Hành khách 'teo tóp', HTX xe buýt lao đao

Số lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt liên tục giảm trong thời gian qua khiến không ít HTX trong lĩnh vực vận tải rơi vào cảnh càng làm càng lỗ. Các chuyên gia cho rằng nếu muốn các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển, chủ động đầu tư cơ sở vật chất để thu hút hành khách thì trước tiên cơ chế chính sách của Nhà nước phải đảm bảo để họ có thể sống được, vượt qua được khó khăn...

Là loại hình vận tải công cộng giá rẻ nhưng giờ đây, nhiều tuyến buýt của các HTX rơi vào cảnh vắng khách đến ảm đạm. Hình ảnh các chuyến xe buýt chật cứng người, hối hả lên xuống các điểm dừng trả khách đã không còn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương.

Càng chạy càng lỗ

HTX Quyết Thắng (Đăk Lăk) từng được ngành giao thông vận tải đánh giá là một trong những mô hình vận tải xe buýt hoạt động hiệu quả trên cả nước nhưng hiện nay, các tuyến xe buýt hoạt động nội tỉnh của HTX luôn trong tình trạng thưa khách. Lượng khách trên mỗi tuyến xe chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cũng đang vận hành mô hình xe buýt tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX 19/5, cho biết dù đã cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ nhưng lượng khách đi xe buýt vẫn giảm. Ông Triệu dẫn chứng nếu trước đây lượng khách là sinh viên, học sinh đi xe buýt khá lớn thì nay cũng giảm rõ rệt vì sợ… chậm giờ.

Vì ít khách nên số lượng vé của các HTX bán ra mỗi ngày đều giảm và tiền thu về ít khiến các HTX không đủ bù vào tiền xăng dầu, bảo dưỡng xe, tiền thuê tài xế, phụ xe... Đứng trước khó khăn càng chạy càng lỗ, nhiều HTX buộc phải cắt giảm một số tuyến.

Vắng khách khiến các đơn vị vận hành xe buýt rơi vào khó khăn.

Giám đốc HTX vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (Đăk Lăk) Phạm Văn Mạch cho biết, mỗi ngày, HTX hiện chỉ còn 10 chuyến thay vì trước đây lên đến 34 chuyến.

“HTX thuộc đối tượng không được trợ giá nhưng nếu có được trợ giá thì cũng không thể đủ bù vào các chi phí cho một ngày hoạt động của mỗi chiếc xe. Trong khi phần lớn các thành viên HTX xe buýt hiện nay đều phải vay ngân hàng mua xe nên họ phải gồng gánh rất nhiều thứ”, ông Mạch chia sẻ.

Bao giờ xe buýt mới đông khách trở lại?

Nói về nguyên nhân tụt giảm lượng khách, nhiều HTX cho rằng điều này một phần vì tình trạng xe cá nhân phát triển mạnh trong thời gian gần đây đi liền với hoạt động của xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo thống kê của ngành giao thông vận tải, cả nước đang có 175.000 xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (loại xe limousine 16 chỗ ngồi được cải tạo thành xe từ 10 - 12 chỗ). Trong khi đó, số lượng xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định chỉ là 21.000 xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, phân tích việc xe hợp đồng hoạt động mạnh có thể không ảnh hưởng nhiều đến các tuyến buýt nội đô nhưng sẽ lấy bớt lượng khách từ các tuyến buýt nội tỉnh, các tuyến buýt vùng ven. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cần chỉ đạo Cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành quản lý chặt chẽ đối với hoạt động vận tải hợp đồng.

Ngoài nguyên nhân từ xe cá nhân, xe hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng hành khách hiện nay ngoài để ý đến giá vé còn quan tâm đến thời gian di chuyển của xe buýt. Tuy nhiên, tình trạng tắc đường, kẹt xe đối với xe buýt thường xuyên xảy ra khiến các hành khách luôn rơi vào tình trạng bị động.

Chính vì vậy, dù có giá rẻ thì xe buýt hiện cũng không là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Trong khi ngoài xe hợp đồng thì các loại hình taxi từ truyền thống đến hiện đại đang hoạt động sôi động với các gói khuyến mại, giảm giá đã tạo sự cạnh tranh trực tiếp với xe buýt và giúp hành khách có nhiều lựa chọn hơn.

Đặc biệt, khi khách ít, các HTX buộc phải cắt giảm số tuyến, số chuyến càng khiến độ phủ của xe buýt giảm, từ đó tạo tâm lý chán nản, mất niềm tin cho hành khách.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải của Đại học Việt Đức, cho biết thực trạng của các đơn vị hoạt động trong nhành xe buýt hiện nay khá ảm đạm, thậm chí không có lối thoát. Vì trong thực trạng hiện nay, các chủ xe có muốn bán xe buýt để chuyển đổi nghề cũng khó vì ít ai thấy khó khăn lại lao vào, trừ những đơn vị đã gắn bó với ngành nghề này lâu dài.

Lượng khách đi xe buýt sụt giảm nhưng các chính sách hỗ trợ loại hình này lại lỗi thời cũng khiến các đơn vị vận hành xe buýt khó phát triển. Ngay như chính sách trợ giá cho xe buýt của Nhà nước luôn chi trả muộn đi liền với áp đặt sản lượng…

Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ xe buýt vẫn cần phát triển vì là nhu cầu của nhiều người và cũng là hướng giúp hạn chế xe cá nhân. Do đó, theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, nếu muốn các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển, chủ động đầu tư cơ sở vật chất để kéo khách hàng thì trước tiên cơ chế chính sách của Nhà nước phải đảm bảo để họ có thể sống được, vượt qua được khó khăn.

Còn ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc HTX vận tải xe buýt Quyết Thắng (TPHCM), cho rằng để xe buýt hút được khách cần giải quyết bài toán tắc đường. Tuy nhiên, vấn đề hạ tầng giao thông, chính sách hạn chế xe cá nhân, thiết lập làn đường riêng, ưu tiên xe buýt… dường như đang bất khả thi vì chưa và khó đi vào thực tiễn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/hanh-khach-apos-teo-top-apos-htx-xe-buyt-lao-dao-1096675.html