Hạnh phúc - từ những điều giản đơn

'Không có cố gắng sẽ không đạt được ước mơ, kể cả bạn là ai, một người bình thường hay khuyết tật'. Đó là những suy nghĩ đã theo chị Phan Thị Thúy Ái (ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành) suốt gần 40 năm cuộc đời.

Chị Ái chăm chút cho nơi làm việc.

“Những ước mơ của tôi vốn bình dị và đời thường nên đã đạt được gần hết. Những điều đó khiến tôi thấy vui và luôn hạnh phúc với cuộc đời này”.

Tuổi trẻ nỗ lực

Hiện tại, ở tuổi trung niên, cuộc sống không còn sôi nổi nữa, nhưng một thời tuổi trẻ nghị lực, vượt qua biết bao khó nhọc thì Ái không thể nào quên.

Với một người khiếm thị như chị, ước mơ được đi đây đó đều gửi gắm vào môn thể thao này. Ái nhớ lại: “Lúc đó, tôi mong muốn được đến Hà Nội, vào thăm lăng Bác và thể thao có thể giúp tôi đạt được điều đó”. 18 tuổi, Ái nỗ lực tập luyện để được vào đội tuyển bơi lội, tham gia các giải đấu quốc gia hay Para Games. Hai tháng liền, mỗi đầu tuần, Ái bắt xe từ Tây Ninh lúc 4 giờ sáng để có mặt tại TP.Hồ Chí Minh tập luyện, cuối tuần về lại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh làm việc.

Ở tuổi 20, cô gái khiếm thị đã đạt được ước mơ của mình: Đến Thủ đô, viếng lăng Bác trong niềm vui sướng nhất. Sau đó là chuyến đi Indonesia năm 2011 tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games), chị đoạt huy chương bạc và đồng môn bơi lội.

Tuổi trẻ, Ái dành toàn bộ thời gian “chinh chiến” ở các giải đấu thể thao. Chị nói: “Nhiều bạn cùng trang lứa đều từ bỏ nhưng tôi vẫn luôn quyết tâm, vì nhờ nó tôi có thể thực hiện ước mơ. Nếu chỉ có ước mơ mà không làm gì thì mình sẽ không đạt được đâu”. Những thành tích đạt được trong thể thao giúp chị có chút vốn liếng dành dụm, sau đó mua đất cất nhà, gây dựng cuộc sống gia đình yên ấm.

Ngoài thể thao, Ái còn siêng năng làm việc kiếm sống. Với vẻ vui tươi, chị kể: “Tôi nhớ mãi những đồng tiền mình dành dụm được. Từ lúc chỉ 10 ngàn, 100 ngàn, 1 triệu rồi đến 10 triệu đồng, rất ý nghĩa với tôi. Nhờ nó mà tôi có thể lo được cho người thân của mình”. Lúc ấy, mẹ bệnh, gia đình khó khăn, không ai ngờ đứa con bị khuyết tật những tưởng phải sống nhờ gia đình như Ái lại là người gánh vác mọi việc. “Hết tiền thì tôi lại đi làm kiếm tiếp vậy”.

Ái còn mang sự vui vẻ, hoạt bát của mình trao đến những người còn khó khăn, bất hạnh khác. “Tôi tham gia những chuyến thiện nguyện cùng mấy người bạn thân. Tôi muốn mang niềm tin, sự lạc quan đến những người khó khăn, bất hạnh hơn mình, giúp họ có thêm động lực để cố gắng”. Ái đã đến những vùng sâu, vùng xa, bệnh viện ung bướu để mang câu chuyện đời mình và mang lời ca tiếng hát giúp mọi người vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc hơn.

Tuổi trẻ của Ái trôi qua đầy sôi nổi giúp chị quên đi những tủi buồn khi vốn sinh ra là người khuyết tật.

Chị Ái đọc sách giải trí.

Trả ơn đời

Tuổi 30, Ái lui về chăm lo cho gia đình nhỏ. Trong con hẻm nhỏ, căn nhà khang trang được dựng nên từ những nhọc nhằn, cố gắng không ngừng nghỉ của vợ chồng chị. Từ số tiền tích góp ở các giải đấu thể thao, năm 2013, chị mua được mảnh đất nhỏ, xây dựng căn nhà; rồi lại tích cóp mua thêm một mảnh đất lập vườn, xây phòng massage để làm nghề.

Chị gầy dựng từng chút cho đến bây giờ đã khá ổn. “Có những lúc trong tay không có tiền nhưng tôi vẫn quyết tâm làm gì đó rồi trả dần. Nếu mãi chần chờ mình sẽ không có được gì”. Đến giờ vẫn còn nợ, nhưng chị lạc quan vì còn sức khỏe để làm việc. Phòng massage của chị có lượng khách ổn định. Những ngày đông khách, chị gọi thêm vài bạn cùng cảnh đến làm việc, giúp họ có thêm thu nhập.

Năm 2016, Hội Người mù thị xã Hòa Thành được thành lập, chị Ái cũng tham gia công tác Hội. Hơn một năm nay, chị giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Chị thấy vui vì mình có thể giúp được nhiều người đồng cảnh ngộ. “Ngày trước mình tham gia công tác từ thiện, nay làm công tác Hội thì đi vận động nguồn hỗ trợ hội viên hay thăm hỏi những người khó khăn. Không có tiền giúp người khác, tôi dùng tiếng nói của mình để vận động nguồn hỗ trợ, như vậy cũng đủ thấy vui lắm”.

Từ một đứa trẻ tự ti, tưởng cuộc đời mãi gắn với xóm bên sông nghèo khó, Ái đã nỗ lực vươn lên, thay đổi cuộc sống. Chính vì vậy, Ái luôn chọn sống vui như một cách trả ơn với cuộc đời. Chị muốn mình sống có ích, sẵn sàng chia sẻ, động viên mọi người để họ tiến lên. Tiếp xúc với Ái sẽ thấy chị tràn đầy năng lượng tích cực và niềm tin với cuộc đời.

Chị bộc bạch: “Không ít lần tôi bật khóc vì nghĩ mình sao lại có nhiều nỗi lo đến vậy, phải làm nhiều đến vậy? Nhưng nghĩ lại, vẫn còn có những người khó khăn, bất hạnh hơn mình. Tôi vẫn còn sức để làm việc và có những người để yêu thương”.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hanh-phuc-tu-nhung-dieu-gian-don-a164933.html