Hành trình đến Việt Nam của những tờ báo Pháp đưa tin về sự kiện Điện Biên Phủ

Chỉ một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, ở cách xa hàng 10.000 km, các tờ báo Pháp đồng loạt đăng tin Đội quân Viễn chinh Pháp thất thủ tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Jean-Marie Jacquemin với tờ báo L’Humanité số ra ngày 8/5/1954. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN, vào những ngày này, khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử Báo chí Việt Nam tại thủ đô Hà Nội, khách tham quan sẽ thấy những tờ báo Pháp có tuổi đời đến 70 năm được trưng bày ở đây. Không chỉ đơn thuần là những tờ báo cũ bình thường, chúng chính là những tờ báo đầu tiên đăng tin Pháp thất trận tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Và 70 năm sau, người lưu giữ chúng đã tặng lại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

“Điện Biên Phủ đã thất thủ”, “Ngừng bắn ở Đông Dương”, “Tranh cãi quanh bàn tròn hội nghị Genève”… đó là những hàng tít nổi bật trên trang Nhất của tờ L’Humanité số ra ngày 8/5/1954 và France-Soir số ra ngày 9-10/5/1954.

Chỉ một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, ở cách xa hàng 10.000 km, các tờ báo Pháp đồng loạt đăng tin Đội quân Viễn chinh Pháp thất thủ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Từ đó đến nay đã 70 năm, ít ai còn giữ những trang báo đăng tải sự thất bại ê chề này của quân đội Pháp, nếu không phải là các trung tâm tư liệu. Nhưng với thú vui sưu tập các loại sách báo, tem thư và bưu thiếp, cùng tình cảm đặc biệt với Việt Nam, ông Jean-Marie Jacquemin đã giữ được một số tờ báo mang ý nghĩa lịch sử này cho đến ngày nay.

Ngồi đọc lại những hàng tít lớn trên trang nhất của các báo cũ về Điện Biên Phủ, ông Jean-Marie Jacquemin say sưa kể nguồn gốc những tờ báo mà cha ông đã lưu giữ, rồi chuyển lại cho ông, cùng đam mê sưu tầm các thông tin về những sự kiện lớn. Ông cho biết do ảnh hưởng từ thú vui sưu tầm các tờ báo của người cha, ông đã giữ rất nhiều bài báo về các sự kiện trên thế giới, trong đó có cả cuộc chiến tranh Đông Dương và sự thất bại của Đội quân Viễn chinh Pháp ở Việt Nam. Nhưng do không còn chỗ chứa nên ông đã phải lọc bớt, chỉ giữ những tờ báo nói về những sự kiện quan trọng. “Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có dịp nhắc đến chúng. Vậy nên khi nhìn lại những bài báo đăng tải các sự kiện về chiến tranh Đông Dương, về sự thất trận của Pháp tại Điện Biên Phủ, hay về hòa bình của Việt Nam… tôi đã nghĩ các bạn sẽ rất quan tâm đến những tư liệu này, nên muốn dành tặng lại các bạn”, ông chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp.

Tờ báo France-soir số ra ngày 9-10/5/1954. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Sưu tầm tem thư, bưu thiếp, báo chí là thú vui "cha truyền con nối" của ông từ khi còn bé. Thời kỳ còn đi làm, công việc của ông với tư cách là kỹ thuật viên ở Nhà in báo Le Monde lại càng giúp ông có điều kiện tiếp xúc với thông tin và báo chí. Đến bây giờ ở tuổi gần 90, ông Jacquemin vẫn còn giữ nhiều bài báo về các sự kiện trong nước và quốc tế khác.

Ông cho biết rất thích sưu tầm báo chí vì đó cũng là một phần của di sản và có ích cho các bạn trẻ, hoặc những ai muốn tra cứu, tham khảo, để biết được những gì diễn ra trong lịch sử. "Thế giới bây giờ phát triển nhanh quá! Internet và truyền hình đang thay thế hoàn toàn báo giấy. Những lớp người cổ như chúng tôi thấy đó là điều đáng tiếc, vì với truyền hình, mọi thứ diễn ra chớp nhoáng, nhiều khi chẳng nhớ hết nổi. Và rồi người ta cũng ít đọc báo hàng ngày hơn, nên ký ức cũng không lưu giữ được gì", ông phàn nàn, sự tiếc nuối ánh lên trong đôi mắt.

Ông Jean-Marie Jacquemin trao tặng bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cuốn sách sưu tầm báo chí về Việt Nam mang tên "1968-1973 Verrìeres-le-Buisson: Bến bờ bình yên". Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN

Nói về Việt Nam, gương mặt phúc hậu, mang đậm nếp gấp thời gian của người đàn ông này trở nên vui vẻ hơn. Ông Jean-Marie Jacquemin bày tỏ tình cảm khâm phục một đất nước nhỏ bé, nhưng đã có thể tiến hành các cuộc kháng chiến và thắng những cường quốc lớn như Pháp, Mỹ. Ông cũng đánh giá cao việc Pháp và Việt Nam đã khép lại quá khứ để cùng nhau hướng tới tương lai, có một mối quan hệ tốt đẹp suốt 50 năm qua. Ông chia sẻ: “Thật là tốt khi hai nước đã hữu hảo với nhau. Trong chiến tranh, không chỉ người Đông Dương, mà cả các gia đình cựu chiến binh Pháp cũng đau khổ khi họ mất người thân. Nhưng rồi các cuộc chiến đều sẽ kết thúc bằng hiệp định hòa bình với những thỏa thuận mang tính nhân văn. Trong tương lai, nên thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam thông qua phát triển văn hóa và du lịch để hai nước hiểu nhau hơn. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết”.

Trước đó, với tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, ông Jean-Marie Jacquemin đã hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số tài liệu sách báo có giá trị liên quan đến Việt Nam và cuốn sách "1968-1973 Verrìeres-le-Buisson: Bến bờ bình yên" do ông biên soạn.

Cuốn sách là tuyển tập hàng trăm bài báo của Pháp và quốc tế viết về chiến tranh ở Việt Nam và tiến trình đàm phán Hiệp định Paris 1973, được coi là một trong những quá trình đàm phán kéo dài nhất thế kỷ 20, cũng như sự hiện diện của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ở ngôi nhà số 49, nay là số 17 phố Cambacérès, thuộc thành phố Verrìeres-le-Buisson, trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris từ 1968 đến 1973. Các bài báo được ông Jacquemin sưu tập trong nhiều năm và in thành sách lần đầu tiên vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, sau đó được tái bản có bổ sung năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện này.

Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trao Chứng nhận hiến tặng tài liệu cho ông Jean-Marie Jacquemin tại Pháp. Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN

Nhìn lại hành trình đến với Việt Nam của những tờ báo Pháp, bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của việc những tờ báo tư liệu quý giá xuất bản ở nước Pháp từ những năm 50-70 của thế kỷ trước, hiện diện tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. "Điều này luôn là mong muốn nóng bỏng của những người làm bảo tàng, nhằm phục vụ các đồng nghiệp báo chí và công chúng tham quan, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 chiến dịch Điện Biên Phủ", bà Kim Hoa khẳng định.

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhờ có sự kết nối thành công của Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, nhà sưu tầm tư nhân người Pháp Jean-Marie Jacquemin không chỉ biết đến Bảo tàng Báo chí mà còn dành cho công chúng Việt Nam cơ hội được thưởng lãm ngay tại Việt Nam một số di sản báo chí thế giới và một số hiện vật gốc báo chí Pháp, đặc biệt là những số báo liên quan đến Điện Biên Phủ, góp phần giới thiệu rộng rãi sự quan tâm của người Pháp và báo chí Pháp, 70 năm trước đối với câu chuyện Việt Nam và trận chiến Điện Biên Phủ, mà họ gọi là “thảm kịch” và “sự sụp đổ”.

Không những thế, ông Jean-Marie Jacquemin còn trao tặng Bảo tàng những tờ báo Pháp đưa tin về Hiệp định đình chiến Genève nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương hay các số báo đưa tin trận bom đầu tiên không quân Mỹ ném xuống Vịnh Bắc Bộ năm 1964, Hiệp định hòa bình Paris được ký kết năm 1973, cùng những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam sau 1954…

Bà Trần Kim Hoa đánh giá cao tình cảm mà ông Jean-Marie Jacquemin dành cho Việt Nam nói chung và đối với Bảo tàng Báo chí nói riêng, thông qua việc chuyển nhượng và trao tặng những hiện vật báo chí gốc quý giá đó. Bà cũng không quên nhắc đến các nhà báo Thông tấn xã thường trú tại Paris đã tận tụy hỗ trợ tích cực và kịp thời việc khai thác tài liệu, hiện vật báo chí có giá trị cao cho công tác việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung, và lịch sử báo chí Việt Nam nói riêng.

Bài, ảnh: Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hanh-trinh-den-viet-nam-cua-nhung-to-bao-phap-dua-tin-ve-su-kien-dien-bien-phu-20240506075927284.htm