Hành trình 17 năm nỗ lực cứu những trái tim thơ

Nhiều năm qua, chương trình Nhịp tim Việt Nam của tổ chức VinaCapital Foundation đã tiên phong trong cuộc chiến chống lại các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em…

Theo tỉ lệ từ các nghiên cứu quốc tế về tim bẩm sinh, ước tính mỗi năm tại Việt Nam có trên 15.000 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh, khoảng 50% trong số đó cần được can thiệp phẫu thuật và khoảng 25% cần phẫu thuật nhiều lần.

Điều trị tim bẩm sinh cực kỳ tốn kém. Chi phí cho một ca phẫu thuật điều trị dao động từ 50 triệu đồng - 230 triệu đồng, với các ca bệnh đặc biệt phức tạp, chi phí có thể lên đến từ 300 triệu đồng - 500 triệu đồng.

Dù được bảo hiểm y tế hỗ trợ, chi phí này nằm ngoài khả năng của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nhiều năm qua, chương trình Nhịp tim Việt Nam của tổ chức VinaCapital Foundation đã tiên phong trong cuộc chiến chống lại các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em.

Chương trình được thành lập năm 2006 bởi ông Don Lam, Tổng Giám đốc tập đoàn VinaCapital và Robin King Austin. Họ đã cùng quyên góp hỗ trợ cho một người mẹ có con mắc bệnh tim bẩm sinh và được truyền cảm hứng khi thấy sự hồi phục diệu kỳ của đứa trẻ sau phẫu thuật.

Từ đó, việc gây quỹ cho trẻ em bệnh tim bẩm sinh trở thành ưu tiên. Sau 17 năm hoạt động, hiện nay chương trình hỗ trợ 800 - 1.000 em nhỏ hằng năm. Vào tháng 6-2023, chương trình đạt cột mốc hỗ trợ em bé thứ 10.000, nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc của y tế Việt Nam và nỗ lực gây quỹ từ chương trình.

Khảo sát của VCF cho thấy 68% các gia đình đã cải thiện cuộc sống sau khi con của họ được phẫu thuật tim, cho thấy tác động xã hội rất tích cực. Chị Thanh Huệ, Giám đốc Chương trình Nhịp tim Việt Nam, kể trong các trường hợp có Hải My, một học sinh 16 tuổi có nụ cười tươi sáng và tinh thần kiên cường đến từ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Hải My được phát hiện mắc tứ chứng Fallot khi chỉ mới 2 tháng tuổi và được chỉ định phẫu thuật trong một đợt tham gia khám sàng lọc tim miễn phí tại địa phương 2 năm sau đó.

Vì mắc dị tật tim phức tạp, Hải My phải trải qua 4 ca phẫu thuật với sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, và chính quyền địa phương. Gần đây nhất, Hải My lần nữa được chỉ định cuộc đại phẫu cho chứng “hở van động mạch phổi nặng, hẹp lỗ xuất phát động mạch phổi”.

Chi phí phẫu thuật lên đến 223 triệu đồng, chưa kể chi phí thăm khám, đi lại, thuốc men… vượt quá sức tưởng tượng của gia đình em. Ba của Hải My làm bảo vệ tại ký túc xá của một trường học, mẹ em làm nội trợ.

Hải My và mẹ chia sẻ niềm hạnh phúc sau ca phẫu thuật thứ 5

Chương trình Nhịp tim Việt Nam và đối tác đã cùng nhau đồng hành hỗ trợ Hải My trong lần phẫu thuật gần nhất và hy vọng là cuối cùng vào tháng 11-2023. VCF là một trong số ít các tổ chức sẵn sàng đồng hành cùng các ca bệnh phức tạp với mức chi phí cao.

Nhịp tim Việt Nam còn tiếp sức cho Hải My trên con đường theo đuổi ước mơ làm giáo viên thông qua Học bổng Nhịp tim Việt Nam. “Chúng tôi may mắn khi nhiều năm qua, những nỗ lực truyền thông không ngừng nghỉ của đội ngũ đã giúp cộng đồng có cái nhìn rõ nét hơn về dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và từ đó, hoạt động gây quỹ được hỗ trợ tích cực”, chị Thanh Huệ nói.

Mô hình của Nhịp Tim Việt Nam là chia sẻ chi phí giữa chương trình, bảo hiểm y tế và các đối tác khác. Chương trình sẽ chi trả bình quân 1/3 tổng chi phí phẫu thuật. Lúc vừa thành lập, chương trình chi trả 16 triệu đồng (tương đương 1.000 USD). Năm 2016, chi phí trung bình tăng lên 28 triệu đồng (tương đương 1.200 USD). Mức quyên góp này được duy trì suốt 7 năm qua.

Đối tác của chương trình là gần 20 trung tâm tim mạch, bệnh viện hàng đầu cả nước để đảm bảo điều trị kịp thời cho bệnh nhi toàn quốc. Ngoài ra, VCF thành lập chương trình Khám Sàng Lọc vào năm 2007 để khám tim miễn phí trẻ em vùng sâu vùng xa.

Qua 16 năm, đã hơn 370.000 trẻ em đã được thăm khám và 11.562 trẻ em trong số đó đã được phát hiện bệnh. Các trẻ em được phát hiện bệnh, được địa phương xác minh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ kịp thời để điều trị.

VCF thường xuyên tổ chức các chuyến khám sàng lọc, siêu âm tim tại cáchuyện vùng sâu, vùng xa.

Tuy vậy, thách thức từ chi phí y tế tăng cao đang đặt ra nhiều lo lắng cho đội ngũ chương trình, một ca phẫu thuật tim hiện có giá bình quân 109,5 triệu đồng. Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc của tổ chức VinaCapital Foundation, chia sẻ, “Nền kinh tế khó khăn trong năm 2023 đã khiến việc gây quỹ của tất cả tổ chức phi chính phủ trở nên thử thách hơn rất nhiều. Chúng tôi đang nỗ lực tối đa để huy động nguồn tài trợ quốc tế và hợp tác với các đối tác để đảm bảo các em nhận sự chăm sóc cần thiết về mặt y tế với cam kết không bỏ rơi bất cứ em nhỏ nào cần được giúp đỡ”.

Bất chấp các thử thách, chương trình đang hỗ trợ từ 3 đến 5 trẻ đến điều trị và phẫu thuật tại hằng ngày các trung tâm tim mạch hàng đầu tại Việt Nam như BV Tim Hà Nội, BV Nhi Trung ương, Trung tâm Tim mạch - BV E, BV Đại học Y dược TP HCM, BV Tim Tâm Đức, Viện Tim TP HCM, BV Nhi Đồng Thành Phố, BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng...

Mục tiêu của chương trình Nhịp tim Việt Nam trong năm 2024 là gây quỹ hỗ trợ 1000 ca phẫu thuật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mức chi phí 36,5 triệu đồng/ca (tương đương 1.500 USD). Chương trình sẽ tiếp tục chủ trương nâng cao nhận thức, phát hiện sớm và hỗ trợ các trẻ em có trái tim chưa lành lặn, để các em được khỏe mạnh và theo đuổi ước mơ.

Song Hà

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/hanh-trinh-17-nam-no-luc-cuu-nhung-trai-tim-tho-196240112203725075.htm