Hàng trăm triệu lượt xem hưởng ứng chiến dịch chống tin giả

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hàng trăm bài thi, hàng trăm triệu lượt xem, share trên các nền tảng xã hội cho thấy, Chiến dịch 'Tin' lan tỏa giá trị đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Con số ấn tượng này thể hiện sự chung sức của cộng đồng mạng với cơ quan nhà nước trong cuộc chiến chống tin giả.

Tối 23/11, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanhTruyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) phối hợp cùng Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và một số đơn vị tổ chức Chương trình Tinternet - Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ Chiến dịch “Tin” với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”.

Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024 với sự đồng hành xuyên suốt của Công ty Vinamilk mục tiêu hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ tại sự kiện.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: Khi triển khai chiến dịch này, Bộ rất hồi hộp trước sự đón nhận của cộng đồng mạng, bởi đây là lần đầu, Bộ tổ chức chiến dịch mạng, tập trung vào vấn đề ai cũng gặp phải, đó là tin giả.

Chỉ trong một tháng phát động, chiến dịch nhận được hơn 50 bài dự thi, với 150 triệu lượt xem, bên cạnh đó là hơn 100 bài hưởng ứng (không tham gia thi) với 280 triệu lượt xem. Tổng cộng, đến nay có tới 1,5 triệu video gắn hashtag Anti Fake News trên nền tảng TikTok, đạt số lượt xem lên đến hơn 5 tỷ lượt. "Con số ấn tượng này thể hiện sự chung sức của cộng đồng mạng với cơ quan nhà nước trong cuộc chiến chống tin giả", ông Do nói.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, thực tế cho thấy, các nền tảng mạng xã hội lớn hiện nay đều có những tiêu chuẩn cộng đồng cùng giải pháp phát hiện, ngăn chặn tin giả nhưng vấn nạn này vẫn chưa thể được xử lý triệt để. Đặc biệt, sự xuất hiện của những công nghệ mới trong việc phát tán và chặn tin giả cho thấy, đây là cuộc rượt đuổi không hồi kết. Trong khi đó, tạo tin giả thì dễ nhưng việc xác minh sẽ rất khó, phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, mấu chốt trong cuộc chiến chống tin giả nằm ở ý thức người dùng. Khi mỗi người dùng có “sức đề kháng” và “bộ lọc” thì sẽ tốt hơn rất nhiều, vấn nạn tin giả cũng sẽ hạn chế được rất nhiều.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm "Tin nên tin".

Ông Nguyễn Bá Diệp, nhà sáng lập Momo cũng cho rằng, tin giả nằm trong số những rủi ro toàn cầu hàng đầu thế giới. Ông đưa ra công bố của Đại học Baltimore năm 2019, tổng chi phí thiệt hại từ vấn nạn này là 78 tỷ USD cho thị trường Mỹ, 70% thiệt hại này ảnh hưởng đến giá cố phiếu. Xu hướng tin giả cũng gia tăng trong giới tài chính.

Theo ông Diệp, hành vi và thói quen lướt thông tin trên mạng xã hội khiến mọi người dễ bị thôi thúc tiếp cận các tin đồn không kiểm chứng. Năm 2022, trong lĩnh vực tài chính nổi lên nhiều tin giả như lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng, tập đoàn lớn bị bắt... Những tác động tiêu cực và hậu quả kinh tế từ tin giả làm giảm niềm tin vào một số mảng của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty và ngành, thiệt hại về uy tín, hình ảnh và thương hiệu cùng các tổn thất về tài chính ngắn và dài hạn...

Ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, cần phải minh bạch thông tin, không né tránh vì việc đưa thông tin kịp thời cũng là một trong những cách thức để triệt tiêu tin giả.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi “Anti Fake News” cho những video xuất sắc.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/hang-tram-trieu-luot-xem-huong-ung-chien-dich-chong-tin-gia-i714800/