Hạnh phúc gia đình đâu chỉ là những tiếng nói

Chẳng ai có thể ngờ được rằng cả người chồng và đứa con không ai bị câm, nhưng vì người phụ nữ trong nhà chẳng may “tắt tiếng nói” lúc còn thiếu nữ nên cả mấy cha con cùng “im lặng” mỗi lúc ở nhà.

Để cùng cảm thông và sẻ chia nỗi niềm ấy với người vợ, người mẹ của mình. Câu chuyện cảm động về tình chồng nghĩa vợ, về tình yêu trong một gia đình nghèo trên miền cao nguyên Lâm Viên.

Căn nhà trên ngọn đồi của gia đình chị

Số phận và tình yêu

Chẳng mấy khó khăn để tôi tìm được ngôi nhà của chị A Niêng Thị (45 tuổi, dân tộc Raglai) ngay tại cửa ngõ Đạ Sa (Lạc Dương, Lâm Đồng), bởi gia đình chị là một gia đình “có tiếng” ở đây vì cái sự “câm lặng” của các thành viên trong gia đình.

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng không phải cả gia đình chị bị câm, mà bởi trong nhà rất ít khi thấy tiếng nói, chỉ vì một điều rằng cả chồng lẫn con của chị biết chị không may bị câm nên cùng im lặng để hiểu và chia sẻ tất cả với chị. Khi tôi tìm tới nhà, anh Nguyễn Tiến nháy nhỏ với tôi rồi kéo tôi ra một khoảnh rẫy bắp đang trổ cờ để nói chuyện.

Trong câu chuyện với anh, tôi hiểu hơn về người đàn ông đầy nghị lực, và cả người phụ nữ tội nghiệp nhưng vẫn may mắn vì có được người chồng và những đứa con tuyệt vời như thế. Chị A Niêng, đấy là cách gọi thân mật mà người trong vùng vẫn gọi người đàn bà này.

Chị lẽ ra cũng sẽ như bao người, nếu số phận không lấy đi giọng nói ngọt ngào của 1 người con gái vào cái tuổi 17 trăng tròn. Lớn lên và trưởng thành như bao người con gái khác, số phận tưởng chừng đã an bài cho chị 1 cuộc sống bình yên nơi núi đồi Lạc Dương luôn ấm cúng bởi những nóc nhà trên đồi cao. Thế nhưng nghiệt ngã thay, sau 1 cơn sốt kéo dài nhiều ngày, giọng nói của chị đột nhiên biến mất. Cuộc sống bỗng dưng im lặng và bí bách một cách lạ thường.

Không ai hiểu điều gì đã diễn ra và cũng không ai biết số phận đã đổ xuống cuộc đời chị một nỗi đau không thể nói được thành lời bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vốn sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, nghề nương rẫy rau cháo qua ngày. Nay bỗng dưng giọng nói của chị lại biến mất, chẳng thể nào có thể diễn tả được sự đau đớn, hụt hẫng và sợ hại của chị như thế.

Để học giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ, chị đã phải lặn lội lên tận Đà Lạt từ thời con gái để học. Thời điểm ấy đã cách đây hơn 28 năm rồi. Ngày ấy đường xá chưa đẹp, bằng phẳng và trải nhựa như bây giờ, việc đi lại được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức đi bộ. “Rừng núi khi ấy nhiều lắm, nghĩ lại mà thấy tội thân con bé, sống như thế thật là khổ, chỉ đi lại thôi đã vất vả lắm rồi, vậy mà còn bị tật nguyền nữa!”, ông A Niêng Sinh, một người họ hàng của chị cũng là người đã chứng kiến biết bao đau đớn của cuộc đời chị thổ lộ.

Gia đình đã đưa chị đi điều trị nhiều lần tại các bệnh viện từ Nam chí Bắc, nhưng vẫn vô vọng, nhà thì nghèo đi mỗi ngày. Đến một ngày, chị quyết không đi chữa bệnh nữa, vì thấy tốn thời gian và tiền bạc. Chị quyết định là sẽ sống trong im lặng nhưu thế. Việc học hành ở xa, buộc A Niêng Thị phải ở lại Đà Lạt mỗi lần đi xa, việc học ngôn ngữ cử chỉ mỗi tuần chỉ có 1 buổi.

Cuộc sống khó khăn về tài chính buộc chị phải phải xin làm thêm nhiều việc như rửa bát cho nhà hàng, bưng bê, bốc vác để học thêm ngôn ngữ ấy. Với 1 cô sơn nữ tật nguyền thì đó là điều quá vất vả. “Cuộc sống nơi thành thị, khác xa với quê hương mình nhiều lắm, tuy cũng núi đồi nhưng thanh thản, nhẹ nhàng hơn, ngày ấy mình là sơn nữ thuộc hàng được gái nhất vùng đấy, vậy mà chẳng hiểu sao số mình lại như thế!”, A Niêng Thị cười “nói” với tôi bằng cử chỉ trên đôi tay đã chai sần vì cơ cực của mình.

Ngày nào cũng như ngày nào, bất kể nắng mưa, vì cuộc sống mưu sinh nuôi chồng con chị bất kể lầy lội, vẫn đạp rừng kiếm củi phục vụ cho cuộc sống mỗi ngày. Nhiều lần bùn đất đỏ ngập lút ủng, mưa tầm tã, phải khó khăn lắm mới nhấc chân lên được nhưng chị vẫn tiếp tục công việc của mình. Trời mưa, gùi củi về rồi lại còn phải phơi khô mới bán được nhưng chỉ cần nghĩ tới gia đình, tới đứa con gái đang mong mẹ là chị lại quên hết mệt nhọc.

Cuộc sống với chị đã trôi đi lặng lẽ hơn 28 năm qua. Công việc hàng ngày của chị là kiếm củi mưu sinh, nói là kiếm củi nhưng thực ra cũng phải chặt cây rừng bị đổ để xẻ ra lấy củi gùi về đem bán. Chị nói: “Bây giờ rừng quý lắm, người trong chỗ mình được học là không phá rừng, nên mình không còn chặt cây rừng như trước kia nữa, mà chủ yếu là lùng tìm cây ngã hoặc do kẻ xấu chặt phá bỏ lại để kiếm củi thôi, vậy thôi chứ mà nhiều lắm đấy, lần nào cũng nặng vai!”.

Gùi củi trên vai chị A Niêng, thường ít khi nặng dưới 40kg. Theo lời nhiều người sống ở Dasar, trước kia mỗi ngày chỉ cần kiếm được 20kg củi, là đã đủ tiền tiêu có khi lên đến cả tuần nhưng giờ 20kg củi chẳng giải quyết được nhu cầu 1 ngày của cuộc sống. Chính vì vậy, gùi củi của chị A Niêng Thị, ngày càng nặng hơn theo năm tháng. Sự nặng nề ấy cũng như sự nặng nề mà đời chị đã phải hứng chịu từ nhiều năm qua.

Chuyện cảm động ở “gia đình câm”

Công việc hàng ngày của chị A Niêng Thị

Ở Lạc Dương, điều dễ dàng nhận thấy là mỗi ngọn đồi là 1 nóc nhà, mỗi nóc nhà là cuộc sống của 1 gia đình qua nhiều thế hệ. Ngọn đồi nơi chị A Niêng sinh sống cũng chẳng phải là ngoại lệ. Chẳng dễ dàng gì để tôi có thể “nói chuyện” được với chị bằng ngôn ngữ hình tượng. Ấy vậy nhưng chồng chị, con chị lại có vẻ dễ dàng nói chuyện với chị.

Không nói được 1 lời yêu thương cho chồng và các con mình, đây là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời chị. Anh chị đến với nhau, đơn giản như sự sinh sôi nảy nở của cây cỏ, núi rừng. “Gặp nhau và yêu nhau nhẹ nhàng lắm, không môn đăng hộ đối, cũng chẳng giàu sang sung túc gì? Chỉ là đời cần có nhau, tôi thương cô ấy và cô ấy cũng thương tôi, vậy là nên vợ chồng thôi!”, Anh Tiến kể về mối tình của mình với chị A Niêng Thị đơn giản mà đầy ngậm ngùi như thế. Anh là một công nhân lâm trường người Kinh, nhiều năm về trước đã cảm động trước cô sơn nữ quả cảm và chân thật ấy nên đã không ngần ngại đến với nhau.

Quả thật, căn nhà nhỏ đơn sơ trên đỉnh đồi, một chiếc giường cả nhà ngủ chung cho ấm áp để đối chọi với khí hậu vùng cao, là nơi gia đình họ sinh sống. Căn nhà ấy, tường chỉ bằng những tấm ván ghép lại, nền đất, đã được đầm chắc chắn, lạnh lẽo, giữa nhà có 1 bếp lửa nhỏ để thắp sáng vào lúc tối trời lạnh lẽo, chỉ đơn giản như vậy nhưng họ luôn hạnh phúc.

Gia đình chị ngày thường rất ít lời ra tiếng vào, bởi người phụ nữ trong gia đình đã mất đi khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Bố con anh Tiến hiểu rằng: “Mình nói nhiều quá đôi khi là chạm đến nỗi đau của vợ ấy chứ!”, lúc đầu anh Tiến cũng thử nói thật nhiều để thử kích thích xem liệu người vợ của mình có thể bất thình lình bật nên thành tiếng nói những ý nghĩ của mình hay không? Nhưng rồi cũng không có kết quả. Từ đó, bên ngoài thì không sao, nhưng về đến nhà, anh và con gái cũng im lặng giống như chị, để đồng cảm và sẽ chia cùng chị A Niêng.

Công việc hàng ngày của chị A Niêng Thị

Anh Tiến trầm ngâm nói: “Nhiều người không biết, tưởng tôi và gia đình ai cũng không nói được, nhưng mà thực ra không phải, chỉ có vợ tôi thôi, còn tôi và con gái vẫn nói được bình thường. Nhưng về đến nhà, tôi và con gái im lặng, đơn giản vì cô ấy đã không nói gì, thì tôi có gì để nói đâu? Con gái tôi nó thương mẹ nó, thì chỉ cần học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn là được rồi mà!” tôi thấy trên gương mặt người đàn ông đã ngoài 55 tuổi, mái tóc đã ngã màu, khẽ hiện lên 1 nét vui rạng rỡ.

Lạc quan với đứa con gái út

Bây giờ đứa con gái đầu lòng năm nay đã 8 tuổi, đến trường và đi học như bao bạn bè khác. Điều hạnh phúc nhất với vợ chồng chị A Niêng là con bé vẫn nói được và phát triển bình thường chứ không như nỗi lo sợ khi chị sinh đứa bé ấy sẽ bị như chị nữa.

Cuộc sống gia đình họ không bao giờ nghe tiếng cãi nhau, anh Tiến vẫn thường nói đùa: “Có nói được đâu mà cãi nhau, có gì thì chỉ biểu hiện bằng tay và quan trọng là ở người đàn ông thôi. Với lại sống như chúng tôi thì có gì để cãi vã. Nếu không có tiền mua thức ăn thì lấy đồ khô dự trữ làm thức ăn, ở đây cái gì cũng có cả, thịt heo hun khói, gạo, cá khô đều có.

Chỉ cần sống với nhau bằng cái tình cái nghĩa là hiểu nhau, sống với nhau đến đầu bạc răng long được rồi!”, anh cười rất tươi và nói với tôi. Và tôi hiểu rằng, với họ khái niệm hạnh phúc chỉ đơn sơ như thế, và được hiểu khác với định nghĩa của nhiều người.

Tiêu Dao

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/hanh-phuc-gia-dinh-dau-chi-la-nhung-tieng-noi-121935/