Hấp lực đầu tư của TP. HCM năm 2024

Được vận dụng hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, TP. HCM đang có trong tay 'chìa khóa' để mở ra các cơ hội lớn, thu hút đầu tư cho các dự án tầm cỡ.

 Vận dụng cơ chế mới vượt trội giúp TP. HCM 'thúc' tăng trưởng xanh, hút vốn đầu tư (Ảnh minh họa)

Vận dụng cơ chế mới vượt trội giúp TP. HCM 'thúc' tăng trưởng xanh, hút vốn đầu tư (Ảnh minh họa)

Đón “đại bàng” xây tổ từ chính sách tăng trưởng xanh

Trong nhiều năm liền đóng góp khoảng 1/5 GDP và hơn 1/4 thu ngân sách của cả nước, TP. HCM luôn là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trước những bất ổn của nền kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, kinh tế TP. HCM đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt mục tiêu đề ra, vị thế “đầu tàu” gặp nhiều thách thức.

Mặt khác, dù có quy mô lớn nhưng kinh tế của TP. HCM chủ yếu phát triển theo hướng tuyến tính và chưa được xanh hóa. Đặc biệt, TP cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước (chủ yếu từ năng lượng và giao thông).

Trước nhận định Nghị quyết 98 sẽ đem lại những thuận lợi để TP. HCM tiếp tục duy trì vị thế vốn có, lãnh đạo TP. HCM cho hay, việc thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP với những cơ chế vượt trội sẽ đem lại những thuận lợi rất căn bản; là những định hướng, khung pháp lý để TP. HCM có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, phát triển bền vững, đặc biệt là quá trình tăng trưởng xanh phù hợp xu hướng chung toàn cầu.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP. HCM

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP. HCM

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP. HCM ngày 24/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM, cho biết cùng với xu hướng chung của thế giới, TP đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai ưu tiên hàng đầu, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng, tiến bộ về xã hội, hưởng tới nền kinh tế xanh.

“TP hiện đã hoàn thành xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh TP đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trên cơ sở đó, TP mong muốn có các sáng kiến đầu tư mới, thu hút sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư quốc tế và trong nước”, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.

Cơ hội lớn cho nhà đầu tư BĐS có tiềm lực mạnh

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho thấy, việc được thực hiện đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu hay triển khai hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng tiền sẽ tạo điều kiện cho TP chủ động linh hoạt trong việc kêu gọi, triển khai các thủ tục đầu tư PPP. Điều này cũng giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược.

Cụ thể, với cơ chế mới, TP hiện dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức BT đối với một số đoạn trên tuyến đường vành đai 2, mục tiêu khép kín đồng bộ trục giao thông huyết mạch này. Đồng thời TP cũng xác định danh mục 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT, trong đó dự kiến vốn nhà nước sẽ tham gia khoảng 27.869 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 62% tổng vốn dự án, nhằm tăng tính khả thi về mặt tài chính của các dự án.

Đối với việc thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), TP sẽ sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, tức được tách rời các công việc liên quan bồi thường với công việc xây dựng, để thu hồi đất, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Theo đó, ngoài tuyến metro 1 (45.904 tỷ đồng) về cơ bản đã hoàn thành, TP sẽ tiếp tục phát triển các dự án: metro 2 (giai đoạn 1: 48.320 tỷ đồng), metro 5 (giai đoạn 1: 41.072 tỷ đồng) trên cơ sở đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ. Hiện TP vẫn đang tiếp tục tìm nguồn tài trợ cho 9 dự án metro còn lại và 3 tuyến đường sắt nhẹ với tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 386.560 tỷ đồng.

TP. HCM sẽ chủ động bố trí ngân sách để thực hiện GPMB tại các khu vực phụ cận các nhà ga metro, các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án BĐS tại các khu đất liên quan.

Điều này sẽ tạo ra cơ hội đầu tư rất tốt cho các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, do sẽ nhận được quỹ đất sạch phát triển dự án thông qua cơ chế minh bạch, cùng với các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể để tính toán phương án tài chính làm cơ sở quyết định tham gia đầu tư dự án.

Hỗ trợ vượt trội cho các dự án đổi mới khoa học và công nghệ

Lĩnh vực đổi mới sáng tạo được xem là thế mạnh của TP. HCM. TP hiện có trên 2.800 doanh nghiệp startup (chiếm hơn 50% tổng số startup của Việt Nam), trong đó 65% tập trung ở lĩnh vực CNTT. Hơn 44 cơ sở ươm tạo - tăng tốc khởi nghiệp và hơn 100 tổ chức trung gian hỗ trợ startup (cả nhà nước và tư nhân).

“Cơ chế mới cho phép khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo”, đại diện Sở KHĐT TP cho hay.

Theo đó, Nghị quyết 98 đã quy định hàng loạt các chính sách hỗ trợ vượt trội trong lĩnh vực này cho TP. Một là, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Hai là miễn thuế TNDN trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của DN khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có phát sinh.

Ba là miễn thuế TNCN, thuế TNDN của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Bốn là các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được miễn thuế TNCN trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công.

Sáu là hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Với các chính sách này, TP. HCM kỳ vọng các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội hợp tác với các startup của TP theo nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Khánh Nam

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hap-luc-dau-tu-cua-tp-hcm-nam-2024-20180504224294510.htm