Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Chưa xác định nguồn lây

Liên quan đến việc hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà, sẽ có cuộc họp đánh giá nguyên nhân, nguồn lây bệnh khiến hàng chục trẻ ở Khoái Châu, Hưng Yên mắc bệnh.

Những ngày qua, liên tiếp nhiều bé trai ở Khoái Châu, Hưng Yên, được gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do sùi mào gà. Đến ngày 21/7, số trẻ được chẩn đoán bị sùi mào gà tại huyện này đã tăng lên 72. Một số trẻ được giữ lại viện để điều trị, các bé đã ổn định sức khỏe bác sĩ cho xuất viện và hẹn tái khám, theo tin tức trên báo VTC News.

Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà. Ảnh SGGP.

Hầu hết em bé này trước đó đều được chữa chít hẹp bao quy đầu tại phòng khám của bà Hoàng Thị Hiền, y sĩ công tác tại trạm y tế xã Mễ Sở. Dự kiến trong tuần tới, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh sẽ họp truy tìm nguồn lây bệnh sùi mào gà cho các cháu nhỏ, đồng thời bàn biện pháp để tìm kiếm và điều trị hết số trẻ mắc sùi mào gà trong cộng đồng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh viện đã bố trí một khu điều trị dành riêng cho các em bé mắc sùi mào gà để thuận tiện hơn cho việc chăm sóc và tránh lây nhiễm. Viện cũng miễn hoàn toàn chi phí khám và điều trị cho các trẻ bị sùi mào gà dưới 15 tuổi của huyện Khoái Châu từ ngày 17/7 đến hết ngày 31/12.

Theo phó giáo sư Doanh, sự gia tăng bất thường số bệnh nhân sùi mào gà tại một địa phương chứng tỏ tại nơi đó có nguồn lây. Về nguyên tắc khi điều trị cho trẻ bị sùi mào gà, bố mẹ các bé cũng được yêu cầu khám để xác định xem có mắc bệnh và lây cho trẻ.

Hiện, không có bố mẹ nào mắc bệnh này. Vì thế, các bác sĩ nghi ngờ nguồn lây từ sự chăm sóc y tế không đảm bảo điều kiện vệ sinh khiến trẻ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, kiểm tra phòng khám tại nhà riêng y sĩ Hiền - nơi hầu hết bé trước khi sùi mào gà đều chữa hẹp quy đầu - thì chỉ có một chiếc giường và tủ thuốc không chứa gì, vì thế rất khó đánh giá công tác tiệt khuẩn, khử khuẩn khi bà Hiền thực hiện thủ thuật cho trẻ.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng cho biết, virus HPV gây bệnh sùi mào gà không dễ phát bệnh ngay mà có khi đến hàng tuần, thậm chí vài tháng sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, hoặc can thiệp y tế không đảm bảo mới phát bệnh, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin.

Đáng lưu ý, trong khi hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng nên người dân khi có nghi ngờ đã từng tiếp xúc với nguồn lây hoặc trẻ có các can thiệp y tế ở bộ phận sinh dục như: chít hẹp bao quy đầu cần theo dõi sát sao và đưa trẻ kiểm tra tại cơ sở y tế uy tín nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, có rất nhiều cha mẹ có con từng điều trị cắt bao quy đầu ở một số nơi khác, có tâm lý lo sợ con mình bị bệnh nên đã đưa trẻ tới tận bệnh viện để khám. Trước hiện tượng này, bệnh viện đã sắp xếp, bố trí một khu vực khám và điều trị riêng cho trẻ mắc sùi mào gà, giúp việc điều trị thuận lợi và tránh lây nhiễm.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cũng khuyến cáo, đối với các gia đình có trẻ nhỏ bị mắc bệnh sùi mào gà, cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra, chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng và cần chăm sóc cách ly.

Bởi lẽ thông thường, với trẻ mắc sùi mào gà, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị sạch tổn thương, theo dõi định kỳ, 2 tuần tái khám một lần. Có những trẻ điều trị một lần là có thể khỏi, nhưng cũng có trẻ phải 10-20 lần mới khỏi vì còn phụ thuộc vào tổn thương.

PGS.TS Lê Hữu Doanh cho biết, Hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia về da liễu, dịch tễ, sinh hóa, nhi khoa… nhằm đánh giá khách quan, truy tìm căn nguyên, nguồn lây bệnh sùi mào gà cũng như đưa ra những định hướng để giải quyết, xử lý được hết số trẻ mắc sùi mào gà trong cộng đồng.

Trân Châu (Tổng hợp theo báo VTC News, Sài Gòn giải phóng)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/hang-loat-tre-mac-sui-mao-ga-chua-xac-dinh-nguon-lay-d104405.html