Hát Xoan Phú Thọ - dấu ấn tín ngưỡng cội nguồn dân tộc

Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Trước đó, ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại…

Tập huấn cho các học viên có năng khiếu về Hát Xoan trở thành nghệ nhân kế cận, nghệ sĩ có trình độ và kỹ năng biểu diễn tốt. Ảnh: Ngọc Bích

Nguồn gốc ra đời và nội dung của Hát Xoan chồng xếp nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng và diện mạo nghệ thuật của nhiều thời đại. Từ tiếng hát dân dã thuở sơ khai cho đến những áng thơ trau truốt mượt mà của các nhà nho phong kiến, ẩn chứa cả tín ngưỡng thờ tô tem, thờ vật giống, thờ cây lúa nước cổ xưa cho đến tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ vua của các triều đại sau này. Tất cả tạo nên một đặc trưng riêng của Hát Xoan, đem lại cho Xoan một sức sống trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Thật lý thú khi nhìn vào các địa phương có tục hát Xoan ở cả Phú Thọ và Vĩnh Phúc, chúng ta thấy trong 18 xã thì có đến 14 xã thờ vua Hùng, vợ con và các tướng nhà Hùng. Các ngôi đình: An Thái, Phù Đức, Kim Đái, Phù Ninh, Tử Đà, Tây Cốc, Hoàng Thượng, Kim Xá thờ Tam vị Hùng Vương. Các đình: Y Kỳ, Nông Trang, Cao Mại, Dữu Lâu, Thanh Đình, Cẩm Đội, Tử Du thờ các công chúa nhà Hùng là Tiên Dung, Ngọc Hoa, Nguyệt Cư, các tướng Cao Sơn, Quý Minh và các thần núi. Như vậy, dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt đầu ngay từ các nhân vật được thờ ở di tích Hát Xoan. Đây chính là điểm xuất phát của các nghi thức thờ lễ trong Hát Xoan với nội dung chính là thờ lễ các Vua Hùng dựng nước. Khi tín ngưỡng thờ thành hoàng xuất hiện, lập tức nó được hòa nhập với tín ngưỡng thờ Vua Hùng, giữa các vị vua có công khai sáng đất nước với các vị thần bảo hộ cho làng chạ. Đó là một đặc điểm quan trọng trong tín ngưỡng của hát Xoan.

Do đó, việc mời các “Vua đại vương” về nghe hát mang cùng lúc nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó là các Vua Hùng được tôn làm thần bảo hộ, là thành hoàng đại vương, cũng là các vua khai sáng các triều đại phong kiến cường thịnh. Nhiều khi còn mời cả tổ tiên các dòng họ trong làng. Tựu trung, đó là ý nghĩa nhân văn sâu xa trong tâm hồn người Việt, đến ngày tiệc lễ mời các vị tổ tiên của nước, của làng về nghe hát. Qua đó chúng ta cũng thấy được sự trọng thị của người dân dành cho Hát Xoan- hát lễ ca cầu chúc cho làng được dân khang vật thịnh.

Học sinh tìm hiểu, trải nghiệm trình diễn Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức).

Một đặc điểm nữa trong Hát Xoan là tín ngưỡng thờ vua Hùng, thờ thành hoàng gắn kết với tín ngưỡng thờ lúa, nguồn sống chính của cư dân nông nghiệp. Người ta mời vua về nghe hát là để ban cho làng được thóc lúa đề đa, mùa màng bội thu. Có những làng xã tôn vinh vua Hùng như thần nông, trở thành ông tổ của nghề lúa nước, cũng bởi thời đại Vua Hùng là thời đại mở đường và phát triển rực rỡ của nền văn minh lúa nước thuở bình minh dân tộc.

Rước vua về đình chịu tiệc đêm nay

Dóng dẩy tràng mai xuống cách này

Trầu nhang đã sẵn dâng lên vua đại vương

Về thời vâng chạ vâng làng lúa tốt bình an

(Tràng mai cách)

Rước đại vương về

Đại vương về giáng phúc

Chúc cho làng nước

Cho thịnh đời đời

(Thơ nhang)

Những câu hát chúc tụng mùa màng như trên có thể thấy được xuyên suốt trong cuộc Hát Xoan, không chỉ ở phần lề lối mở đầu mà còn ở nhiều quả cách. Ngay cả ở phần hát giao duyên trữ tình, mà thường gọi là hát hội, chúng ta vẫn thấy đậm đặc dấu ấn tín ngưỡng, mà ở đây là tín ngưỡng phồn thực hết sức cổ xưa hình thành từ cội nguồn dân tộc. Rõ nét nhất là tiết mục Cài Huê- Mó Cá, tiết mục cuối cùng của cuộc hát chính thức. Nếu như ở các bài hát cách, giai điệu Xoan nghiêm trang và có phần đơn điệu thì ở tiết mục này, tiết tấu Xoan trở nên nhanh, khỏe, rộn ràng, với sự tham gia của trai gái, lời ca tình tứ và thậm chí có phần ỡm ờ tinh nghịch. Nó được gọi là hát giao duyên. Tuy nhiên, đây chính là một hình thức diễn xướng nghệ thuật mang tính nghi lễ sâu sắc. Xưa kia, cuộc hát thâu đêm và bài Mó cá được biểu diễn vào lúc mờ sáng, khi giao thoa giữa đêm - ngày, âm- dương, khi vũ trụ chuẩn bị đón vầng dương ngày mới. Có thể nói, trình diễn tiết mục này vào thời điểm thiêng, trong không gian thiêng với niềm tin sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mùa màng, đến sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Vì vậy người ta tin rằng nếu bỏ qua tiết mục này làng sẽ mất mùa, đói kém.

Điều đặc biệt là tiết mục Cài Huê - Mó Cá có sự tham gia của trai làng sở tại ra hát cùng với các cô đào, bởi đây là cầu chúc cho làng với hình thức tượng trưng âm dương kết hợp, còn gọi là “âm dương hợp đức” để sinh sôi. Trai gái múa hát trước bàn thờ và làm động tác dặm lưới. Ở một số nơi có tục tắt đèn khi hát Mó cá, đó là các làng Y Kỳ, Dữu Lâu, Phù Đức, Cẩm Đội, Đức Bác, Hữu Bổ. Có những câu hát như:

Cá diếc hay là cá rô

Sờ đi mó lại phải cô ả đào

Cá diếc hay là cá dưng

Sờ đi mó lại phải lưng cô đào

Kết thúc bài hát là việc bắt lấy các cô đào (có nơi là trai làng) dâng lên thần linh: “Cá bé anh phó giả đào, anh bắt cá lớn lên chầu đại vương”. Có thể nói, tục tắt đèn bắt cá trong Hát Xoan Phú Thọ là một nghi lễ nguyên thủy trong lớp tín ngưỡng cổ xưa, được ra đời từ thời tiền sử tương ứng với các giai đoạn văn hóa tiền Hùng Vương và Hùng Vương. Nghiên cứu cội nguồn của Hát Xoan, chúng ta sẽ thấy cội nguồn của lễ hội người Việt cổ. Phú Thọ được coi là trung tâm của bộ Văn Lang, là kinh đô của nước Văn Lang xưa, như vậy Phú Thọ cũng là trung tâm của lễ hội thời Hùng Vương dựng nước. Những hình thức tín ngưỡng cổ xưa trong Hát Xoan cũng là dấu tích của lễ hội thời đại Hùng Vương- Lễ hội phồn thực, điểm khởi đầu của lễ hội người Việt cổ.

Mặc dù Hát Xoan đã trải qua một chặng đường dài với những biến đổi mang tính tất yếu của lịch sử, nhưng dấu ấn tín ngưỡng cội nguồn dân tộc vẫn không hề mai một, mà ngược lại, đã và đang đem lại cho Hát Xoan sức sống trường tồn cùng năm tháng, không chỉ ở cái nôi của Đất Tổ mà lan tỏa đến mọi vùng đất nước.

Nguyễn Mai Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/hat-xoan-phu-tho-dau-an-tin-nguong-coi-nguon-dan-toc/192147.htm