Hành trình tìm kiếm dung nham xanh ở Indonesia

Trong chuyến du lịch Indonesia, Nguyễn Lan Uyên dành thời gian khám phá núi lửa Kawah Ijen - nơi nổi tiếng với dòng dung nham xanh.

Phía đông đảo Java (Indonesia) có một nơi nổi tiếng trên thế giới về những ngọn lửa màu xanh lam huyền bí, tiếng địa phương gọi là Api Biru. Ngọn lửa màu xanh đó chỉ có thể nhìn thấy trong màn đêm tối, tầm 3-4h. Nó chỉ xuất hiện trong lòng chảo của ngọn núi lửa còn hoạt động mạnh mẽ Kawah Ijen.

“Kawah Ijen” trong ngôn ngữ địa phương có nghĩa là “miệng núi lửa cô đơn”. Tuy nhiên, nó không hề đơn độc. Ijen thuộc quần thể núi lửa nằm gần thị trấn ven biển Banyuwangi, phía đông đảo Java, được bao quanh bởi những ngọn núi lửa khác như Gunung Rante, núi Raung, núi Suket và núi Pendil.

Từ khách sạn nằm gần sân bay quốc tế Ngurah Rai, đảo Bali, tôi xuất phát lúc gần 10 giờ sáng, vượt quãng đường hơn 130 km trong khoảng 4 giờ đến bến phà công cộng ở Gilimanuk, 45 phút băng qua eo biển Bali đến thị trấn Banyuwangi.

Thông thường, những du khách đi thám hiểm núi lửa Ijen sẽ lưu trú lại thị trấn này. Tuy nhiên, tôi tiếp tục đi khoảng 2 giờ nữa, men theo những con đường ngoằn ngoèo cao ngất để nghỉ chân tại homestay trên núi, cách trại căn cứ Ijen chỉ 10 phút đi bộ. Vì vậy, thay vì 0h phải dậy để xuất phát từ thị trấn Banyuwangi, tôi có thể ngủ thêm 2 giờ và bắt đầu hành trình thám hiểm núi lửa Ijen lúc 2h.

Nhận mặt nạ phòng độc tại trại căn cứ, đoàn người thám hiểm từ khắp các quốc gia trên thế giới nối đuôi nhau trong ánh đèn pin leo lắt - thứ ánh sáng duy nhất lúc này. Đêm không trăng, không sao, không thể nhìn thấy được gì phía trước mặt.

Nữ du khách dậy từ 2h để bắt đầu hành trình đi tìm ngọn lửa xanh.

Đoạn đường từ trại căn cứ lên vành đai miệng núi lửa Ijen không có chướng ngại vật, chỉ là phải vượt qua hàng loạt những con dốc cao chất ngất với độ dốc 45-60 độ trong bóng tối đặc quánh và nhiệt độ lúc này là 5 độ C.

Tuy Ijen chỉ cao 2.799 mét so với mặt nước biển, có nhiều người phải dừng lại nôn mửa hoặc có triệu chứng nôn nao. Đây là tình trạng say độ cao do não thiếu oxy, sốc độ cao đi kèm biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, hoa mắt, khó thở, da tím tái, buồn nôn, nôn mửa.

Do đó, với những người có tiền sử sốc độ cao hoặc thể lực chưa tốt, cách phòng tránh là nên nghỉ ngơi trên núi trước một ngày để thích nghi với độ cao, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và ăn nhẹ trước khi bắt đầu hành trình leo núi ban đêm. Theo những người thường chạy bộ, bạn có thể mang theo viên muối phòng chống chuột rút và thanh năng lượng để ăn bổ sung dọc đường.

Mất khoảng 1,5 giờ leo 4 km đường dốc lên miệng núi, tôi tiếp tục trèo thêm 45 phút vượt 300 m xuống vực đá vào trong họng núi lửa. Càng xuống thấp, mùi lưu huỳnh càng nồng nặc. Đây cũng là lúc du khách đã gần chạm đến ngọn lửa xanh.

Có một mỏ lưu huỳnh lớn nhất Indonesia nằm bên trong họng núi lửa còn đang hoạt động này. Lưu huỳnh là một phi kim loại có thể biến đổi màu sắc tùy theo trạng thái vật chất hiện tại của nó. Lưu huỳnh ở dạng lỏng có màu đỏ cam như dung nham, khi cháy thì có màu xanh lam và ở thể rắn lại mang màu vàng.

Trên đường đi, bạn sẽ nhìn thấy nhiều thợ mỏ gánh những tảng lưu huỳnh nặng 75-90 kg từ họng núi lửa. Họ trèo 300 m lên miệng núi rồi lại đi tiếp 4 km xuống núi để cân.

Mỗi ngày họ sẽ đi hai chuyến như vậy với mức thù lao chỉ khoảng 13 USD, không bảo hiểm, không dụng cụ phòng độc với rất nhiều rủi ro như mắc bệnh về đường hô hấp khi liên tục hít phải mùi lưu huỳnh và bụi mịn trong không khí. Khu vực này thường xảy ra những vụ phun trào phreatic. Nơi đây cũng có nhiều vực đá nguy hiểm, bên dưới là một hồ axit đậm đặc. Đó là chưa kể nơi làm việc của họ ở bên trong một ngọn núi lửa còn đang hoạt động mạnh mẽ.

Mất vài giờ để lên miệng núi rồi leo xuống lòng chảo núi lửa nhưng bạn chỉ có thể đứng gần chiêm ngưỡng ngọn lửa xanh trong ít phút.

Gần đây nhất, vào 29/5/2020, một vụ phun tràn phreatic trong lòng hồ axit đã tạo những con sóng cao 3 m. Trong khi bỏ chạy, một trong hai người thợ mỏ đang làm việc đã trượt chân rơi xuống hồ axit và mất tích. Trung tâm Giảm nhẹ nguy cơ địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) đã đưa thông tin cảnh báo, đồng thời đóng cửa núi lửa Ijen một thời gian để ngăn chặn người dân và du khách đi xuống đây.

Tuy đồng cảm với những khó khăn và nguy hiểm của những người thợ mỏ, bạn cũng không nên mua những viên lưu huỳnh nhỏ, được đục đẽo để bán cho khách du lịch. Đây là vật liệu dễ cháy nổ, thường được sử dụng trong thuốc súng, pháo hoa và diêm quẹt. Những món đồ này sẽ không được mang lên máy bay.

Trở lại với ngọn lửa xanh, mọi mệt mỏi trong tôi dường như tan biến khi chứng kiến khung cảnh mê hoặc ấy hiện ra trước mặt. Ngọn lửa màu xanh lam huyền ảo, kèm theo đó là những cuộn khói khổng lồ cứ vài phút nhả ra một lần. Nếu đứng quá gần, mùi của lưu huỳnh và khí gas sẽ khiến bạn chao đảo, cay xè mắt mũi và ảnh hưởng nặng đến hô hấp, thậm chí bị bắt lửa.

Đây không hẳn là một ngọn lửa thực sự. Ánh lửa của sự cháy là một phản ứng hóa học của cacbon dioxide, hơi nước, oxy và nitơ. Còn ở Ijen, khi lưu huỳnh từ bên trong núi lửa thoát ra bề mặt với nhiệt độ 600 độ C, phản ứng với oxy trong khí quyển và tạo ra sự cháy màu xanh lam, có thể lên cao đến 5 m.

Sau đó, lưu huỳnh rơi xuống đất ở dạng lỏng mang theo ánh sáng xanh, chảy một đoạn ngắn rồi đông đặc lại thành màu vàng. Do đó, người ta thường gọi nó là ngọn lửa xanh hoặc dung nham xanh bởi vẻ ngoài hư ảo.

Đây là hiện tượng hiếm gặp trên thế giới. Hiện tượng lửa màu xanh lam này cũng đã từng xuất hiện ở nơi khác như một số vụ cháy rừng có nhiễm lưu huỳnh ở vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ) và trong đợt phun trào núi lửa Kīlauea (Hawaii) năm 2018 do khí metan bị đốt cháy.

Mất vài giờ để xuống họng núi lửa nhưng tôi chỉ có vài phút để chiêm ngưỡng ngọn lửa màu xanh lam rực rỡ trong bóng tối. Sau đó, tôi lại vội vã leo ngược trở lại lên miệng núi để kịp đón ánh bình minh. Mặt khác, sức nóng cùng với mùi lưu huỳnh quá khủng khiếp nơi này khiến tôi không thể nán lại lâu hơn.

Khi bầu trời ửng hồng, tôi đã trên lưng chừng vành đai miệng núi, bên dưới là một hồ rộng lớn màu xanh ngọc.

Không chỉ mang ảo ảnh về dòng chảy dung nham xanh, miệng núi lửa Ijen còn có một hồ axit lớn nhất thế giới, chứa dung dịch axit sulfuric và hydro clorua - những loại axit mạnh nhất - cùng với các kim loại hòa tan. Nhiệt độ ở miệng núi lửa ban ngày có thể lên đến 200 độ C, ban đêm giảm sâu còn 2 độ C.

Nguyên nhân gây ra tính axit của hồ là do dòng nước thủy nhiệt được nạp từ một buồng magma nóng bên dưới nó. Tùy thuộc vào hoạt động của buồng magma này, hồ có thể đổi màu từ xanh ngọc sang xanh lục và thậm chí là xám. Đôi khi sự thay đổi màu sắc chỉ diễn ra trong một ngày.

Diện tích của hồ cực kì lớn, khoảng 1000 x 600 m với độ sâu 200 m. Trên bề mặt xanh ngọc đặc trưng lúc nào cũng cuồn cuộn nhả khí metan, tạo nên một khung cảnh huyền ảo, chết chóc nhưng vô thực.

Bên cạnh ngọn lửa xanh, du khách đến Ijen còn thích thú với hồ axit lớn nhất thế giới.

4h, mọi thứ xung quanh vẫn tờ mờ tối, vẫn là dòng sáng từ ánh đèn pin nhưng mọi thứ trở nên kỳ vĩ lạ thường. Tôi đã từng ngắm bình minh màu cam cháy trên dãy Himalaya, phần thuộc Nepal. Tôi cũng từng ngắm bình minh màu nâu gạch của một Old Bagan (Myanmar) cổ kính, hay bình minh màu đỏ ối của quả trứng gà trên sa mạc Sahara (Ai Cập). Tuy nhiên, chưa nơi nào lại có màu hồng tím đầy chất thơ như nơi này.

Bình minh màu hồng tím hiếm có. Hồ axit lúc nào cũng nhả khói nghi ngút tạo nên khung cảnh huyền ảo lạ thường.

Do sự tán xạ ánh sáng cùng với bầu khí quyển từng nơi và vị trí mặt trời so với đường chân trời, mỗi nơi trên Trái Đất sẽ có một màu sắc khác nhau vào thời điểm bình minh hay hoàng hôn. Bình minh tại miệng núi lửa Ijen, nơi được mệnh danh “cánh cổng dẫn vào địa ngục”, có thể được xem là một trong những nơi đón bình minh lộng lẫy nhất thế giới.

Tôi dành khoảng 30 phút để ngồi chết lặng nơi này, trên vành đai miệng núi lửa, chỉ để ngắm nhìn khoảnh khắc mặt trời nhô lên, soi thứ ánh sáng rực rỡ chiếu lấp lánh xuống hồ axit màu xanh ngọc bích ẩn hiện dưới lớp sương khói huyền hoặc.

Dù vẫn muốn ở lại thêm nhưng tối nay tôi còn phải leo lên một ngọn núi lửa khác mang tên Bromo, cách Ijen 230 km. Vì vậy, tôi đã xuống núi, mang khoảng trời màu tím theo cả cuộc đời.

Lan Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-tim-kiem-dung-nham-xanh-o-indonesia-post1342899.html