Hát trống quân ngày Xuân

Một mùa xuân mới đã về. Đây cũng là thời điểm các thành viên trong Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội) hăng say luyện tập để chuẩn bị cho ngày hội đầu xuân. Bao đời nay, điệu hát trống quân vẫn là mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ nam thanh, nữ tú ở địa phương.

Từ lâu, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với sông Nhuệ và sông Tô Lịch tựa dải lụa mềm chảy ngang qua. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng bởi những làn điệu trống quân da diết. Từ xa xưa, những người gắn bó với nghiệp hát trống quân vẫn tương truyền câu chuyện nói về nguồn gốc điệu hát: “Thuở xưa, Lê Lợi cầm quân đánh giặc, khi nghỉ chân ở làng ven sông Khánh Vân, Đỗ Hà, Đan Nhiễm, vừa hay có đám mây ngũ sắc từ xa kéo tới che rợp cả đoàn quân. Hôm sau, đoàn quân vào trận và giành chiến thắng. Cho đó là điềm trời trợ giúp, Lê Lợi đã phong làng Khánh Vân là “Mây lành” và Đỗ Hà, Đan Nhiễm là dấu tích vua ban. Để tưởng nhớ công ơn của nhà Vua, dân làng mở hội khao quân và hát trống quân có từ ngày đó”.

Xã Khánh Hà nổi tiếng bởi những làn điệu trống quân da diết.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà, chia sẻ, số người biết hát trống quân ở xã Khánh Hà đã có giai đoạn bị mai một. Nhận thấy nguy cơ sắp mất đi một nét văn hóa, những người đam mê làn điệu trống quân ở địa phương đã tập hợp nhau lại để cùng gìn giữ. Nhờ đó năm 2005, Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà được thành lập. Mỗi năm, Câu lạc bộ mở một lớp tập hát trống quân cho khoảng 20 học sinh trong độ tuổi 9-15. Qua 17 năm, đã có hàng trăm người dân trong các thôn được truyền dạy hát trống quân. Trong đó, nhiều thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt, biểu diễn dịp hội làng, lễ, Tết…

Hát trống quân Khánh Hà có rất nhiều làn điệu như cò lả, giao duyên, hát đối, họa hoa, họa trời, họa đất, hát gọi... Hàng trăm bài trống quân được sáng tác dựa trên những làn điệu cơ sở với nội dung khác nhau về mọi mặt của đời sống, tất cả tạo nên kho tàng hát trống quân cần lưu giữ và truyền dạy. Xã Khánh Hà được đánh giá là một trong những nơi phục dựng môn nghệ thuật này tương đối sớm và hoạt động hiệu quả. Nhờ công sức của lớp nghệ nhân cao tuổi trong sưu tầm các làn điệu cổ và truyền dạy cho thế hệ trẻ mà mạch nguồn truyền thống cha ông để lại ở Khánh Hà không bị đứt đoạn. Những câu hát dân gian mượt mà, thắm đượm ân tình đất và người Khánh Hà trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Bề dày truyền thống cũng từ đó được vun đắp qua từng thế hệ.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy (ở làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà) là một trong số những nghệ nhân cao tuổi nhất của Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà. Những ngày còn khỏe, cụ Vẫy không chỉ tích cực tham gia hoạt động của Câu lạc bộ mà còn dành thời gian, tâm huyết để truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho thế hệ trẻ. Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, hát trống quân là nghi thức văn hóa không thể thiếu ở Đan Nhiễm vào các dịp hội, các cuộc tiễn bộ đội lên đường…

Ông Lê Văn Ba - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Hát trống quân xã Khánh Hà cho biết, đến nay, hát trống quân xã Khánh Hà đã được nhiều người biết tới, đặc biệt là lớp trẻ. Thậm chí, Câu lạc bộ cũng đã có nhiều lần biểu diễn ở Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội và giành được nhiều giải tại Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội.

Nhạc điệu của hát trống quân có điểm đặc biệt ở chỗ, có thể lên bổng xuống trầm tùy hứng và đầy sáng tạo. Câu hát, điệu đối thơ hay những dụng cụ gọi là thanh nhạc của hát trống quân cũng rất đỗi dân dã. Trong ký ức của người nghệ nhân già, các cuộc hát trống quân ở hội làng thường được tổ chức bài bản. Mỗi nhóm tham gia hát Trống quân có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc yếm trắng, yếm đào bên trong, áo cánh nâu bên ngoài, thắt lưng hoa đào, hoa lý, váy nâu, đầu quấn khăn nhung đen.

Người ta mang một chiếc thùng gỗ rồi úp ngược trên một tấm gỗ dài ở giữa sân đình, căng sợi dây mây trên một chiếc chạc nhỏ bằng gỗ ổi, ghim hai đầu dây thật chặt vào tấm gỗ dài có đặt thùng gỗ. Khi hát, mỗi khi bên nam, bên nữ cất lên một câu hát thì gõ vào dây mây điểm nhịp, dây mây tác động vào thùng gỗ tạo ra những tiếng “thùng thình” âm vang cả một vùng không gian rộng khắp sân đình.

Ông Nguyễn Văn Côn (người dân làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà) là người đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của nghệ thật hát trống quân tại quê hương. “Từ xưa cho đến nay, người dân địa phương chúng tôi đều cố gắng giữ gìn truyền thống của làn điệu hát trống quân. Trống quân có tính chất luận điệu nhau để hai bên có thể đáp lại những lời bên kia nói, từ đó tạo nên sự khăng khít, là chất “keo” kết nối tình làng, nghĩa xóm. Nhất là trong những dịp đầu xuân, những làn điệu hát trống quân cất lên giúp người dân chúng tôi như xua tan hết mệt nhọc, thư giãn, thư thái hơn”, ông Côn bày tỏ.

Có chứng kiến sự hăng say luyện tập của các thành viên Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà những ngày giáp Tết mới thấy được sự say mê, mong muốn giữ gìn làn điệu hát cổ của người dân nơi đây. Từ cụ già đến các em nhỏ đều hào hứng với những trang phục, đạo cụ quen thuộc của nghệ thuật hát trống quân. Những ánh mắt, nụ cười hồn hậu, bình dị nhanh chóng “nhập vai” một cách chuyên nghiệp. Nếu chỉ xem họ biểu diễn, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ rằng những con người này sinh ra là để gắn bó với nghệ thuật hát trống quân. Thế nhưng, đằng sau những câu hát đặc sắc, ấn tượng đó là những bàn tay chai sạn, nứt nẻ vì cuộc sống mưu sinh. Bằng tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống, họ đã xua tan nỗi nhọc nhằn của cuộc sống đời thường bằng những làn điệu, nhịp phách đặc trưng của nghệ thuật trống quân truyền thống…

Những ngày cuối năm, chúng tôi chia tay Khánh Hà trong lời hát mượt mà: “Tết đến thời em mà đi chơi a xuân/Đến đây mở hội trống quân mà em a vào/Em vào chào trống chào dây/Em chào các cụ ngồi đây ăn trầu”…

Tiến Kim

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hat-trong-quan-ngay-xuan-151338.html