hãy bảo vệ và lắng nghe con trẻ

Tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp toàn thể giả định 'Quốc hội trẻ em' lần thứ nhất do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức. Tham dự sự kiện có sự góp mặt của 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trong cả nước.

Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề đang được trẻ em và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, đó là "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Trẻ em như búp trên cành.

Các đại biểu trẻ em nêu thực trạng, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội. Đặc biệt là những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng đã và đang tác động, ảnh hưởng tới tâm lý của thiếu niên dẫn tới các hành vi bạo lực, xâm hại vô cùng nguy hiểm, trở thành một nỗi ám ảnh, để lại những tổn thương, nỗi đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ em.

Một số đại biểu trẻ em đã kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp; tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; cần quan tâm đưa chương trình giáo dục giới tính vào nhà trường, tích hợp thường xuyên trong các môn học, thầy cô cởi mở hơn trong trao đổi với các em; hướng dẫn để trẻ em biết cách trình báo, tố cáo vụ việc tới các cơ quan chức năng…

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện nghiêm túc 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, đó là: Quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền phát triển và quyền tham gia của trẻ em; trong đó, quyền tham gia của trẻ em đóng vai trò quan trọng, là điều kiện đủ để bảo đảm thực hiện tốt nhất tất cả các quyền của trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em chưa sâu, rộng; sự tham gia của trẻ em còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức so với các nhóm quyền còn lại.

Nếu chúng ta còn tư duy trẻ con không biết gì thì là một suy nghĩ đã lạc hậu. Người lớn đều đã từng là trẻ em có nhận thức, suy nghĩ riêng và luôn muốn nói ra những chính kiến của mình, nhưng khi là người lớn chúng ta lại quên mất điều đó và cư xử với con trẻ như cách bố mẹ từng làm với chúng ta khi xưa "Trẻ ranh thì biết cái gì" mà quên đi những mong đợi khi còn nhỏ. Chính vì thế, những ý kiến phát biểu của trẻ em trên các diễn đàn ít khi được tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận. Khi ý kiến nêu ra không được đón nhận nên trẻ con sẽ mãi là trẻ con, mãi không biết cái gì. Về lâu dài, việc không lắng nghe, chia sẻ sẽ khiến sự gắn kết tình cảm giữa con trẻ với người lớn trở nên lỏng lẻo, cơ hội gần gũi, giáo dục dần ít đi, trẻ trở nên tự ti, thụ động.

Chúng ta vẫn nói "hãy lắng nghe trẻ em nói" nhưng lắng nghe xong chúng ta thường ít hành động. Thay vì nghe xong để đấy, chúng ta "nghe xong hãy hành động" để mọi điều tốt đẹp mà chúng ta muốn mang lại cho trẻ em không chỉ là lý thuyết. Bên cạnh đó, người lớn không được cản trẻ em thực hiện các quyền tham gia của mình trừ trường hợp sự tham gia đó không phù hợp với các quy định của luật pháp.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: "Sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế trên toàn cầu cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã lay động, làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới".

Chúng ta mong muốn con cái mình trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai thì ngay từ bây giờ những người lớn, nhất là các bậc làm cha mẹ hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để lắng nghe trẻ em nói, hãy cho trẻ được thể hiện ý kiến của mình. Việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục để thế hệ tương lai của đất nước luôn được vui, khỏe và giỏi giang hơn chúng ta, thì đấy là hồng phúc của nước nhà.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/hay-bao-ve-va-lang-nghe-con-tre-i707133/