Hành trình của Pàng

Hình ảnh cô bé Vàng Thị Pàng ở bản Xa Lung, xã Mường Lý (Mường Lát) hay còn gọi là 'cô bé Mường Lát' với khuôn mặt mốc meo, xám ngắt, không mảnh vải che thân lê lết dưới nền đất lạnh giá năm nào, đã 'găm' vào trái tim hàng triệu người những cảm xúc về lòng trắc ẩn. Hình ảnh đó là mở đầu cho câu chuyện dài về hành trình sinh tồn của một đứa trẻ bất hạnh đi tìm sự sống.

Pàng và bà nội.

Câu chuyện bắt đầu từ một bức ảnh của anh tài xế ở Hà Nội chở hàng qua huyện Mường Lát vào năm 2017. Khi đó, anh vô tình bắt gặp hình ảnh bé gái nhỏ xíu trần truồng, một mình chơi đùa với đất cát giữa trời lạnh nên dừng lại cho một quả cam và quay clip đăng lên trang cá nhân, kèm lời kêu gọi ai đó cho bé một đôi chân để đi. Ngay lập tức, đoạn clip nhận được hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận thể hiện sự đồng cảm, xót xa. Pàng khi đó 6 tuổi nhưng chỉ nặng 10kg, cao 80cm, thể trạng tương đương một em bé 2 - 3 tuổi. Pàng đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ rất tệ. Những bất hạnh quá sức với một đứa trẻ đã đến với em. Pàng là con gái thứ 3 trong gia đình có 4 chị em. Từ khi sinh ra, đôi chân của Pàng yếu ớt, lên 4 tuổi, em không đi lại được như những đứa trẻ bình thường khác, chỉ bò lê lết quanh nhà. Năm Pàng 6 tuổi, bố của em là ông Vàng A Dơ đột ngột qua đời sau một cơn đau bụng dữ dội. Còn mẹ em là chị Hơ Thị Dợ thì bị tâm thần, hàng ngày lang thang khắp nơi.

Chỉ ít ngày sau, những ai đã từng thương cảm cho số phận Pàng đều vui mừng khi biết Pàng được vợ chồng anh Huỳnh Quốc Tín và chị Nguyễn Thị Ngọc Phương ở TP Hồ Chí Minh đón về nuôi dưỡng. Ngày vợ chồng chị Phương đến đón, mẹ Pàng gật đầu lia lịa để cảm ơn. Có lẽ, khi đó chị không biết mấy người đến đón Pàng là ai, nhưng chị tin họ là người tốt, sẽ giúp được cô bé. Rồi một tháng sau, người dân xã Nhi Sơn phát hiện mẹ của em tử vong bên vệ đường, cách nhà hàng chục km. Hơn hai tháng sau ông nội Pàng cũng qua đời.

Pàng từng sống cuộc sống hoang dã như cây cỏ, không thích mặc quần áo, chỉ thích ăn ngô và cơm nguội. Bé bị bệnh đường ruột do ăn uống không hợp vệ sinh nhưng lại không biết tự đi vệ sinh, không biết gọi khiến những người chăm sóc em rất vất vả. Bị ghẻ do ở... bẩn, Pàng còn bị trĩ, tiểu đường và có vấn đề về trí tuệ...

Lần đầu tiên được đi ô tô, chơi đồ chơi điện tử, thú nhồi bông, Pàng thích lắm. Mỗi khi xem tivi, có các bạn múa hát, em cũng bắt chước, miệng cười thích thú. Tuy nhiên đêm về, Pàng chỉ ngủ ngồi hoặc gục đầu xuống bàn vì những cơn đau do xương ở chân co rút (do ít vận động). Ánh mắt em hoang mang trước những người xa lạ. Còn với bố Tín, mẹ Phương, bị em đối xử như người đã tước đoạt em ra khỏi gia đình. Nhưng rồi tình thương, cách chăm sóc của gia đình mới đã giúp em học cách hòa nhập với gia đình mới. Pàng được dạy thói quen chào hỏi, lễ phép với người lớn. Sau đó tập đi, tập ăn và tập mặc quần áo, tập gọi khi đi vệ sinh... Pàng giống như bộ máy bị hư cần phải sửa lại từng chút một.

Pàng vẫn thích ngồi bệt xuống đất, không thích mặc quần và cười rất tươi khi có người hỏi chuyện.

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Pàng được bố mẹ nuôi chở về Mường Lát để sống cùng bà nội và các chị em của mình. Đây là nguyện vọng của Pàng. “Lời hứa giúp Pàng có đôi chân lành lặn 6 năm về trước, mình đã hoàn thành. Pàng nay đã đi được như bao đứa trẻ khác, sức khỏe của con ổn định. Con biết nói tiếng Kinh, biết đọc chữ cái và có thể làm việc nhà. Có lẽ Pàng quen với cách sống thoải mái ở Mường Lát. Con đã lớn và có chính kiến riêng nên mình tôn trọng, không thể ép con được”, chị Phương giải thích.

Được biết, chị Phương đảm bảo vẫn liên lạc và hỗ trợ con hết khả năng của mình. Chị nói: “Dù sao mình cũng rất quý mối nhân duyên này”.

Những ngày đầu xuân, thời tiết chuyển mưa phùn và lạnh. Pàng chưa quen trở lại với thời tiết lạnh của miền Bắc nên em ốm suốt. Ngoài trời nền nhiệt chỉ trên dưới 20 độ nhưng Pàng vẫn ngồi ngoài đường với chiếc áo cộc tay. “Nó cứ ra ngoài đường ngồi, bảo vào nhà cũng không vào. Quần áo không mặc, chỉ thích mặc váy, trời thì lạnh”, bà Cừ Thị Chá, 75 tuổi, bà nội Pàng nói.

Pàng giờ đã lớn hơn nhiều, nhưng vẫn gầy gò, đen nhẻm. Nhưng ánh mắt sáng và khuôn miệng tươi tắn thì vẫn như xưa. Pàng cứ ngơ ngác cười, hết nhìn bà lại nhìn khách vì không hiểu bà nói gì. “Pàng phải làm quen lại với cuộc sống ở quê. Cháu không biết tiếng Mông nên không thể giao tiếp với các thành viên trong gia đình, cũng không thể chơi với bạn bè cùng trang lứa”, bà Chá chia sẻ.

Dù đôi chân đã đi lại được nhưng Pàng không thể đi nhanh. Những bước đi lưng chưng trên nền đất, đá gồ ghề khiến bà em rất lo lắng. Đặc biệt, Pàng chỉ quen đi vệ sinh trong nhà, trong khi nhà của người Mông không có nhà vệ sinh. Hiện tại, Pàng đã đi học nhưng vì không hòa nhập được với các bạn nên em đang tạm nghỉ và ở nhà.

Trưởng bản Xa Lung (Mường Lý) Sùng Seo Sểnh cho biết: Ngoài Pàng, bà Chá còn nuôi 5 cháu nhỏ nữa. Mỗi tháng, cả 7 bà cháu sống bằng số tiền gần 3 triệu đồng bảo trợ xã hội và tiền hỗ trợ người cao tuổi. Hoàn cảnh gia đình bà Chá rất khó khăn. Nếu không có sự giúp đỡ của vợ chồng chị Phương, có lẽ Pàng đã không sống được đến ngày hôm nay. Chúng tôi và gia đình cháu rất cảm ơn tấm lòng của mọi người.

Cuộc đời có những duyên phận nhất định. Số phận run rủi cho bé Pàng gặp được những người tốt và cuộc đời chuyển sang bước ngoặt mới. Tuy chưa có một cái kết viên mãn, nhưng ít nhất so với nhiều em bé kém may mắn khác, Pàng đã được hưởng những tháng ngày được yêu thương, che chở đúng nghĩa.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hanh-trinh-cua-pang/207618.htm