Hành trình nghĩa tình của các thương binh (bài cuối)

Đại tá Lưu Công Thục (giữa) sửa soạn bàn thờ đồng đội, cùng các cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hòa và thị trấn Củng Sơn chuẩn bị giỗ các liệt sĩ vào ngày 18/6/2023. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Bài cuối: Thầm lặng trả ơn đồng đội

Trải qua nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ, đại tá - thương binh Lưu Công Thục đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, mãi mãi nằm lại trên trận địa. Ông thổ lộ: “Đây là nỗi đau day dứt khôn nguôi đối với những người lính chiến chúng tôi”.

Ông luôn tâm niệm: “Anh em hy sinh để cho mình được sống, được hưởng hạnh phúc như ngày hôm nay. Vì vậy, mình phải làm gì để trả ơn đồng đội và gia đình họ...”.

Người chỉ huy đại đội ngày ấy

Đại tá Lưu Công Thục sinh năm 1950, quê Nam Định, từng là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 305, hiện là Phó ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 anh hùng.

17 tuổi, ông Thục viết đơn tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau khi trải qua khóa huấn luyện, ông cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 13 thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền). Đến giữa năm 1969, Tiểu đoàn 13 chuyển về thuộc Tỉnh đội Phú Yên.

Là lính chiến, ông Lưu Công Thục đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt, trong đó có trận đánh cứ điểm Cầu Cháy ở Hòa Mỹ (huyện Tây Hòa). Đây là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên chiến trường Phú Yên. Lúc bấy giờ, ông là Đại đội trưởng Đại đội 1, thuộc Tiểu đoàn 13...

Trong ký ức của một người lính chiến bao phen cùng đồng đội vào sinh ra tử, trận đánh ở ấp Bắc Lý (Củng Sơn, Sơn Hòa) không thể nào quên.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, địch dồn dân 3 xã phía tây Sơn Hòa vào ấp chiến lược Bắc Lý. Năm 1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt địch tại Củng Sơn để mở rộng vùng giải phóng. Sau một thời gian chuẩn bị, Đại đội 202 tăng cường được giao nhiệm vụ đánh cao điểm Hòn Ngang - nơi có một đại đội biệt kích chốt giữ với hai khẩu pháo 105 ly để bắn phá vùng giải phóng. Đại đội Đặc công 25 đánh địch ở quận lỵ Củng Sơn. Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 13 tập kích chi khu. Đại đội 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt một trung đội nghĩa quân tại ấp Bắc Lý, đồng thời đưa dân chính đảng vào diệt ác, phá kìm, đưa dân về làng cũ.

3 giờ 30 ngày 18/6/1971, Đại đội 202 nổ súng tấn công cứ điểm Hòn Ngang. Quân địch chống trả quyết liệt; ta không chiếm được cứ điểm này. Thêm vào đó, mưa lớn làm nước lũ từ thượng nguồn đổ về, Đại đội Đặc công 25 không vượt sông được nên không thể tập kích quận lỵ. Đến khoảng 8 giờ sáng, tại Củng Sơn chỉ còn Đại đội 2 của Tiểu đoàn 13 chiến đấu ở Bắc Lý và Trung đội 12ly7 của Đại đội 22 ở Hòn Một.

Sau khi bao vây quân ta ở vòng ngoài, địch dùng trực thăng đổ quân xuống những cánh đồng chung quanh ấp Bắc Lý, siết chặt vòng vây và tấn công. “Sau mỗi đợt tấn công không thành, chúng lui ra, kêu pháo bắn, kêu máy bay ném bom vào trận địa chúng tôi. Từ 9 giờ sáng cho đến khoảng 5 giờ chiều 19/6/1971, anh em Đại đội 2 chiến đấu trong ấp Bắc Lý cùng lực lượng dân chính đảng. Vì không tổ chức đào công sự được nên chúng tôi phải bám vào nhà dân. Nhà dân bị cháy. Anh em kiên cường chiến đấu và lần lượt hy sinh. Tôi cũng xác định là mình sẽ không còn sống” - ông Thục - khi đó là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 2, nhớ lại.

Khoảng 5 giờ chiều, địch cách ta một thửa ruộng và co cụm lại. Đại đội 2 chỉ còn 4 người. Sẩm tối, họ gom 14 thương binh lại và tìm đường thoát ra sông Ba.

Sau trận đánh vô cùng ác liệt và không cân sức đó, thi thể 57 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 và dân chính đảng bị địch chôn lấp trong một hố bom ở Bắc Lý.

Đất nước thống nhất. Cán bộ và người dân Củng Sơn xây một ngôi mộ tập thể ngay tại nơi này. Vào những ngày lễ tết, lãnh đạo Đảng, chính quyền và người dân Sơn Hòa đến đây đặt vòng hoa, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

Chung tay chăm lo cho đồng đội đã ngã xuống

Theo đề nghị của ban liên lạc và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 13, lãnh đạo tỉnh giao UBND huyện Sơn Hòa làm chủ đầu tư, phối hợp với Ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 xây dựng đề án nâng cấp, mở rộng khu di tích lịch sử này. Công trình có kinh phí hơn 2 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, hoàn thành vào năm 2012, đẹp và trang nghiêm. Cũng trong năm đó, di tích mộ liệt sĩ tập thể Bắc Lý được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 18/6 hàng năm trở thành ngày giỗ trận, tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại ấp Bắc Lý.

Năm nào cũng vậy, gần đến ngày giỗ đồng đội, đại tá Lưu Công Thục lại tất bật. Ông lên kế hoạch rồi hội ý với ban liên lạc, với UBND thị trấn Củng Sơn, Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hòa về việc chuẩn bị lễ giỗ các đồng đội liệt sĩ... 13 năm qua, Ban Liên lạc Tiểu đoàn 13 đã tích cực phối hợp tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa này.

Giỗ năm nay tiếp tục được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, có gia đình các liệt sĩ ở Hải Phòng, Ninh Bình, Tây Hòa, TP Tuy Hòa... về dự. Chị Bùi Thị Yến đến từ Hải Phòng, cháu dâu của liệt sĩ Trịnh Xuân Hòa, cho biết: “Đây là năm thứ bảy gia đình tôi đến Phú Yên dự giỗ. Chúng tôi cảm thấy ấm áp và biết ơn sự quan tâm của chính quyền, người dân, ban liên lạc đối với các liệt sĩ đã hy sinh tại ấp Bắc Lý này”.

Ông Thục là người duy nhất của Đại đội 2 còn sống. Sau trận đánh ở ấp Bắc Lý, đại đội còn 4 người. Năm sau, 2 người ngã xuống. Một người phục viên sau giải phóng rồi tái ngũ tại Quảng Ninh và hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc. “Đơn vị chúng tôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có phần xương máu của các cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại tại Bắc Lý này”, ông Thục rưng rưng.

Lặng thầm trên hành trình tình nghĩa

Năm 2014, các cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền tổ chức gặp mặt tại Phú Yên. Đại tá Lưu Công Thục gặp thiếu tá Phạm Trung Mạo - một người lính chiến của Trung đoàn Ngô Quyền. Biết ông Mạo và các cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền có tâm nguyện xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng đội đã hy sinh trong trận đánh ở Mỹ Thành, ông Thục xung phong nhận nhiệm vụ giám sát quá trình thi công. Năm 2018, công trình nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Mỹ Thành được khởi công xây dựng. Tròn 1 tháng, sáng sớm, ông Thục chạy xe máy lên Mỹ Thành để trông coi thợ xây, trưa chạy về nhà ở phường 7 (TP Tuy Hòa) ăn cơm, đến 1 giờ chiều ông chạy lên, tiếp tục giám sát. Cứ vậy cho đến khi công trình hoàn tất. “Xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở Mỹ Thành có công sức đáng ghi nhận của anh Thục”, ông Phạm Trung Mạo nói.

Không chỉ tích cực góp sức trong việc xây dựng nhà bia tưởng niệm ở Mỹ Thành, vị đại tá từng là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 305 còn tích cực tìm kiếm, giúp thân nhân các liệt sĩ quy tập hơn 20 ngôi mộ liệt sĩ và kết nối được gần 300 gia đình liệt sĩ có người thân hy sinh trên chiến trường Phú Yên. Việc xây dựng nhà bia tưởng niệm 15 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trong trận đánh cứ điểm Cầu Cháy cũng có sự đóng góp công sức của ông Thục và đồng đội ở Tiểu đoàn 13 năm nào.

Tâm nguyện của ông Thục là còn sức thì chung tay chăm lo cho đồng đội - những người mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi, hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/302248/hanh-trinh-nghia-tinh-cua-cac-thuong-binh-bai-cuoi.html