Hậu Giang: Đầu tư 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế ban đêm

Ngày 7/3, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) là 12.000 tỷ đồng, nhằm khai thác tiềm năng phát triển các khu KTBĐ ở trung tâm các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân…

Thành phố Vị Thanh sẽ là trung tâm phát triển KTBĐ của tỉnh Hậu Giang (Trong ảnh: Thành phố Vị Thanh bên dòng kênh xáng Xà No thơ mộng vào đêm).

Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đề án định hướng, thiết lập mục tiêu và giải pháp thúc đẩy phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, nhằm khai thác tiềm năng phát triển các khu KTBĐ ở trung tâm các thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: Hình thành 03 - 04 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; Hình thành ít nhất 03 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày; Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 5 - 7%; Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 - 10%/năm; KTBĐ góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng.

Đến năm 2030: Hình thành 06 - 07 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm; Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; Hình thành ít nhất 04 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02 - 03 ngày; Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên; Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 - 13%/năm; Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Định hướng KTBĐ tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung phát triển tại các đô thị:

Thành phố Vị Thanh - Không gian phố đi bộ: Tuyến đường Hồ Xuân Hương xung quanh hồ Sen và đường 1 Tháng 5 từ hồ Sen nối ra kênh xáng Xà No; Không gian chợ đêm: Phường V, cạnh Công viên Xà No và bờ kênh xáng Xà No duy trì trong giai đoạn 2021 - 2025. Sau năm 2025, khu chợ đêm sẽ kết hợp với tuyến phố đi bộ để tạo không gian hợp nhất trong phát triển KTBĐ của thành phố; Không gian khu văn hóa Hồ Sen, khu hồ Tam Giác, kênh xáng Xà No - Khu văn hóa Hồ Sen là một địa điểm sinh hoạt văn hóa quan trọng, biểu tượng đặc trưng tiêu biểu của thành phố Vị Thanh và tỉnh Hậu Giang; Không gian đi bộ buổi tối tại kênh xáng Xà No: Từ cầu 2 Tháng 9 đến cầu Đoàn Kết; Tổ hợp khách sạn Sojo: Khu tổ hợp vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm tại Khách sạn Sojo.

Thành phố Ngã Bảy - Không gian đi bộ buổi tối tại Ngã Bảy sông. Không gian ẩm thực và phố đi bộ tại hồ Xáng Thổi: Khu vực quanh hồ tại các tuyến đường: Vũ Đình Liệu, Nguyễn An Ninh, Lương Trí và Đường số 1. Không gian chợ đêm: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ngã Bảy. Không gian phố ẩm thực: Đường Nguyễn Huệ, phường Ngã Bảy.

Huyện Châu Thành: Khu vui chơi giải trí tại xã Đông Phú; Trung tâm thương mại và Khu dân cư thị trấn Mái Dầm; Chợ đêm ở tuyến đường Hùng Vương, thị trấn Ngã Sáu. Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực thị trấn Mái Dầm. Không gian vui chơi, giải trí, du lịch tại các đô thị sinh thái trên địa bàn huyện Châu Thành. Huyện Châu Thành A: Không gian mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực tại thị trấn Một Ngàn: Trung tâm thương mại thị trấn Một Ngàn. Không gian chợ đêm tại thị trấn Cái Tắc, thị trấn Một Ngàn và thị trấn Bảy Ngàn: Khu Quảng trường, đường 3 Tháng 2, thị trấn Một Ngàn; Đường Bờ kè, thị trấn Bảy Ngàn; Quốc lộ 61 (đoạn ngang chợ Cái Tắc), thị trấn Cái Tắc. Không gian vui chơi, giải trí, du lịch, công viên Trường Đại học Võ Trường Toản.

Thị xã Long Mỹ - Không gian chợ đêm: Đường 3 Tháng 2, khu vực 2, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ.

Huyện Long Mỹ - Khu ẩm thực đêm: Xã Lương Tâm, khu vực bờ kè của chợ thị trấn Vĩnh Viễn, chợ Xà Phiên. Không gian giao lưu Aday: Xã Xà Phiên.

Huyện Phụng Hiệp - Không gian chợ đêm thị trấn Cây Dương: Đường số 29, Khu dân cư và Trung tâm thương mại Hồng Phát, ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng; Đường số D2, Khu dân cư - Trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương (Do Công ty Cổ phần CADICO làm chủ đầu tư), ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương; Đường số 2, Khu dân cư thương mại Tân Long, ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long. Khám phá Lung Ngọc Hoàng về đêm: Xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp.

Huyện Vị Thủy: Không gian chợ đêm thị trấn Nàng Mau - Tuyến đường Ngô Quốc Trị và đường Nguyễn Trung Trực, ấp 3, thị trấn Nàng Mau.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 (2021 - 2025): Phát triển KTBĐ đối với thành phố Vị Thanh và thành phố Ngã Bảy. Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Vị Thanh: Không gian đi bộ buổi tối tại kênh xáng Xà No, tuyến phố đi bộ đường Hồ Xuân Hương (Hồ Sen) và đoạn đường 1 Tháng 5 nối từ hồ Sen ra kênh xáng Xà No. Thành phố Ngã Bảy: Không gian ẩm thực và phố đi bộ tại hồ Xáng Thổi, chợ đêm thành phố Ngã Bảy, Cầu tàu chợ nổi Ngã Bảy, Không gian đi bộ và du lịch buổi tối tại Ngã Bảy sông. Giai đoạn 2 (2026 - 2030): Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Vị Thanh tại các vị trí phát triển đô thị. Mở rộng không gian KTBĐ tại thành phố Ngã Bảy: khu vực Ngã Bảy sông. Huyện Châu Thành: Khu vui chơi giải trí tại xã Đông Phú, Khu trung tâm thương mại và Khu dân cư thị trấn Mái Dầm, Khu trung tâm thương mại thị trấn Ngã Sáu. Huyện Châu Thành A: Thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc, thị trấn Bảy Ngàn. Thị xã Long Mỹ: Phát triển chợ đêm ở trung tâm thị xã. Huyện Long Mỹ: Khu ẩm thực đêm, không gian giao lưu Aday. Huyện Phụng Hiệp: Thị trấn Cây Dương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Huyện Vị Thủy: Thị trấn Nàng Mau.

Các dịch vụ phát triển KTBĐ tỉnh Hậu Giang, như: Tổ chức các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch vào ban đêm, một số sự kiện văn hóa riêng biệt, có thể tổ chức định kỳ, cố định tại các điểm du lịch để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm; mở rộng thời gian hoạt động của một số địa điểm văn hóa lịch sử khai thác vào ban đêm; Liên kết thương mại, đầu tư xây dựng, hình thành các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực phát triển KTBĐ; Khuyến khích phát triển chuỗi cửa hàng ăn đêm, cửa hàng mua sắm hiện đại, tiện tích, khu trưng bày sản phẩm, quà lưu niệm mở cửa hoạt động tối đa theo khung giờ quy định; Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn đặc trưng địa phương; Phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, ngắm cảnh đêm kết hợp vui chơi giải trí; phát triển khu phố du lịch, mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch…

Thành phố Ngã Bảy sẽ là không gian nhiều tuyến phố đi bộ và ẩm thực vào ban đêm.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển KTBĐ là 12.000 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025 là 4.100 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 25 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 4.075 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 là 7.900 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 80 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 7.820 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trực tiếp phát triển KTBĐ là 684 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025 là 204 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 25 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 179 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 là 480 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 80 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 400 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hậu Giang giao cho các Sở ngành thực hiện triển khai Đề án phát triển KTBĐ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương liên quan nghiên cứu tích hợp, lồng ghép quy hoạch phát triển KTBĐ trong quá trình xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù; trong đó quy hoạch những khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển KTBĐ. Trên cơ sở quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh cùng đơn vị có liên quan lập kế hoạch và triển khai cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, chú trọng hệ thống chiếu sáng nơi công cộng, định hướng quy hoạch cụ thể các cụm/khu vực phát triển KTBĐ để kêu gọi đầu tư hình thành các khu tổ hợp giải trí ban đêm quy mô, mang yếu tố đặc trưng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh…

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hau-giang-dau-tu-12000-ty-dong-phat-trien-kinh-te-ban-dem-350492.html