Haruki Murakami đã sai như thế nào khi chê phụ nữ lái xe

Sau tay lái, phụ nữ tập trung nhìn đường, chứ không liếc ngang liếc dọc khi thấy một chiếc xe lạ kề bên hay một cặp đùi non sau chiếc xe máy dừng đèn đỏ phía trước.

Chị Thủy Phạm là nhà báo của tờ Thể thao & Văn hóa với nhiều bài viết liên quan tới âm nhạc và ôtô xe máy. Bài sau thể hiện quan điểm riêng của tác giả, được trích từ cuốn "Mở rộng bán kính đời mình".

Drive My Car, bộ phim chiến thắng giòn giã tại tất cả các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh mà nó lăn bánh qua: Kịch bản hay nhất tại LHP Cannes 2021, Phim nước ngoài hay nhất tại BAFTA (Anh), Quả cầu Vàng (Mỹ), Critics Choice Awards (Mỹ và Canada), và Oscar 2022, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng nhất hiện nay, Haruki Murakami.

Drive My Car, đúng như tựa đề, có một câu chuyện lái xe xuyên suốt bộ phim dài 170 phút. Và tài xế trong câu chuyện này là một phụ nữ, chính xác là một cô gái.

Phụ nữ có 2 kiểu lái xe

Éo le thay, ngay mở đầu truyện ngắn Drive My Car, nhà văn Haruki Murakami, qua góc nhìn của nhân vật chính, đã thẳng tay chê phụ nữ lái xe như thế này: “Kiểu lái xe của phụ nữ được chia thành hai loại chính. Hoặc là hơi quá ẩu, hoặc là hơi quá cẩn thận. Loại sau - có lẽ chúng ta phải cảm ơn điều này - nhiều hơn hẳn loại trước.

“Kiểu lái xe của phụ nữ được chia thành hai loại chính. Hoặc là hơi quá ẩu, hoặc là hơi quá cẩn thận" - Nhà văn Haruki Murakami.

Nhìn chung, tài xế nữ lái xe cẩn thận, nghiêm chỉnh hơn cánh đàn ông. Tất nhiên chẳng có lý gì để phàn nàn chuyện lái xe cẩn thận, nghiêm chỉnh cả. Nhưng hình như đôi khi kiểu lái xe đó lại khiến các tài xế xung quanh bực bội.

Trong khi đó, phần lớn các tài xế nữ thuộc “nhóm lái ẩu” dường như tin rằng mình lái rất giỏi. Nhiều người trong số họ còn coi thường những tài xế nữ quá cẩn thận, tự hào rằng mình không như vậy. Nhưng họ lại không nhận ra, khi họ đột ngột chuyển làn, một số tài xế xung quanh hoặc là buông tiếng thở dài, hoặc là bật ra những lời không êm tai lắm trong lúc đạp mạnh chân phanh…”.

Thực ra khoa học từ lâu đã tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc của Kafuku và đã chứng minh rằng, sự khác biệt về thể chất giữa nam và nữ đóng vai trò lớn hơn chúng ta vẫn nghĩ trong việc lái xe. Cụ thể, nội tiết tố nam (testosterone) thường liên quan đến các hoạt động có chỉ số octan cao, cho phép đàn ông có khả năng quyết đoán, mạnh mẽ khi xử lý tình huống, khả năng kiểm soát không gian tốt hơn.

Chả có gì lạ khi bạn ngán ngẩm chờ một chiếc Kia Morning dời tới dời lui mới vào được chỗ đậu, bụng rủa thầm: Lại đàn bà cầm lái! Đúng, đàn bà chúng tôi thua các anh vụ này.

Nhưng testosterone cao cũng làm các anh trở nên hung hăng hơn - đó là lý do vì sao trong các tai nạn xe hơi trên thế giới, số lượng nạn nhân là nam giới trong độ tuổi 20-30 có xu hướng cao hơn, mức độ tai nạn nặng nề hơn.

Thật tuyệt vời khi nội tiết tố nữ, ngoài liên quan tới váy áo, giày gót nhọn, zumba..., thì nó có ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung khi lái xe. Sau tay lái, phụ nữ tập trung nhìn đường, chứ không liếc ngang liếc dọc khi thấy một chiếc xe lạ kề bên hay một cặp đùi non sau chiếc xe máy dừng đèn đỏ phía trước.

Và nội tiết tố nữ cũng giúp các chị nhớ dai hơn đàn ông nhiều. Ghi nhớ các tuyến đường, nhớ địa chỉ...đều thuộc chức năng của bộ nhớ. Vâng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh - tức các bà cô trung niên, được tăng cường trí nhớ.

Các tài xế nữ có nhiều khả năng tuân theo các quy tắc đường bộ, nhường cho các lái xe khác và tránh những hành vi có thể gây rủi ro.

Và đây nữa: Sự khác biệt lớn nhất giữa quyền năng testosterone của đàn ông và estrogen của phụ nữ, là việc chúng điều khiển hành vi có tính xúc cảm của họ. Đó là lý do tại sao các tài xế nữ có nhiều khả năng tuân theo các quy tắc đường bộ, nhường cho các lái xe khác và tránh những hành vi có thể gây rủi ro.

Phụ nữ hay đàn ông lái xe giỏi?

Còn nếu chưa chịu tin điều này thì hãy tham khảo một số chỉ số trong biểu đồ từ một nghiên cứu tại Anh quốc, được tờ Telegraph UK đăng tải:

- Kiểm soát tốc độ an toàn: Đàn ông 55%, Đàn bà 75%

- Dừng xe theo tín hiệu đèn giao thông: Đàn ông 44%, Đàn bà 85%

- Có hành động tiêu cực đối với lái xe khác: Đàn ông 73%, Đàn bà 54%

- Sử dụng gương quan sát khi lái xe: Đàn ông 46%, Đàn bà 79%

- Khả năng quan sát hiệu quả (nhất là khoảng mù): Đàn ông 82%, Đàn bà 71%

- Lái xe quá gần xe phía trước: Đàn ông 27%, Đàn bà 4%

- Khả năng làm chủ việc đánh lái: Đàn ông 100%, Đàn bà 96%

- Ôm cua khi rẽ: Đàn ông 68%, Đàn bà 43%

- Vừa lái xe vừa gọi điện thoại hoặc nhắn tin: Đàn ông 24%, Đàn bà 16%

- Gây tắc nghẽn trên đường: Đàn ông 25%, Đàn bà 16%

Các con số trên cho thấy phụ nữ lái xe đáng tin cậy hơn đàn ông nhiều!

Quay lại với Drive My Car, cô gái Misaki Watari, người được cử tới làm tài xế riêng hàng ngày trong suốt 2 tháng cho Kafuku, nhân vật chính, đã khiến anh kinh ngạc và phải thừa nhận cô là một tài xế xuất sắc.

“Mọi thao tác đều rất êm ái, không bị giật cục. Tuy đường đông, lại nhiều đèn đỏ nhưng dường như cô vẫn giữ được số vòng quay nhất định của động cơ. Cứ nhìn chuyển động trong ánh mắt cô là biết.

Và nếu nhắm mắt, Kafuku hầu như không cảm nhận được là cần số đang đưa đi đưa lại, đến nỗi phải cố lắng nghe sự thay đổi của động cơ mới biết có sự khác biệt trong tỉ số truyền. Cách cô đạp chân ga và chân phanh cũng rất nhẹ nhàng, cẩn trọng. Và cô gái này luôn thư giãn từ đầu tới cuối trong lúc lái xe.

Dường như lái xe là lúc cô kiềm chế được sự căng thẳng”. Lái xe như thế, mà đây là một chiếc xe khá cổ, với hộp số sàn, đàn ông cũng khó kiếm đấy. Rõ là Haruki Murakami chê xong lập tức thấy mình sai, chỉ trong một truyện ngắn. Vậy các anh có còn thấy mình đúng với tuyên bố: Không bán xăng cho phụ nữ!?

Thủy Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/haruki-murakami-da-sai-nhu-the-nao-khi-che-phu-nu-lai-xe-post1409927.html