Hậu Giang trao chứng nhận đầu tư 12 dự án

Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chúc mừng các nhà đầu tư, doanh nghiệp được trao Quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức sáng ngày 12/12, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã trao Quyết định cho thuê đất; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; biên bản ghi nhớ; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 12 nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể:

1. Trao Quyết định cho thuê đất cho Công ty TNHH Sunjin Vina với diện tích 26.449,3 m2 để thực hiện Dự án nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Sunjin tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư 530 tỷ đồng.

2. Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường phổ thông liên cấp của Công ty TNHH Giáo dục FPT; diện tích sử dụng đất là 5,4 ha với tổng mức đầu tư 261 tỷ đồng.

3. Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa số 10 thực hiện Dự án mở rộng Bệnh viện đa khoa số 10, diện tích mở rộng dự án 1,27 ha, quy mô đầu tư 150 giường bệnh, tổng mức đầu tư phần mở rộng hơn 400 tỷ đồng.

4. Trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải Thái Bình Dương thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư Dự án kho bãi logistics qui mô 10 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng trong Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

5. Trao biên bản ghi nhớ đầu tư Công ty TNHH Hải Tín nghiên cứu, khảo sát, đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp qui mô 10 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng trong Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

6. Trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang cho Công ty TNHH Giải pháp công nghệ 689Cloud Solutions- chuyên cung cấp các giải pháp chia sẻ và bảo mật dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây;

7. Công ty TNHH MTV Phát triển phần mềm Âu Lạc thực hiện các hoạt động thiết kế phần mềm trong lĩnh vực tự động hóa, cung ứng cho thị trường trong nước và Quốc tế;

8. Công ty TNHH Digi-Texx Việt Nam - công ty 100% vốn FDI từ Đức hoạt động trong lĩnh vực gia công quy trình kinh doanh (BPO) và dịch vụ số;

9. Công ty TNHH Công nghệ giáo dục Steamzone Mekong hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục, sản xuất học liệu số và giáo dục STEM/STEAM;

10. Công ty TNHH NDN Việt Nam thuộc tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kong, chuyên về công nghệ mới AI, Blockchair…

11. Công ty cổ phần QAS hoạt động trong lĩnh vực lập trình các sản phẩm phần mềm quản trị doanh nghiệp;

12. Công ty TNHH Noiz Distribution Vietnam chuyên về công nghệ tài chính, bảo hiểm.

Ngoài trao chứng nhận đầu tư 12 dự án, tại hội nghị đã ký kết 8 bản ghi nhớ đầu tư với tổng giá trị 220.000 tỷ đồng cùng 2 biên bản ghi nhớ hợp tác (Dự án kho bãi logistics quy mô 10ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp quy mô 10ha với tổng vốn 500 tỷ đồng).

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại;

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 37%; 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8m2; hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng ĐBSCL; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện 5 đột phát chiến lược gồm: Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu để hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, TP. Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Khánh Vy

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/hau-giang-trao-chung-nhan-dau-tu-12-du-an-114853.htm