Hành trình đưa củ dong riềng thành hàng hóa - Bài 1

Không có lợi thế thu hút dự án công nghiệp, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Na Rì tận dụng tiềm năng đất đai, trọng tâm là phát triển nông nghiệp sạch, tạo động lực để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Từ sản xuất manh mún…

Huyện Na Rì có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 85.000ha, khí hậu thích hợp phát triển các loại cây trồng như: Dong riềng, thuốc lá, ngô, lúa, cây ăn quả cam, quýt… Hệ thống đường giao thông có trục đường 256 từ xã Trần Phú sang huyện Chợ Mới; tuyến Quốc lộ 279 nối 3 huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể với huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn); Quốc lộ 3B thông thương trực tiếp đến cửa khẩu Pò Mã (tỉnh Lạng Sơn), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương của huyện.

Ông Hà Văn Đoan, cán bộ địa chính - nông, lâm nghiệp xã Côn Minh cùng Bí thư Chi bộ thôn Bản Cào kiểm tra vùng trồng nguyên liệu dong riềng của bà con.

Ông Hà Văn Đoan, cán bộ địa chính - nông, lâm nghiệp xã Côn Minh cùng Bí thư Chi bộ thôn Bản Cào kiểm tra vùng trồng nguyên liệu dong riềng của bà con.

Đồng chí Hoàng Văn Thiên- Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết: Là huyện thuần nông, sản xuất nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng tình trạng được mùa mất giá, liên kết sản xuất còn hạn chế, sản phẩm thành hàng hóa còn ít… luôn là câu hỏi mà cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Na Rì tìm lời giải. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND huyện Na Rì đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề để bàn, thống nhất đưa ra các giải pháp, dựa trên những tiềm năng, lợi thể của địa phương để định hướng cho Nhân dân. Bám sát Nghị quyết của Trung ương, tỉnh và huyện, Na Rì ưu tiên tập trung vốn ngân sách và huy động sự đóng góp về sức người, sức của của Nhân dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, tập trung vào cây trồng chủ lực là dong riềng.

Huyện đã quy hoạch phân vùng; tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất dong riềng. Chỉ đạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân quy trình, mật độ, chọn loại đất trồng, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm dong riềng, tạo sức lan tỏa thương hiệu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất giữa các cơ sở chế biến miến với người trồng dong riềng cũng dần được quan tâm.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Côn Minh Nông Thị Sen cho biết: “Người dân Côn Minh trồng cây dong riềng lâu đời. Trước đây chủ yếu chế biến thủ công, bán tinh bột về xuôi hoặc làm miến phục vụ bữa ăn trong gia đình. Năm 2001, xã thành lập được hợp tác xã, nhưng việc chế biến vẫn chủ yếu bằng thủ công, HTX thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý, điều hành; tình trạng được mùa, mất giá củ dong… nên hiệu quả thấp. Năm 2012, khi huyện có cơ chế khuyến khích, vận động người dân phát triển diện tích và xây dựng sản phẩm từ củ dong riềng, diện tích cây dong riềng của địa phương tăng lên, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến miến tại địa phương. Việc trồng, chế biến dong cũng dần có sự liên kết chặt chẽ”.

Đến hiện thực hóa “giấc mơ” xuất khẩu

Toàn xã Côn Minh có hơn 30 cơ sở chế biến dong riềng, trong đó có 8 xưởng chuyên sản xuất miến, 15 xưởng vừa sản xuất tinh bột vừa làm miến, số còn lại sản xuất tinh bột. Các cơ sở chế biến luôn khắt khe trong chọn nguyên liệu, ủ bột, phơi tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ khâu sản xuất, xây dựng sản phẩm có bao bì, nhãn mác, mã vạch, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Năm 2020, HTX Tài Hoan chính thức xuất khẩu đợt đầu tiên với 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc, trở thành HTX đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn có sản phẩm nông nghiệp xuất sang thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, HTX tiếp tục xuất khẩu 10,5 tấn miến, tổng giá trị đơn hàng tăng lên hơn 29 nghìn USD và hiện nay đang chuẩn bị sản phẩm để tiếp tục cung cấp cho bên đối tác trong thời gian tới.

Công nhân HTX Tài Hoan xuất bán miến cho Công ty DALAT Spol.s.r.o vận chuyển sang châu Âu.

Công nhân HTX Tài Hoan xuất bán miến cho Công ty DALAT Spol.s.r.o vận chuyển sang châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc HTX chia sẻ: “Để xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm miến và bán được vào thị trường khó tính như hiện nay là sự nỗ lực không mệt mỏi của HTX và cả hệ thống chính trị hỗ trợ. Riêng thực hiện các thủ tục từ khi bắt tay vào thực hiện đến khi đáp ứng đủ các điều kiện để được xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu phải mất hơn 03 tháng, vượt qua nhiều vòng kiểm định chất lượng khắt khe, công ty DALAT Spol.s.r.o (Praha, CH Séc) mới quyết định đưa sản phẩm sang CH Séc…”

Bà Hoàng Thị Minh Nguyệt- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Rì cho biết: Khởi đầu từ Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Đảng bộ huyện đã tạo đà thúc đẩy ngành trồng, chế biến dong riềng phát triển. Với số kinh phí hơn 1 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ cho gần 2.000 hộ mới trồng dong riềng nhằm khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu và thực hiện theo quy trình kỹ thuật; hỗ trợ hàng chục HTX chế biến sản phẩm dong riềng tại chỗ; tiếp đó thực hiện mô hình trình diễn trồng dong riềng lên luống cao trên đất ruộng./.

(Còn nữa)

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/tin-noi-bat/202209/bai-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-xuat-khau-nong-san-ky-vong-dot-pha-cho-nganh-nong-nghiep-o-na-ri-hanh-trinh-dua-cu-dong-rieng-thanh-hang-hoa-bai-1-4cb248b/