Hành trình về với đại ngàn Trường Sơn

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Hội Nhà báo TP tổ chức “Hành trình về với đại ngàn Trường Sơn”

Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí TP.HCM dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại TP Pleiku, Gia Lai và lắng nghe lời dặn của Bác về đại đoàn kết dân tộc.

Tưởng nhớ ngày Thương binh liệt sỹ (27/7), Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Hội Nhà báo TP tổ chức “Hành trình về với đại ngàn Trường Sơn”. PV Báo Giao thông được dịp theo chân đoàn và ghi nhận chuyến đi ý nghĩa này.

Trên chuyến hành trình dọc đường Trường Sơn huyền thoại, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy đã dẫn đoàn thăm hỏi, tặng quà cho 60 mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, và những đồng bào dân tộc thiểu số năm xưa một lòng với cách mạng. Đồng thời đoàn đã tặng 60 phần quà cho học sinh giỏi, 3 căn nhà tình thương cho gia đình liệt sỹ, thương binh nặng.

Một trong những xã mà đồng bào dân tộc Tây Nguyên có truyền thống anh hùng mạnh mẽ đó là xã Ia MơNông, huyện Chư Păh, Gia Lai. Chiều 7/7, đoàn đã ghé thăm tặng học bổng cho các em học sinh học giỏi, tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh. Ông Rơ Châm Thung Bí thư xã Ia MơNông xúc động nói trong số các gia đình được đoàn thăm, tặng quà có bà Rơ Châm Nhĩ có đến 4 người con là liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tấm lòng của bà mẹ Tây Nguyên thật vĩ đại biết bao!

Bà Thân Thị Thư cùng thành viên trong đoàn thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng.

Khi đến dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi được nghe lại những lời Bác căn dặn về đặt vấn đề đoàn kết dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, hàng vạn đồng bào Tây Nguyên đã tham gia du kích, thoát ly chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Minh chứng rõ nhất ở khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, có 8 thôn thì đã có 6 thôn là người đồng bào các dân tộc Ba Na, Brâu… làm ăn, sinh sống chan hòa cùng với người Kinh. Đoàn hành trình đã kết hợp Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y thăm hỏi, tặng quà cho hàng chục gia đình chính sách. Đặc biệt, phần lớn đều là các bà, các mẹ người đồng bào năm xưa từng là TNXP đi gùi gạo, tải đạn phục vụ cho bộ đội ta trên chiến trường. Ngày nay các bà, các mẹ lại trở về với cuộc sống đời thường, làm nương làm rẫy và cùng với Nhà nước giữ rừng, giữ đất.

Đoàn còn viếng thăm nhiều chiến trường xưa và địa danh mang ý nghĩa lịch sử. Đó là di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất Bắc Tây Nguyên. Giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh một trong những cứ điểm mạnh nhất của Mỹ ngụy ở Tây Nguyên năm 1972, nhưng trận đánh đó bộ đội ta cũng không tránh khỏi nhiều mất mát, hy sinh. Đoàn đến viếng di tích vào buổi chiều 8/7, hai chiếc xe tăng mà quân đội ta tiến vào giải phóng căn cứ Tân Cảnh đứng sừng sững hiên ngang giữa trời lộng gió.

Viếng nghĩa trang liệt sỹ Đăk Tô nơi ôm ấp hàng ngàn mộ liệt sỹ.

Từ Gia Lai đến Kontum, những nghĩa trang Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei nơi ôm ấp phần mộ của hàng ngàn liệt sỹ đã hy sinh trong những trận đánh năm xưa lạnh lẽo dưới cơn mưa của tiết trời Tây Nguyên tháng 7. Lòng người hậu thế thật nhói đau nhưng cảm xúc cũng đầy bi tráng. Khắc trên nấm mồ là tên của những chàng trai hy sinh khi mới 18, 20 tuổi ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… chao ôi mà rưng rưng, đau đáu. Tôi mường tượng ra những khuôn mặt còn rất trẻ, có cả những học sinh, sinh viên mặt đầy kiêu hãnh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” tiến vào giải phóng miền Nam. Nhưng trước khi non sông về một mối, thân thể các anh đã ngã xuống nơi chiến trường, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Một nhà báo trẻ thắp hương trước một liệt sỹ chưa xác định tên tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Ngọc Hồi, Kontum.

Tham quan Thủy điện Ialy, một công trình trọng điểm phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

Sao Mai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-ve-voi-dai-ngan-truong-son-d160748.html