Hào khí cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và Bia tưởng niệm Vịnh Bà Thu

KHÍ THẾ CUỘC KHỞI NGHĨA

Theo quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Tân Bình” và Hồ sơ di tích Vịnh Bà Thu lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang: Trước cuộc khởi nghĩa Nam kỳ khoảng 3 tháng, không khí chuẩn bị trong quận Cai Lậy diễn ra khẩn trương. Giữa tháng 8-1940, các lò rèn làm việc suốt ngày đêm để cung cấp giáo, mác, gươm, ná lảy… cho quân khởi nghĩa. Ở nhiều làng, nhân dân tự nguyện hiến những dụng cụ bằng sắt để rèn vũ khí. Khoảng 17 giờ ngày 22-11-1940, Gauthier, Chủ tỉnh Mỹ Tho và bọn chỉ huy quân sự nhận được bức điện số 7325 của mật thám Sài Gòn; tiếp sau đó (lúc 18 giờ 45 phút) lại nhận được bức điện số 317 của Thống đốc Nam kỳ.

Nội dung của 2 bức điện này báo cho bọn cầm quyền ở tỉnh biết: “Theo nhiều nguồn tin tình báo, đêm nay (22-11) cộng sản sẽ nổi dậy đánh chiếm nhiều nơi, có lính bản xứ tham gia. Tất cả các nơi phải đề phòng, ra lệnh báo động, không cho lính ra khỏi trại, gác kho súng đạn, huy động cảnh sát, mật thám, mã tà… đi tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Nếu có biến động thì thẳng tay đàn áp”. Nhận được điện, lập tức Chủ tỉnh Mỹ Tho truyền đạt cho cấp dưới của y và ra lệnh cho cảnh sát, mã tà đi tuần tra, canh gác trên các đường làng, đường tỉnh và thanh tra các đồn trong khu vực.

Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển tới làng Mỹ Hạnh Đông và được phổ biến đến các làng ngay trong đêm. Ban lãnh đạo khởi nghĩa làng Mỹ Hạnh Đông lập tức nổi trống mõ tập hợp nhân dân.

Sáng 23-11, nhà việc Mỹ Hạnh Đông bị lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm. Khoảng 8 giờ, đoàn người nổi trống mõ, trang bị gậy gộc, giáo mác kéo lên cống Huế nhập vào lực lượng khởi nghĩa, kéo ra ngã ba sông Cũ, tới chợ Cái Chuối (tức chợ Mỹ Hạnh Trung) đoàn biểu tình đã có khoảng 500 người, tràn ra nhà việc làng Mỹ Hạnh Trung với khí thế ào ạt. Đoàn người vừa đánh trống, mõ, vừa hô vang khẩu hiệu “phản đế, bài phong; chống cường hào ác bá; đả đảo đế quốc Pháp; chánh quyền về tay nhân dân”. Ban Hội tề làng Mỹ Hạnh Trung đã bỏ trốn.

Tên Đội Chí dẫn 2 lính đồn Cái Chuối mang súng lửa ra bắn thị uy, liền bị đoàn biểu tình rượt đuổi, bỏ súng và xe đạp chạy bộ ra dinh quận Cai Lậy. Nhà việc Mỹ Hạnh Trung bị đoàn biểu tình chiếm, đốt hết giấy tờ sổ sách.

Lực lượng khởi nghĩa thu được 2 khẩu súng lửa. Xe đạp của mấy tên lính bị ném xuống sông. Quần chúng ùa ra đường, đem nước uống tiếp tế cho đoàn quân khởi nghĩa. Dưới sự chỉ huy của Ban lãnh đạo khởi nghĩa, đoàn biểu tình vác cờ, biểu ngữ, tiếp tục đánh trống mõ và hô khẩu hiệu kéo về dinh quận Cai Lậy.

ĐÀN ÁP ĐẪM MÁU TẠI VỊNH BÀ THU

Khoảng 10 giờ ngày 23-11-1940, đoàn quân khởi nghĩa kéo đến vịnh Bà Thu (xã Tân Bình) thì bị hơn 40 tên lính mã tà do tên Quận Tâm trực tiếp chỉ huy chặn lại. Khí thế của quần chúng dâng lên hừng hực, dũng cảm tiến lên và hô vang các khẩu hiệu hòa lẫn với tiếng trống, tiếng mõ vang dội cả một góc trời.

Tên Quận Tâm ngồi ở phía bên kia rạch Ba Rài, thấy đám lính mã tà cứ lùi dần, đã điên tiết cho ca nô chạy qua và hét to “chặn chúng lại”. Đoàn người biểu tình cầm gậy gộc, giáo mác xông lên đánh giáp lá cà với địch. Bọn lính có đứa bị quẹo nòng súng.

Chị Lê Thị Sảnh vẫn cầm cờ xông lên phía trước thì bị tên Quận Tâm đánh báng súng vào bụng ngã gục. Chị Phan Thị Chạy đang cầm tấm băng, thấy vậy nhảy lên đỡ lấy cán cờ, quyết không để lá cờ của Đảng rơi xuống đất. Đoàn người biểu tình tiếp tục tiến lên.

Tên Quận Tâm điên cuồng ra lệnh nổ súng, làm chị Dương Thị Nhậm hy sinh; anh Nông Văn Cư bị trúng đạn, sau đó hy sinh; khoảng 20 người bị thương, trong đó có anh Đoàn Quý Thể, đảng viên xã Tân Bình bị trúng đạn xuyên qua hai mắt và bị địch bắt cùng 38 người khác.

Trước sự đàn áp dã man của địch, đoàn khởi nghĩa tạm thời rút lui, chuẩn bị đối phó với địch. Hàng ngàn lượt người dân xã Tân Bình tham gia đốn cây ngã ngổn ngang làm chướng ngại vật trên lộ 12 và dưới rạch Ba Rài, đoạn từ chùa Khánh Quới đến rạch Nàng Chưng để ngăn chặn địch vào đàn áp cuộc khởi nghĩa; nhưng do Quận Tâm và lính mã tà đi tuần cẩn mật nên ta không chiếm được nhà việc xã Tân Bình.

Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 ở xã Tân Bình chưa thành công vì nổ ra không đúng thời cơ, điều kiện cách mạng chưa chín muồi, bị địch đàn áp đẫm máu, nhưng cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần quyết tâm chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do cho dân tộc, nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

DI TÍCH LỊCH SỬ BIA TƯỞNG NIỆM VỊNH BÀ THU

Để tưởng nhớ công ơn những người tham gia khởi nghĩa đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, tại ấp 3, xã Tân Bình, TX. Cai Lậy, Nhà nước và nhân dân đã xây dựng Bia tưởng niệm Vịnh Bà Thu, do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh phác thảo, xây dựng bằng đá granit (6 đoạn), cao 9 m, nền bia bằng bê tông cốt thép, lót gạch men màu nâu đỏ. Bia có dáng hình khẩu súng, trên các đoạn của thân bia điêu khắc 4 cánh tay nắm chặt đưa lên cao (hình tượng của đấu tranh chính trị), trên cùng là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, phần dưới khắc nội dung lịch sử di tích:

“Ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, từ các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Trung, nhân dân biểu tình có vũ trang tiến ra Cai Lậy giành chính quyền hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

- Tới đây đoàn biểu tình đã bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp đẫm máu, bà Dương Thị Nhậm, ông Nguyễn Văn Cư hy sinh và hơn 20 người khác bị thương.

- Sau đó giặc bắt đi 38 người giam ở Sài Gòn và đày ra Côn Đảo, phần lớn đã hy sinh.

- Đảng bộ và nhân dân Cai Lậy mãi mãi ghi nhớ công ơn các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Nam kỳ”.

Hàng năm, vào ngày 27-7, tại Bia tưởng niệm Vịnh Bà Thu, chính quyền xã và nhân dân trong vùng tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc đàn áp ở vịnh Bà Thu. Đây còn là nơi để người dân sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Tại địa điểm xảy ra sự kiện Vịnh Bà Thu, UBND tỉnh Tiền Giang đã công nhận là Di tích lịch sử vào năm 2000.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202011/hao-khi-cuoc-khoi-nghia-nam-ky-va-bia-tuong-niem-vinh-ba-thu-913830/