Hành trình biến dị thường thành bình thường

Là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh song phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức. Bảo vệ ổn định được diện tích đất và đời sống người dân trước sự xâm hại của biến đổi khí hậu đang là một trong những nhiệm vụ vượt ngoài khả năng nội tại, cần sự trợ lực.

Hơn 10 năm qua, trong cuộc chiến phòng chống, khắc phục sạt lở, tỉnh đã huy động toàn lực từ ngân sách đến nhân lực, nhiều giải pháp từ công trình cho đến phi công trình đã được triển khai. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Qua thống kê sơ bộ, hiện khu vực bờ biển đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm khoảng 89 km (đặc biệt nguy hiểm 31 km) và khu vực bờ sông có trên 400 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, trong số khoảng 400 km sạt lở bờ sông, có hơn 20 km vô cùng bức xúc ở huyện Ðầm Dơi và Năm Căn. Tuy nhiên, hiện chưa có kinh phí phòng chống và khắc phục; chủ yếu là vận động nguồn lực từ Nhân dân đầu tư, triển khai các giải pháp bảo vệ đất trước khu vực gia đình mình.

Ðoạn kè chống sạt lở khu vực cửa Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi.

Cà Mau là một trong những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, quy mô nguồn thu thấp, tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hạ tầng giao thông kết nối còn yếu kém; vật liệu xây dựng không có tại chỗ, phải vận chuyển từ xa nên suất đầu tư cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận khoảng 1,5-2 lần. Trong khi đó, lại phải chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu làm cho tình trạng sạt lở bờ biển, các cửa sông, bờ sông ngày càng trầm trọng.

Cũng như nhiều địa phương ven biển khác trong tỉnh, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng hơn. Theo ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, trên địa bàn xã có 17 km đường bờ biển đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, trong đó, bức xúc nhất là khu vực cửa Hóc Năng. Sạt lở đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và vượt ngoài khả năng của địa phương, rất cần sự hỗ trợ của cấp trên.

Bờ biển Đông khu vực xã Tân Ân đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ; uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng, tài sản, sản xuất, thậm chí là tính mạng của người dân. Sạt lở không chỉ vượt ngoài khả năng của các xã, huyện mà luôn cả tỉnh, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là trong quá trình phân bổ vốn đầu tư công. Mới đây, UBND tỉnh đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau cao gấp 2 lần so với nguyên tắc, tiêu chí, định mức trong giai đoạn 2021-2030, để đủ nguồn lực thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cũng như các loại hình thiên tai khác.

Qua thống kê và tính toán sơ bộ, toàn tỉnh cần trên 8.622 tỷ đồng để thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm trong phòng chống và khắc phục sạt lở hiện nay. Cụ thể, cần khoảng 3.414 tỷ đồng xây dựng kè bảo vệ các đoạn bờ biển có vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm (khoảng 89 km); khoảng 3.773 tỷ đồng xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm (khoảng 47 km); khoảng 349 tỷ đồng đầu tư xây dựng 7 khu tái định cư để sắp xếp di dời 1.387 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở và cần khoảng 1.086 tỷ đồng xây dựng công trình chỉnh trị 33 tuyến sông, nhằm kiểm soát dòng chảy, mực nước, vận tốc, qua đó giảm thiểu xói lở.

Nguồn vốn đầu tư trên rất lớn, vượt ngoài ngân sách tỉnh, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương. Thế nhưng, theo ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, trong nguồn kinh phí 4 ngàn tỷ đồng mà Chính phủ vừa bổ sung cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thì tỉnh Cà Mau được phân bổ 500 tỷ đồng với 3 dự án. Riêng đối với tình trạng sạt lở khu vực cửa Hóc Năng (xã Tân Ân), hiện đã có dự án với quy mô dài 5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 303 tỷ đồng. Ðã thi công hoàn thành đoạn khoảng 2,5 km, phần còn lại cần khoảng 170 tỷ đồng và cũng đã có vốn nên việc triển khai sẽ nhanh và sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Đê biển Tây, đoạn Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đang được triển khai thi công dự án cứng hóa mái đê để hộ đê khẩn cấp.

Không chỉ khó khăn về nguồn vật liệu, chi phí mà ngay cả điều kiện thi công cũng vô cùng trở ngại do thời tiết mưa gió. Ông Phan Hoàng Vũ thông tin, tất cả những công trình, dự án phòng chống và khắc phục sạt lở khi được phân khai vốn sẽ tiến hành đầu tư ngay. Tuy nhiên, có những công trình tiến độ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trong đó, các dự án kè khu vực biển Ðông đang gặp khó khăn trong việc tập kết vật tư, phương tiện máy móc... do mưa gió và sóng biển.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự phát huy tối đa sức mạnh nội lực, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều dự án phòng chống và khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hành trình biến cái dị thường của thời tiết thành bình thường sẽ còn mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hanh-trinh-bien-di-thuong-thanh-binh-thuong-a29682.html