Hàng quán đóng cửa, nhiều lao động ở Hà Nội trở thành shipper

Trước tình trạng quán xá, cửa hàng kinh doanh đóng cửa vì dịch, nhiều lao động tự do tìm đến các ứng dụng chạy xe công nghệ để có thu nhập.

Dưới cơn mưa tầm tã của Hà Nội, Trọng Văn - 29 tuổi, tài xế GrabBike - đỗ gọn xe, ngồi trú mưa tại góc phố Thi Sách giao Lê Văn Hưu. Mưa to, đường phố vắng người đi lại, anh cho biết từ sáng đến trưa mới nhận được một cuốc chở khách, một cuốc giao hàng, tổng cộng là 81.000 đồng chưa trừ phí xăng cộ.

“Tầm sáng chủ yếu tôi chở khách hoặc giao hàng. Phải đến trưa mới có đơn giao đồ ăn. Nhưng mấy hôm nay thời tiết xấu, lại còn dịch bệnh phức tạp nên số lượng đơn ít hẳn. Nhu cầu đặt GrabBike của người dân cũng giảm khoảng 80% so với thông thường”, anh nói.

Anh cho biết mới chạy tài xế công nghệ hơn 2 tháng. Trước đây anh làm bếp ở nhà hàng, lương tháng khoảng 8 triệu đồng. Sau khoảng thời gian nhà hàng đóng cửa dài ngày vì dịch, anh quyết định lái xe công nghệ thời vụ cho đến khi tìm được công việc khác.

 Tình hình mưa lớn tại Hà Nội gần đây khiến số lượng cuốc chở khách, đơn giao hàng giảm. Ảnh: Thạch Thảo.

Tình hình mưa lớn tại Hà Nội gần đây khiến số lượng cuốc chở khách, đơn giao hàng giảm. Ảnh: Thạch Thảo.

Tìm đến ứng dụng sau vài tuần nghỉ ở nhà

Giai đoạn đầu làm quen việc, anh Văn kiếm khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sau hơn một tháng, thu nhập của anh bắt đầu cải thiện, nay là trên 9 triệu đồng.

“Trước mới chạy tôi gặp vô số rắc rối, nào là trả khách thừa tiền, hỏng xe, đi nhầm đường, bị bùng hàng. Thiếu kinh nghiệm nên chi phí phát sinh cứ độn lên, chạy mãi mà thu nhập không đáng là bao. Giờ ngày tôi cứ chạy 10-12 tiếng, vấp váp nhiều nên thành thục cả rồi”, anh chia sẻ.

Tương tự anh Văn, Kim Dự - 23 tuổi, nhân viên phục vụ tại một quán bia ở phố Tăng Bạt Hổ - quyết định tìm đến các ứng dụng giao hàng sau vài tuần nghỉ ở nhà. Do nhà hàng đóng cửa hoàn toàn và không bao ăn ở cho nhân viên, mỗi tháng chị Dự phải bỏ ra 1,5 triệu đồng tiền trọ, tính cả sinh hoạt phí, ăn uống đã là hơn 3 triệu đồng.

Mất kế sinh nhai, chị buộc phải tìm công việc mới nếu không muốn tiêu lẹm vào khoản tiền dành dụm trước đó.

“Mấy hôm nay tôi đi hỏi han cách làm hồ sơ, thủ tục đăng ký và tham khảo thu nhập của từng ứng dụng. Lương tháng của tôi trước đó là 6 triệu đồng. Tôi vừa nộp hồ sơ vào một ứng dụng và đang chờ họ liên hệ. Tôi hy vọng có thêm thu nhập chỉ để trang trải cuộc sống”, chị nói.

 Nhiều lao động tự do do thất nghiệp phải chuyển sang chạy xe công nghệ. Ảnh: Nhật Sinh.

Nhiều lao động tự do do thất nghiệp phải chuyển sang chạy xe công nghệ. Ảnh: Nhật Sinh.

Chia sẻ với Zing, Phi Đạt - tài xế của Now - cho biết nhu cầu đặt đồ ăn, đồ uống của người dân Hà Nội thời gian gần đây có tăng nhưng không ổn định.

Lý giải vấn đề này, Đạt cho rằng việc sinh viên các trường đại học về quê khiến lượng khách giảm sút, nhu cầu nay chủ yếu đến từ người dân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, việc mật độ khách giảm, số lượng quán ăn hạn chế nhưng tài xế đông khiến lượng đơn nhận được có xu hướng giảm đi từ 10-30%.

“Tài có kinh nghiệm săn đơn nếu chạy đều có thể hoàn thành 30 đơn/ngày, tính cả thưởng thì khoảng 600.000-800.000 đồng/ngày. Người mới chạy thường chỉ nhận dưới 20 đơn, thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày. Không có kinh nghiệm nên thời gian hoàn thành đơn lâu hơn, việc đứng sai vị trí, địa bàn cũng khiến khoảng cách lấy đơn xa hơn từ 1-1,5 km”, Đạt nhận xét.

Không như mong đợi

Trong 6 tháng chạy xe công nghệ, Đạt cho biết khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây là chật vật nhất. Tuy nhiên anh vẫn chọn bám trụ ở lại do khả năng tìm được việc hiện tại tương đối khó.

“Công việc giờ mỗi người mỗi cảnh, có người khoe ngày chạy được 30-40 đơn, có người như tôi, ở ngoài đường 10 tiếng cũng chỉ nhận được trên dưới 25 đơn. Sau giờ cao điểm đơn đồ ăn không nổ nữa, túc tắc thì nhận được đơn giao hàng, nhiều tài xế ngồi chơi lắm”, Đạt kể.

“Đáng nói là thời gian gần đây tài xế cứ gần đến mốc thưởng là ứng dụng không gán đơn nữa. Tôi thấy nhiều anh em phản ánh lắm. Tình trạng còn một đơn cuối mà anh em phải ngồi đợi 2-3 tiếng là chuyện bình thường, rất ảnh hưởng đến thời gian và thu nhập”, anh bức xúc.

Ngoài ra, tài xế có thể bị khóa tài khoản tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu vi phạm chính sách hoạt động của ứng dụng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, kế sinh nhai của người lao động. Do vậy, Đạt khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc của app là rất quan trọng.

 Tình trạng đông tài xế khiến số lượng đơn, thu nhập của tài xế giảm. Ảnh: Thạch Thảo.

Tình trạng đông tài xế khiến số lượng đơn, thu nhập của tài xế giảm. Ảnh: Thạch Thảo.

Hiện nay, không ít tài xế công nghệ đang đăng bán phụ kiện, trang phục làm việc như áo, mũ, túi đựng hàng trên các hội nhóm mạng xã hội. Bên cạnh lý do cá nhân, một vài tài xế cho biết thu nhập thấp khiến họ phải chuyển sang ứng dụng khác hoặc quyết định nghỉ hẳn.

Đối với tài xế Văn, thấy trời không ngừng mưa, đơn không nổ, anh quyết định đóng ứng dụng và tranh thủ về nhà nghỉ. Anh cho biết nếu chiều tạnh, anh sẽ chuyển sang chạy khung giờ tối.

“Dịch bệnh phức tạp nên ra đường tôi cũng sợ lắm, đeo khẩu trang kĩ, sát khuẩn tay và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Lần nào giao hàng, chở khách thấy họ không đeo khẩu trang là tôi nhắc luôn", anh Văn nói.

"Mỗi khi thấy thông báo các địa điểm liên quan đến ca bệnh ở Hà Nội là tôi lo lắng, chỉ mong mình chưa đi qua đây. Tôi nghĩ mỗi tài xế, khách hàng, hàng quán nên tự giác nâng cao ý thức phòng chống dịch, vì lợi ích của bản thân đầu tiên, thứ 2 là vì lợi ích của cộng đồng”, anh Văn nhấn mạnh.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-quan-dong-cua-nhieu-lao-dong-o-ha-noi-tro-thanh-shipper-post1242409.html