Hạt nêm Knorr không làm từ thịt và xương hầm

(VOV) - Với kiểu lập lờ, không rõ ràng trong quảng cáo, các nhà sản xuất đã khiến người tiêu dùng ngộ nhận về công dụng của hạt nêm.

Người tiêu dùng vẫn tin rằng hạt nêm được làm từ thịt thăn và xương ống như nhà sản xuất quảng cáo. Nhưng trong một xét nghiệm mới đây của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho thấy, có đến 30% lượng bột ngọt trong hạt nêm. Quảng cáo lập lờ Chị Minh Trang ở quận Thanh Xuân, Hà Nội xem quảng cáo thấy hạt nêm Knorr được làm từ thịt thăn và xương ống. Vì bị dị ứng với bột ngọt nên chị đã chuyển sang sử dụng hạt nêm. Sau thời gian dài sử dụng, chị thấy xây xẩm mặt mày, hai vai nhức, toàn thân rũ rượi, chóng mặt, choáng váng... Lúc đó, chị mới đọc kỹ thành phần của hạt nêm Knorr in trên bao bì sản phẩm. Chị tá hỏa khi thấy thành phần hạt nêm gồm có muối, chất điều vị sodium glutamate (E621), sodium guanylate (E627) và sodium inosinate (E631), còn bột thịt thăn và nước cốt xương ống hầm như trong quảng cáo chỉ có 1,9%. “Thành phần của hạt nêm không được chiết xuất hoàn toàn từ nước hầm xương, thịt như lời quảng cáo. Nếu biết trước hạt nêm có bột ngọt, tôi sẽ không dùng”, chị Trang than. Không chỉ riêng chị Trang mà rất nhiều người tiêu dùng (NTD) đã lựa chọn hạt nêm Knorr vì tin đây là thứ gia vị hoàn toàn tự nhiên tốt cho sức khỏe. Các xét nghiệm mới đây của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM cho thấy, có đến 30% lượng bột ngọt (mì chính) trong hạt nêm. Theo GS.TS Bùi Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, E621 là bột ngọt, còn 2 chất điều vị E627 và E631 không chỉ là bột ngọt mà còn là chất siêu ngọt. Khi được hỏi có biết trong bột nêm có bột ngọt không, chị Thanh ở Cầu Diễn (Hà Nội) trả lời: “Hạt nêm không có bột ngọt, vị ngọt là do chiết xuất từ thịt và xương ống, nếu có bột ngọt người ta phải ghi ra chứ”. Còn chị Hoa ở Tam Trinh lâu nay có thói quen dùng hạt nêm, chị khá bất ngờ khi biết có thành phần bột ngọt trong hạt nêm Knorr: “Tôi không hề thấy chữ nào ghi chú có thành phần bột ngọt trên bao bì nên vẫn dùng thoải mái. Họ chỉ ghi là Sodium Glutamate thì tôi làm sao hiểu được những từ chuyên môn như thế. Khi mua thực phẩm, tôi chỉ biết dựa vào thương hiệu và tin tưởng nhà sản xuất đã quảng cáo trung thực”. Với kiểu lập lờ, không rõ ràng trong quảng cáo, các nhà sản xuất đã khiến NTD ngộ nhận về công dụng của hạt nêm Knorr. Khó “tuýt còi” doanh nghiệp Ngày 15/6, phóng viên Báo TNVN đã xem xét bao bì của các sản phẩm hạt nêm Knorr bán trên thị trường và nhận thấy, không có một thông tin nào rõ ràng về thành phần bột ngọt và chất siêu ngọt có trong hạt nêm được ghi trên bao bì. Thay vào đó là các chữ “chất điều vị” (E621, E631, E627) được ghi chú trong mục giới thiệu thành phần. Tất nhiên, không phải NTD nào cũng hiểu được đó là chất gì và tác dụng như thế nào. PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam khẳng định: bột thịt có trong hạt nêm thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô chứ không phải từ nước hầm xương ống và thịt thăn. Trong nước hầm xương ống có rất nhiều chất béo do tủy tiết ra nên khi cô đặc lại sẽ dễ bị ôi thiu, kể cả trong môi trường chân không. Trên thực tế, không có việc sản xuất hạt nêm từ nước hầm xương ống và thịt thăn như quảng cáo. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một chuyên gia của Cục quản lý chất lượng hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), thừa nhận rất khó thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa thực phẩm theo hướng để tất cả mọi người đều hiểu được. Theo chuyên gia này, trong thành phần của một sản phẩm có rất nhiều nguyên liệu cấu tạo nên, vì thế nhà sản xuất chỉ liệt kê một số nguyên liệu chính, thậm chí có những trường hợp thông lệ quốc tế cho phép chỉ ghi tên khoa học hoặc ghi tắt. Trong trường hợp các sản phẩm bột nêm Knorr, việc ghi chất điều vị E621, E631, E627 là “đạt yêu cầu”. Trong đó, E621 là bột ngọt, E631 và E627 là “chiết xuất từ bột ngọt”. “Chúng tôi khó lòng đảm bảo tất cả nội dung ghi trên bao bì thực phẩm đều dễ hiểu với đại đa số NTD, mà chỉ có thể đảm bảo về độ an toàn của chúng đối với sức khỏe NTD khi cấp phép. Cũng rất khó yêu cầu nhà sản xuất phải công bố trên nhãn hàm lượng mỗi chất bao nhiêu vì đó là công thức của họ, miễn họ làm đúng hàm lượng đã công bố với cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp khi quảng cáo đều lách luật bằng cách quảng cáo sản phẩm “ngon từ thịt, ngọt từ xương” hoặc “được làm từ thịt thăn và xương ống”, chứ không nói cụ thể có bao nhiêu % thịt thăn và xương ống trong thành phần của sản phẩm, nên cơ quan quản lý khó mà “tuýt còi” doanh nghiệp trong trường hợp này được”./. Hương Ly (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/hat-nem-knorr-khong-lam-tu-thit-va-xuong-ham/20106/147001.vov