Hành tinh nào lớn nhất vũ trụ?

Sao Mộc là hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời nhưng trong vụ trụ vô tận, liệu có hành tinh nào lớn hơn nó và lớn hơn bao nhiêu?

Vũ trụ rất rộng lớn và thậm chí có thể là vô hạn. Trong không gian bao la đó, hành tinh của chúng ta thật nhỏ bé. Thậm chí trong Hệ Mặt trời, Trái Đất cũng thật nhỏ so với các hành tinh khí như sao Mộc. Tuy nhiên, liệu có các hành tinh lớn hơn ngoài kia hay không? Chúng lớn hơn bao nhiêu? Hành tinh lớn nhất mà chúng ta biết cho tới nay là gì?

Câu trả lời phụ thuộc vào một số nhân tố, trong đó có cách định nghĩa thế nào là một hành tinh. Ngay cả vậy, có một vài ứng viên cho hành tinh lớn nhất từng được biết tới. Một trong những hành tinh lớn nhất có tên là ROXs 42Bb - một hành tinh khí quay quanh một ngôi sao nằm cách Trái Đất 460 năm ánh sáng. Nó nặng gấp 9 lần khối lượng sao Mộc và có đường kính gấp 2,5 lần hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời.

Ảnh minh họa: NASA

Thayne Currie - Giáo sư Vật lý và Thiên văn tại Đại học Texas nhận định với Space, khó có khả năng hành tinh trên thực sự là hành tinh lớn nhất. Giáo sư Currie đã xác định được ROXs 42Bb từ dữ liệu của Kính thiên văn Keck năm 2013. Ông cho rằng, có một số vật thể được biết tới cũng có cùng kích cỡ với ngoại hành tinh này và thậm chí còn lớn hơn.

"Có một cặp hành tinh thực ra là tiền hành tinh, vì thế chúng vẫn đang kết hợp với nhau. Tôi cho rằng những hành tinh này thực sự còn lớn hơn". Cả hai tiền hành tinh này đều quay quanh ngôi sao PDS 79 cách Trái Đất 370 năm ánh sáng và có bán kính gấp 2 - 4 lần sao Mộc. Một ứng viên khác cho vị trí hành tinh lớn nhất là HAT-P-67 b có đường kính lớn hơn 2 lần sao Mộc.

Sở dĩ chưa thể khẳng định chắc chắn đâu là hành tinh lớn nhất bởi các nhà khoa học sử dụng những cách thức khác nhau để đo lường kích cỡ của các ngoại hành tinh. Chẳng hạn ROXs 42Bb được quan sát như một thiên thể độc lập sử dụng Kính thiên văn Keck. Các nhà khoa học không có bất kỳ cách nào để tính toán trực tiếp kích cỡ của các hành tinh trên, mà thay vào đó dựa trên các nhân tố khác như độ sáng và kiểu bước sóng ánh sáng. Họ cũng sử dụng các mô hình để xác định những điều này, nhưng dĩ nhiên các mô hình không phải lúc nào cũng chính xác 100%.

Các vật thể cũng được phát hiện nhờ phương pháp quá cảnh, đó là khi một vật thể đi qua ngôi sao chủ và tạm thời làm mờ ánh sáng của ngôi sao đó. Các ngoại hành tinh được phát hiện theo cách này, chẳng hạn như HAT-P-67 b, có thể đo lường trực tiếp.

Một yếu tố không chắc chắn nữa đến từ vấn đề cách định nghĩa hành tinh. Mặc dù hầu hết mọi người đều biết các ngôi sao rất lớn và các hành tinh nhỏ hơn nhiều nhưng có những thứ tồn tại ở giữa. Đó là một vật thể gọi là sao lùn nâu, quá nhỏ để trở thành một ngôi sao nhưng lại lớn hơn một hành tinh.

Các nhà khoa học đều cho rằng sao lùn nâu không phải là hành tinh. Điều ít rõ ràng hơn là làm sao để phân biệt giữa hai loại này với nhau.

Giáo sư Currie cũng chỉ ra sự phức tạp khi xác định hành tinh lớn nhất trong vũ trụ. Chẳng hạn, mặc dù ông gọi ROXs 42Bb là một hành tinh nhưng ông nghi ngờ sự hình thành của nó giống với một ngôi sao hơn. Các hành tinh như sao Mộc hình thành phần lõi đá, thu hút các đĩa bụi và khí rồi dần dần trở thành một hành tinh hình cầu. Nhưng ROXs 42Bb có lẽ hình thành theo cách khác, khi mà các phần đĩa bụi và khí nặng và lớn tới nỗi chúng tự sụp xuống.

Mặc dù cuộc tranh luận về việc thế nào gọi là một hành tinh vẫn chưa có hồi kết nhưng nó đặt ra những câu hỏi lớn về sự khác nhau giữa các hệ hành tinh, đặc biệt những hệ quá khác biệt so với chúng ta.

Vũ Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Space

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/hanh-tinh-nao-lon-nhat-vu-tru-post1062079.vov