Hành động từ thực tế

Đợt dịch thứ 4 của dịch Covid-19 rất phức tạp. Theo dự báo của các ngành chức năng, trong năm 2021, Việt Nam khó có thể khống chế thành công được dịch bệnh. Sống chung an toàn với dịch là chiến lược đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng để phục hồi nền kinh tế.

Hành động từ thực tế

Bài 1: Chủ động và sáng tạo

Bài 2: Bình thường mới

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An lắng nghe ý kiến của người dân vùng đỏ - phường Bình Tân, thị xã La Gi.

Lộc từ biển

Đến bây giờ, ngư dân tại TP. Phan Thiết và thị xã La Gi đã quen với việc trước khi đi biển và xuống tàu vươn khơi phải thực hiện test nhanh Covid-19. Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc vươn khơi bám biển lại là giải pháp “lợi cả đôi đường”. Sau 2 tuần vươn khơi đánh bắt, 2 chiếc tàu cá công suất 500 CV của anh Lê Thành Tân ở thị xã La Gi đã cập cảng. Trên gương mặt của chủ thuyền, bạn thuyền không giấu được niềm vui mừng khi khoang tàu đầy ắp hải sản. Sau khi trừ chi phí, anh Tân thu về hơn 150 triệu đồng. Tính ra mỗi bạn thuyền được hơn 10 triệu đồng. “Hiện đang vào vụ cá nam nên sản lượng đánh bắt cũng khá tốt. Chúng tôi quyết định không lên bờ mà sẽ tiếp tục quay tàu đi thêm vài chuyến nữa. Ở trên tàu còn yên tâm hơn bởi trước khi đi biển tôi và các bạn thuyền đã thực hiện test nhanh Covid-19. Đi vậy lợi cả đôi đường, vừa có nguồn thu nhập nuôi gia đình vừa hạn chế gặp người lạ, bớt lo Covid-19. Chúng tôi cảm ơn chính quyền đã thấu hiểu và có một quyết định phù hợp với tình hình, giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Tân vui vẻ cho biết. Không chỉ riêng anh Tân mà hơn 200 chủ tàu cùng với hơn 1.800 lao động ở thị xã La Gi cũng chung niềm vui được lộc biển. Còn tại TP. Phan Thiết, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân đã hoạt động trở lại bình thường khi ngày 16/9, TP. Phan Thiết chính thức cho phép hơn 1.700 tàu dưới 6m hoạt động trở lại sau gần 1 tháng tạm dừng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Việc cho phép ngư dân thị xã La Gi, TP. Phan Thiết được vươn khơi bám biển trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là một quyết định khiến UBND tỉnh và chính quyền các địa phương phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Đang là thời điểm chính vụ cá nam, vươn khơi lúc này ngư dân sẽ có nguồn thu nhập lớn. Trong bối cảnh đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn vì phải nghỉ biển chống dịch thì quyết định đó càng mang ý nghĩa to lớn. Nhưng vấn đề bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau quá trình ngư dân vươn khơi lại là một bài toán khó. Nếu thực hiện không tốt thì nguy cơ lây nhiễm giữa ngư dân và các tàu cá hoạt động trên biển rất cao. Và thực tế đã xảy ra những trường hợp ngư dân mắc Covid-19. Trước đó, UBND thị xã La Gi đã cho phép tàu có chiều dài từ 15m trở lên vươn khơi bám biển vào ngày 12/8. Nhưng chỉ vài ngày sau, việc này đã phải tạm dừng vì phát hiện trường hợp mắc Covid-19 ở khu vực cảng cá La Gi.

Nhưng, với tinh thần chủ động phòng tránh, tìm phương án để “thích nghi an toàn với dịch”, giúp người dân từng bước khôi phục, ổn định kinh tế, UBND tỉnh đã đồng ý để ngư dân vươn khơi. Trên tinh thần coi tàu thuyền như một nơi sản xuất, các địa phương đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế. Giờ đây, những chiếc tàu nổ máy ra khơi trong tiếng loa phát thanh tuyên truyền chống dịch phải thực hiện khi đánh bắt hải sản đã là hình ảnh quen thuộc với những người dân Bình Thuận.

Chiến lược phục hồi kinh tế

Ngày 8/9, rồi ngày 16/9 TP. Phan Thiết và thị xã La Gi chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân các địa phương và sự theo dõi, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Nhưng ít ai biết, tại thời điểm lấy ý kiến các ngành chức năng và địa phương để thay đổi biện pháp giãn cách xã hội tại TP. Phan Thiết hay thị xã La Gi, ngành y tế vẫn phát hiện trường hợp mắc mới, thậm chí có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Việc thay đổi biện pháp giãn cách đã được xem xét ở nhiều khía cạnh. Câu chuyện trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã được nêu ra. Việc UBND tỉnh đồng ý để TP. Phan Thiết, thị xã La Gi áp dụng Chỉ thị 15, trở lại cuộc sống bình thường mới là một quyết định thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc tìm kiếm một hướng đi đúng, một giải pháp hợp lý cho việc vừa đảm bảo chống dịch an toàn vừa duy trì phát triển kinh tế.

Quyết định cho phép tàu thuyền vươn khơi đã giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ở một khía cạnh nào đó, dịch Covid – 19 hiện nay như mưa lũ hàng năm vẫn xảy ra ở miền trung. Cuộc chiến sẽ còn dài, việc sống chung với dịch Covid – 19 là một thực tế khách quan đòi hỏi các địa phương phải tìm cách thích ứng. Không thể chống dịch một cách cực đoan để làm suy kiệt nền kinh tế. Tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo Covid-19 tỉnh với TP. Phan Thiết và thị xã La Gi và ngày 6/9, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nêu ra một chủ trương mới về định hướng phòng chống dịch của tỉnh: “Chúng ta phải có cách tiếp cận mới sáng tạo hơn về tình hình hiện tại. Không thể cứ phong tỏa, kéo dài mãi thì cả chính quyền và người dân đều không chịu nổi. Nếu tình hình có chuyển biến khả quan thì nên nới lỏng. Nhưng nới lỏng ở mức độ nào thì cần tính toán. Phải chấp nhận trong khu vực thực hiện Chỉ thị 15 có vùng phong tỏa. Trong vùng xanh có vùng đỏ, cũng có vùng vàng, vùng cam chứ không phải nới lỏng toàn bộ. Tìm phương án để chung sống an toàn với dịch để quen dần với trạng thái bình thường mới”.

Và mới đây tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với các địa phương và sở ngành liên quan về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An một lần nữa khẳng định chiến lược vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế của tỉnh. “Dịch Covid-19 trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi chúng ta vừa phải tập trung phòng chống dịch vừa phải có các chính sách giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, sớm phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã hoàn thành và đang lấy ý kiến của sở ngành, địa phương về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Trong đó, chúng ta đã xác định được những lĩnh vực nào ưu tiên làm trước. Quan điểm là không tổ chức ồ ạt, rộng rãi mà thí điểm từng bước, từng nội dung, từng lĩnh vực. Chủ động xây dựng kế hoạch để vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả, từng bước thích nghi với tình hình mới”.

Đến ngày 21/9, trên địa bàn tỉnh đã có 3 địa phương là vùng cam, 4 địa phương vùng vàng và 3 địa phương vùng xanh. Các địa phương đang tích cực kiểm tra, rà soát, xét nghiệm cộng đồng, đánh giá lại mức độ nguy cơ của địa phương mình. Trên cơ sở đó, đến cuối tháng 9, UBND tỉnh sẽ họp đánh giá và quyết định thay đổi biện pháp giãn cách xã hội phù hợp để các địa phương triển khai các phương án phục hồi nền kinh tế. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, nhưng với những gì Bình Thuận đã thực hiện trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng tỉnh sẽ sớm vượt qua đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh “Cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Nguyễn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/hanh-dong-tu-thuc-te-bai-2-141806.html