Hành trình hạnh phúc

Vượt qua nhiều tác phẩm, bài viết 'Những 'blouse trắng' gia đình tôi mang ơn suốt đời' của tác giả Lục Thị Hai - người dân tộc Sán Dìu ở tỉnh Thái Nguyên - đã giành giải nhất cuộc thi 'Người thầy thuốc trong tôi' lần 2, do Báo Người Lao Động vừa tổ chức.

Trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Hai cho biết sau khi di chuyển gần 2.000 km với nhiều phương tiện, chị đã mang những món quà từ phương Nam về khoe với gia đình, người thân ở một huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên. Hai con trai của chị đã rất hào hứng khi được mẹ kể về chuyến đi vô cùng đặc biệt vừa trải qua.

Chị Lục Thị Hai sau khi trở về từ lễ trao giải “Người thầy thuốc trong tôi” và gia đình. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nói về bài viết của mình, chị Hai cho rằng với chị, đó là câu chuyện của cuộc đời. Chị đã "tâm sự" với trang giấy khi biết được cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi" nhằm tôn vinh những đóng góp thầm lặng, cao cả của đội ngũ y - bác sĩ, để tri ân những ân nhân của cuộc đời mình…

"Khoảng 8 giờ tối một ngày cuối tuần, tôi ngồi vào bàn và viết một mạch trên 12 trang giấy học sinh. Lúc xong bài là gần 12 giờ đêm. Thực ra, tôi không cần phải sắp xếp gì. Bài viết giống như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời, từ lúc đầy gập ghềnh, đau khổ đến khi vỡ òa vì hạnh phúc. "Cuốn phim" bắt đầu từ khi tôi sờ thấy những bất thường trên gương mặt mình rồi từ từ không dám nhìn vào gương, đi đâu cũng phải đội nón để che đi khối u quái đáng sợ nặng hơn 6 kg. Đã có lúc tôi tuyệt vọng đến mức muốn chết, cảm thấy cả đời mình không dám ngẩng lên nhìn mặt trời hay đối diện với những ánh mắt sợ hãi, thương hại, kỳ thị của người xung quanh" - chị Hai nhớ lại.

Nỗi đau khổ không chỉ ám ảnh cuộc đời chị Hai mà còn đeo đẳng cả gia đình khi 5 chị em đều mọc u quái, gồ ghề, sần sùi. Chị thổ lộ: "Gia đình tôi bị nhiều người cho rằng "bị nguyền rủa" nên hoàn toàn xa lánh, hắt hủi, phải bỏ vào rừng sâu dựng lều để tồn tại. Cha mẹ tôi đã bán hết những gì họ có, lặn lội khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc để chữa trị cho 5 chị em nhưng vô vọng. Bố tôi đau đớn: "Bệnh của các con không chữa được. Các con ăn gì bố mua". Lời nói của ông khiến chúng tôi òa khóc. Tôi đã quỳ trên đồi nhiều ngày để cầu nguyện, cầu phép mầu cứu vớt chị em mình".

Câu chuyện cổ tích bắt đầu khi phóng viên Báo Người Lao Động đến gặp chị em Lục Thị Hai và kết nối để họ được gặp bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ (năm 2007), cùng các y - bác sĩ Bệnh viện K để được khám, phẫu thuật cắt bỏ khối u. Lần đầu tiên, gương mặt của chị nhẹ nhõm hơn, không còn mang những khối thịt kinh dị. Dù lúc đó, khuôn mặt còn nguyên vết sẹo nhưng chị đã có thể tự tin soi gương và lần đầu tiên cảm thấy hy vọng sống. Lần lượt, 5 chị em Lục Thị Hai đã được cắt bỏ khối u và tạo hình lại khuôn mặt...

Gần 20 năm trôi qua, cả 5 chị em đều đã có công ăn việc làm, lập gia đình, sinh con..., sống cuộc đời bình dị như bao người - điều tưởng chừng như không thể. Đến nay, các con, cháu của chị Hai có đứa vẫn chưa thể "thoát" được căn bệnh di truyền từ cha, từ mẹ. Song, các cháu đã và đang được y - bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật, chữa trị từ rất sớm, không còn phải chịu cảnh sống tự ti, tủi nhục và bị kỳ thị như bố mẹ.

Lục Thị Hai cho biết chị rất cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc thi để mình có cơ hội tri ân cố bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo và các y - bác sĩ Bệnh viện K - những người chị luôn mang ơn, tin yêu và kính trọng. Chị Hai mang ơn sâu sắc Báo Người Lao Động vì đã tìm đến chị, giúp chị có một cuộc sống mới, cho chị thêm niềm tin vào cuộc sống và những điều bất ngờ tốt đẹp trên cuộc đời.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hanh-trinh-hanh-phuc-196240302203705051.htm