Hành trình 'leo núi' và truyền cảm hứng sáng tạo

Một trong những tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ toàn quân về ý chí tự học, tự rèn, đam mê nghiên cứu sáng tạo, vươn lên làm chủ kiến thức khoa học là Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng, học viên Đại đội 73, Tiểu đoàn 7, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Ý chí tự học, tự rèn trong môi trường quân ngũ

Trong khuôn viên Học viện PK-KQ, bóng cây xanh mát làm dịu đi cái nắng oi ả của mảnh đất Sơn Tây khi vào chính hạ. Giữa phòng học tập chuyên dùng, Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng vẫn lặng lẽ đứng bên mô hình động cơ máy bay. Anh cẩn thận ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết, rồi lại lật giở tập tài liệu tra cứu. Thoáng thấy bóng người, anh quay ra chào thủ trưởng tiểu đoàn bằng động tác điều lệnh nhanh, mạnh, dứt khoát. Sau cái bắt tay, khuôn mặt Huy Hoàng giãn ra, nở nụ cười hiền hậu, ánh mắt vui tươi sau khuôn kính trắng.

Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng tìm hiểu mô hình động cơ máy bay trong giờ tự học.

Giữa khoảng trời trong xanh, chúng tôi ngồi bên bàn đá rợp mát bóng cây. Hoàng bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng đặc trưng của người con quê lúa Thái Bình. Nhà có hai anh em. Đầu xuân năm 2018, anh trai của Hoàng là Bùi Huy Đạt lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 371 (Quân chủng PK-KQ). Một ngày cuối tuần, Hoàng cùng bố mẹ lên thăm anh trai. Chứng kiến đơn vị khang trang, nhìn thấy anh chững chạc, trưởng thành, Hoàng cũng nhen nhóm ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục. Hoàng đã cố gắng, nỗ lực học tập hết mình và năm 2019, anh thi đỗ Học viện PK-KQ.

Sau khóa học tạo nguồn tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, trở về Học viện PK-KQ, Bùi Huy Hoàng được phân học chuyên ngành máy bay động cơ. Đây được coi là chuyên ngành “xương sống” của ngành kỹ thuật hàng không. Những kỹ sư máy bay động cơ khi ra trường công tác sẽ phụ trách về kỹ thuật trên từng máy bay. Do vậy, việc học tập để tích lũy kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau này là rất quan trọng.

Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng nhắc lại lời của giảng viên: “Mọi sai sót về kỹ thuật hàng không có thể đánh đổi bằng tính mạng của đồng đội. Thế nên tuyệt đối không được để sai sót về kỹ thuật mang lên trên không”. Cũng từ đó trong suy nghĩ của người học viên trẻ lúc nào cũng trăn trở về vấn đề an toàn bay và trách nhiệm với tính mạng đồng đội. Sau mỗi buổi học trên giảng đường, anh tự tìm hiểu rồi thực hành ở Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật hàng không với tinh thần học tập nghiêm túc, cẩn trọng trong từng học phần.

Để hiểu rõ các loại khí tài thì việc học ngoại ngữ rất quan trọng. Trước đây, Hoàng được học tiếng Anh, khi vào Học viện lại chuyển sang học tiếng Nga. Ngôn ngữ mới, lại là thuật ngữ chuyên ngành khiến độ khó càng cao. Không nản, Hoàng học ở thầy, học ở đồng đội và tự học để trang bị cho mình vốn tiếng Nga cơ bản. Nhờ vậy anh có thể đọc được tài liệu, các chỉ dẫn trên động cơ. Tinh thần tự học và sáng tạo được Hoàng chia sẻ qua câu chuyện từ thuở thơ bé. Bố mẹ đi vào miền Nam kiếm việc làm khi Hoàng mới 5 tuổi. Vậy là anh trai ở nhà ông bà nội, còn Hoàng về với ông bà ngoại. Được ông bà kèm cặp, dạy dỗ, Hoàng cũng dần hình thành ý thức tự giác trong sinh hoạt, học tập để rồi trở thành kỹ năng có thể thích ứng với những điều kiện khác nhau. Khi nhập ngũ, tính tự giác được Hoàng phát huy. Như con ong chăm chỉ, anh nỗ lực tự học, tự rèn để qua các năm học đều là học viên giỏi, kết quả đứng đầu khóa học.

“Là học viên đâu chỉ có kiến thức tốt mà phải có thể trạng khỏe để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ học rèn rất cao”. Bùi Huy Hoàng tự tin chia sẻ như vậy. Những chiều nắng lửa, Hoàng vẫn bền bỉ chạy bộ 3.000m để rèn sức bền, rồi tập đẩy tạ, đánh xà, nhảy xa... Anh cho rằng tập thể thao đâu chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp trí tuệ linh hoạt, sáng suốt để từ đó học tập tốt hơn, sinh hoạt cũng thuận lợi. Chính vì thế qua quá trình luyện tập, anh rút ra nhiều kinh nghiệm hay để viết bài báo khoa học: “Kinh nghiệm trong huấn luyện, rèn luyện thể lực của học viên đào tạo kỹ sư hàng không ở Học viện PK-KQ”. Bài báo có ý nghĩa thực tiễn, sát với tình hình đơn vị. Hiện đơn vị áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng rèn luyện thể lực cho học viên.

Khám phá và sáng tạo để thành công

Một chiều, khi ngồi học trên giảng đường, Hoàng trầm ngâm bên tập tài liệu. Những dòng chữ, con số vẫn đang luẩn quẩn trong đầu khiến đôi mắt anh nhíu lại rồi giãn ra. Điều gì làm khó người học viên giỏi qua hai năm học? Hoàng đang suy nghĩ thì Trung tá, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hà, giảng viên Bộ môn Cơ lý thuyết, Khoa Kỹ thuật cơ sở, gợi ý cho Hoàng: "Em thử ứng dụng phần mềm vào tính toán xem có hiệu quả không?".

Thực tế trong đào tạo kỹ sư hàng không chuyên ngành máy bay động cơ tại Học viện PK-KQ, môn học Sức bền vật liệu trình bày các nội dung trạng thái ứng suất phức tạp, trừu tượng. Cùng với đó, thời gian tự học tập, nghiên cứu, thí nghiệm còn hạn chế nên hiệu quả sau khi kết thúc môn học này chưa đáp ứng được chuẩn đầu ra đào tạo của Học viện. Do vậy, Hoàng nghĩ đến việc sử dụng các phần mềm, ngôn ngữ lập trình để thực hiện việc trực quan hóa các thí nghiệm, các tính toán của môn học.

Ý tưởng đã có như niềm reo vui nhảy nhót trong đầu người học viên sĩ quan. Phải làm như thế nào? Phải bắt đầu từ đâu? Mọi thứ đều mới mẻ và đầy thách thức. Hoàng mạnh dạn báo cáo đề tài nghiên cứu và được thầy ủng hộ, gợi mở thêm hướng đi mới. Và phầm mềm Matlab được lựa chọn dùng để thiết kế, thực hiện mô phỏng tính toán trạng thái ứng suất phù hợp với đặc điểm của môn học cũng như điều kiện đào tạo của Học viện. Đề tài “Ứng dụng Matlab mô phỏng bài toán trạng thái ứng suất trong môn học Sức bền vật liệu” hoàn thành được Hội đồng khoa học của Học viện đánh giá cao và trao giấy chứng nhận năm 2022. Sản phẩm có thể sử dụng cho việc học tập, nghiên cứu của học viên và hỗ trợ trong quá trình giảng dạy rất hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra của Học viện PK-KQ.

Con đường đến với tri thức là hành trình “leo núi” không ngừng nghỉ. Bùi Huy Hoàng đã thử sức trẻ của mình trên hành trình đó. Mỗi thành công như một dấu chân in trên con đường đầy gian nan. Từ năm 2020, Hoàng đã lên kế hoạch dự Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc. Nhưng do đại dịch Covid-19, kỳ thi tạm hoãn. Anh tích lũy kiến thức, ấp ủ dự định để chuẩn bị cho “cuộc chơi” lớn. Năm 2022, Bùi Huy Hoàng giành giải nhất cuộc thi học viên giỏi cấp Học viện và được chọn vào đội tuyển của Học viện thi Olympic Cơ học toàn quốc. Đó là những tháng ngày say mê ôn luyện. Trên giảng đường, trong nhà xưởng, ở phòng nghỉ, lúc nào đồng đội cũng thấy Hoàng miệt mài học tập. Tháng 6-2022, Bùi Huy Hoàng tham gia Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 32 với môn Nguyên lý máy. Sau cuộc thi, Hoàng đã thu được trái ngọt đầu tiên khi đoạt giải nhất. Niềm vui đó được lan tỏa, tạo động lực cho các học viên trong Học viện phấn đấu thi đua để giành giải cao trong các cuộc thi Olympic toàn quốc.

Trong hành trình “leo núi”, Hoàng may mắn nhận được sự động viên, chỉ dạy của giảng viên. Thượng tá Nguyễn Văn Đoàn, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết, Khoa Kỹ thuật cơ sở nhận định: “Thi Olympic không đơn thuần là kiến thức cơ bản, đó là kiến thức liên ngành. Nhiều khi cả giảng viên và học viên cũng gặp vướng mắc. Tôi đánh giá cao tinh thần sáng tạo của Bui Huy Hoàng để tìm ra phương pháp ôn luyện phù hợp, hiệu quả”. Năm 2023, trong Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33, Hoàng tiếp tục chọn thi môn Nguyên lý máy. Anh đã vượt qua hơn 120 thí sinh để giành giải nhất, đem niềm vui chiến thắng về cho Học viện PK-KQ.

Kiến thức tích lũy được, Hoàng không giữ cho riêng mình mà luôn quan tâm chia sẻ với đồng đội. Nhiều buổi trong giờ tự ôn, Hoàng đứng lên trao đổi kiến thức, phương pháp học tập, giúp đỡ đồng đội đạt kết quả tốt hơn. Trong sinh hoạt tổ 3 người, Hoàng là “hạt nhân” để tổ của mình thực sự đoàn kết và tiến bộ. Nhận thấy đồng đội có tố chất về tư duy, anh đã truyền cảm hứng về niềm đam mê học thuật cho hai thành viên trong tổ. Nhờ vậy, hai đồng chí Phạm Khắc Khiêm và Mai Đình Khải, thành viên đội thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 cũng đoạt giải Nhì.

"Điều gì giúp Hoàng thành công?". Trả lời câu hỏi của tôi, Hoàng nói tự tin: "Đó là niềm đam mê sáng tạo và thích khám phá những kiến thức mới".

Khi tiếp xúc với Hoàng, nghe chuyện anh kể, chúng tôi tin tấm gương tự học và sáng tạo của anh có sức lan tỏa để khơi dậy tinh thần say mê học tập và cống hiến của tuổi trẻ trong Học viện PK-KQ.

Thượng sĩ Bùi Huy Hoàng được tặng: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền (2020, 2021, 2022), bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (năm 2022), bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2022), 2 giải nhất tại Kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 32 (năm 2022) và lần thứ 33 (năm 2023); danh hiệu Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022.

Bài và ảnh: TRUNG DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/hanh-trinh-leo-nui-va-truyen-cam-hung-sang-tao-734204