Hàng Việt Nam chiếm ưu thế

QUA HƠN BẢY NĂM THỰC HIỆN, CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ RẤT PHẤN KHỞI. HÀNG VIỆT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ LUÔN CHIẾM ƯU THẾ VỀ CHẤT LƯỢNG, MẪU MÃ, ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG TIN CẬY.

Tại hội chợ hàng Việt Nam được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ mới đây, chị Hoàng Thị Mai (ngụ quận 2) phấn khởi nói: “Hàng trong nước bây giờ phong phú về mẫu mã và tốt về chất lượng, cho nên tôi rất yên tâm. Gần đây, gia đình tôi chỉ dùng hàng nội, bởi, các doanh nghiệp trong nước rất quan tâm đến việc công bố thành phần, kiểm định thường xuyên các mặt hàng trước khi phân phối. Hơn nữa, người dân mua hàng trong nước còn biết nơi khiếu nại khi chẳng may xảy ra sự cố”.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 39 trung tâm thương mại, 181 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 836 cửa hàng tiện lợi. Thông qua Cuộc vận động (CVĐ), hàng Việt Nam bày bán tại một số hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên. Toàn thành phố cũng đã phát triển 1.140 điểm bán hàng bình ổn giá.

Một trong những hoạt động nổi bật hưởng ứng CVĐ là các phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu chế xuất - khu công nghiệp. Trung bình mỗi năm, thành phố tổ chức hơn một chục phiên chợ như thế. Các phiên chợ này không chỉ tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng kênh phân phối tại thị trường nông thôn mà còn giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Tại các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh…, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn và được các chủ cửa hàng ưu tiên đặt ở những vị trí đẹp nhằm thu hút khách. Đáng chú ý tại các siêu thị như Co.opmart, Satra…, hàng Việt Nam chất lượng cao gần như chiếm thế áp đảo. Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết: “Co.opmart là doanh nghiệp Việt Nam, mình phải ủng hộ hàng Việt Nam. Vì vậy, hàng nội ở đây chiếm hơn 95% trong tổng lượng hàng, và tập trung là hàng chất lượng cao”.

Theo các chuyên gia thị trường, hiện nay, phần lớn người tiêu dùng không còn tâm lý “sính” hàng ngoại để thể hiện đẳng cấp mà có sự so sánh giữa giá cả, chất lượng của hàng nội và hàng ngoại khi chọn mua. Người tiêu dùng giờ đây đã tích cực ủng hộ hàng Việt Nam và tỷ lệ người dân ưu tiên lựa chọn hàng nội ngày càng tăng. Tuy nhiên, muốn tạo niềm tin với người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh phải đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng, bản thân doanh nghiệp phải tự vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sự liên kết. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ về chính sách, vốn, thuế, hải quan…, để giúp doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trên thị trường.

Là một tổ chức xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Huỳnh Thu cho rằng, CVĐ không phải là hành vi phân biệt đối xử với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, mà nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, hình thành văn hóa tiêu dùng của người dân, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa Việt Nam có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo nên sức mạnh quốc gia, dân tộc, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để CVĐ đạt hiệu quả cao hơn, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food Trần Thị Thanh Lâm, nhà nước nên có những hoạt động thiết thực, hữu ích hơn nữa để phát động mạnh mẽ và rộng rãi phong trào đến cán bộ, công chức trong các công sở, đơn vị nhà nước, sinh viên, học sinh, lãnh đạo các cấp chính quyền. Đây là những đối tượng làm gương cho các thành phần khác trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hệ thống siêu thị trong nước phát triển để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong việc cung cấp thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm nội địa.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Năng đề nghị, hệ thống MTTQ thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện một cách mạnh mẽ từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến xã hội về CVĐ. Ông tin tưởng CVĐ sẽ tiếp tục có sức hút mạnh mẽ và thật sự tác động đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng của cộng đồng và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/31162802-hang-viet-nam-chiem-uu-the.html