Hàng trăm dự án quá hạn muốn được chuyển tiếp

Vừa qua, các huyện, thành phố trình Hội đồng Thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2024 hơn 1,2 ngàn dự án, trong số này có hơn 380 dự án đã quá hạn 3 năm.

Một dự án nhà ở tại H.Trảng Bom nhiều năm vẫn dang dở. Ảnh: H.Lộc

Việc rà soát để điều chỉnh gia hạn hoặc hủy bỏ quy hoạch dự án quá hạn và không có tính khả thi nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, bảo đảm quyền lợi cho người dân vùng bị quy hoạch là vấn đề đặt ra.

* Nhiều dự án trễ hẹn

Thống kê của Sở TN-MT, năm 2024, các huyện, thành phố đăng ký hơn 1,2 ngàn dự án sử dụng đất. Trong số này, có hơn 900 dự án đề xuất chuyển tiếp và hơn 360 dự án đăng ký mới.

Trưởng phòng Quy hoạch Sở TN-MT Đào Thị Thanh Hoài cho biết, có nhiều dự án địa phương đề xuất chuyển tiếp, đăng ký mới chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý, hơn 380 dự án đã quá thời hạn 3 năm.

TP.Biên Hòa có 176/242 dự án nằm trong nhóm quá thời hạn 3 năm. Nhiều nhất là loại hình dự án đất ở (gồm đấu giá quyền sử dụng đất, khu dân cư thương mại, khu dân cư và tái định cư, khu dân cư cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội). Tiếp theo là dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, đất khu, cụm công nghiệp. Kế đến là loại hình dự án thủy lợi, công trình năng lượng…

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho biết, phần lớn những dự án này đã được cấp chủ trương đầu tư nhiều năm trước. Có dự án triển khai bài bản, đến khi thu hồi đất của người dân không thuận lợi, dẫn đến kéo dài; có dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa đủ điều kiện để giao đất; cũng có những dự án đang trong quá trình thu hồi đất.

“Các dự án này đủ điều kiện về quy hoạch, chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất. Về tính khả thi, đối với dự án đầu tư bằng vốn ngân sách đã được tính toán, bố trí nguồn vốn. Riêng dự án doanh nghiệp đầu tư thì tính khả thi phụ thuộc nguồn lực nhà đầu tư, nhưng thành phố sẽ làm việc và yêu cầu có cam kết thực hiện dự án” - ông Tân chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, huyện có 29/139 dự án chưa đủ điều kiện, cần xin ý kiến thành viên hội đồng. Trong số này có 15 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất trên 3 năm (giai đoạn từ năm 2015-2021). Quá trình đề xuất chuyển tiếp dự án, huyện chưa báo cáo rõ về tiến độ, tính khả thi thực hiện trong năm 2024.

Cũng theo ông Linh, trong số các dự án quá hạn, có 8 dự án đấu giá quyền sử dụng đất huyện đang làm quy hoạch chi tiết, thuê đơn vị tư vấn giá đất cụ thể làm căn cứ xác định mức giá khởi điểm để tổ chức đấu giá. Có một số dự án sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, chủ đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư và đang xin gia hạn. Có 2 dự án trang trại nông nghiệp đang làm thủ tục về giấy phép xây dựng. “Cơ bản địa phương, nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện các dự án nên huyện mới đưa vào kế hoạch sử dụng đất” - ông Linh nói.

Hầu hết danh mục dự án đề xuất chuyển tiếp cấp huyện trình thẩm định đều có dự án quá hạn 3 năm. Chẳng hạn như: H.Vĩnh Cửu có 37 dự án, H.Định Quán có 17 dự án, H.Long Thành có 13 dự án, H.Trảng Bom có 11 dự án…

* Cân nhắc điều chỉnh hoặc hủy bỏ

Dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất, được cấp chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện, chậm hoàn thành sẽ gây lãng phí nguồn lực đất đai, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch.

Năm 2024, các huyện, thành phố đăng ký 1.276 dự án; trong đó có 909 dự án chuyển tiếp, 367 dự án đăng ký mới. Kết quả thẩm tra bước đầu có 384 dự án quá hạn 3 năm, 39 dự án không đủ điều kiện.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, quá trình thẩm tra, Sở TN-MT đã mạnh dạn đưa các dự án quá hạn 3 năm ra khỏi hạng mục đủ điều kiện. Lý do là quá thời hạn theo quy định và địa phương không có báo cáo giải trình về tiến độ, tính khả thi triển khai trong năm 2024.

Theo ông Đức, Sở TN-MT rất chia sẻ với địa phương nhưng không thể làm trái các thông tư, nghị định. Quan điểm của Sở là dự án trái với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác còn hiệu lực thì không đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Các dự án nhà ở quá hạn (trừ dự án tái định cư và nhà ở xã hội) cần phân loại, đánh giá tính khả thi rồi quyết định có hay không đưa vào kế hoạch. Dự án khai thác quỹ đất phụ cận từ dự án đường giao thông mà đã có nghị quyết thông qua chủ trương thì thực hiện thu hồi đất, đồng thời cả đất làm đường và đất phụ cận để đấu giá.

Những năm gần đây, một số địa phương như: Nhơn Trạch, Long Thành đã cương quyết thu hồi dự án quá hạn nhưng thực tế vẫn còn nhiều. Nguyên nhân có thể do chủ đầu tư “chờ thời”, không đủ nguồn lực triển khai hoặc đã chuyển nhượng dự án; đang triển khai nhưng vướng mặt bằng, quy hoạch dẫn đến kéo dài; quy định mới của pháp luật liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, đấu giá đất thay đổi dẫn đến phát sinh vướng mắc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, còn nhiều dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại dự án và có văn bản giải trình cụ thể về căn cứ pháp lý, tính khả thi triển khai thực hiện trong năm 2024.

Lãnh đạo UBND tỉnh lưu ý, ưu tiên xem xét dự án đầu tư công của tỉnh, quốc gia; các dự án đã có chủ trương đầu tư, được bố trí nguồn vốn đang trong quá trình triển khai. Những dự án chưa có trong quy hoạch, chưa có kế hoạch triển khai thì không đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để hạn chế dự án quá hạn.

Về lâu dài, để hạn chế tình trạng dự án quá hạn và không khả thi, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, nhất là đất công. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Cùng với đó, thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện các dự án theo cam kết.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/hang-tram-du-an-qua-han-muon-duoc-chuyen-tiep-2595be6/