Hậu xét!!!

Đúng là chuyện 'con voi chui qua lỗ kim', chú nhể. - Cũng chỉ là một câu ví von thôi mà bác. Thực tế làm gì có.

- Hay là ở chỗ ví von ấy. Ai lại cái chuyện tày đình như thế mà lại qua được hết các cơ quan chức năng.

- Bác muốn nói chuyện gì?

- Thì cái chuyện phá rừng ở Bình Định ấy.

- Chuyện này thì đúng là tày đình thật. Chả phải “con voi” mà em nghĩ nó phải là “khủng long”. Em nhớ, trước đây có chuyện cây sưa cổ thụ bị đốn chặt giữa phố đã là lạ rồi.

- Ấy vậy mà theo Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp - Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, sau khi đo đạc, lập hồ sơ đánh giá thiệt hại vụ phá rừng ở xã An Hưng, huyện An Lão, lên gần 61 ha, cơ mà.

- Một vụ phá rừng đầu nguồn với diện tích rộng như vậy, rầm rộ máy móc, làm cả đường để vận chuyển gỗ…mà đến khi rừng tan hoang, cơ quan chức năng mới biết, thì rõ là chuyện lạ hơn cả lạ. Em được biết, sau khi kiểm tra hiện trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, cho hay đây là vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng, diện tích rừng bị phá trên quy mô lớn.

- Lạ hơn nữa là, trước tình trạng phá rừng xảy ra ở khắp mọi nơi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp. Đây được cho là giải pháp khẩn cấp để cứu rừng. Ấy vậy mà vụ phá rừng quy mô lớn này vẫn xảy ra.

- Đây có thể coi là một ví dụ điển hình cho một cụm từ đã trở thành thành ngữ “trên bảo dưới không nghe”, hay có “đóng cửa” mà cố tình để rơi “chìa khóa”.

- Dù sao thì cũng đã phát hiện ra sau khi rừng đã mất, đã khởi tố và đã điều tra và sẽ xử lý nghiêm. Có điều tớ nghĩ, trước bao nhiêu thiên tai, biến đổi khí hậu, đem lại bao hậu quả đau lòng, mà một trong những nguyên nhân chính là do phá rừng. Vậy mà chuyện phá rừng vẫn liên tiếp xảy ra trắng trợn và ngang nhiên như không hề có ai quản lý.

- Rồi cả chuyện người ta ngang nhiên phá rừng với mục đích gọi là cao cả, sáng tạo cho phát triển kinh tế. Như lần trước em và bác đã bàn chuyện cánh rừng dương ven biển ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi có diện tích 4,1ha đã bị chặt phá để triển khai dự án sản xuất rau an toàn đó.

- Chẳng biết cái “sáng tạo” này như thế nào, hiệu quả ra sao, dưng theo phản ánh của người dân thì hàng chục năm qua, rừng dương này đã trở thành bờ rào chắn gió, ngăn sóng bảo vệ hoa màu, nhà cửa của cư dân ven biển. Với việc tàn phá rừng dương, người dân lo ngại gia tăng tình trạng sạt lở bờ biển, bão cát, ảnh hưởng đến đất sản xuất, nhà cửa của cư dân trong mùa mưa bão.

- Những lo ngại đó của người dân là nhỡn tiền rồi. Ấy vậy mà tại một tỉnh “hàng xóm” với Quảng Ngãi, anh Quảng Nam, không biết có phải vì thấy “hàng xóm” làm được thì “tức nhau tiếng gáy” mà cũng vừa đem rừng ra phá.

- Chú nhầm rồi, cái vụ phá rừng này tớ biết, theo phản ảnh của người dân, rừng tự nhiên ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã bị phá từ vài năm trở lại đây để… trồng rừng.

- Sao lại có chuyện lạ thế, phá rừng để trồng rừng. Vậy đằng sau chuyện này là gì?

- Là những mét khối gỗ, là…tiền. Đấy vừa rồi qua kiểm tra, ông Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Nam thừa nhận, thực tế là có phá rừng tự nhiên để trồng keo nhưng đây là lũy kế của nhiều năm.

- Thế hóa ra anh Quảng Ngãi học anh Quảng Nam à?

- Chắc vậy, dưng cứ chờ xem họ chứng minh cái lợi ích của cây keo, cây rau sạch có át được cái nguy cơ, tác hại của việc phá rừng không.

- Chả chứng minh được thì rừng cũng sạch rồi. Có cái lợi ích chả cần chứng minh ai cũng biết, đó là lợi ích vật chất của những cây gỗ đem lại, rồi lại có tiền dự án trồng keo, trồng rau.

- Còn dư chấn của bão, của lũ, của biến đổi khí hậu…hậu xét!!!

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hau-xet-60616.html