Hàng loạt giải pháp áp dụng trong cung ứng điện

Cục Điều tiết Điện lực thông tin về các giải pháp cung ứng điện, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 tăng ở 54/63 địa phương, sự phục hồi sản xuất kéo đã khiến tiêu thụ điện tăng cao, ước tăng trưởng điện trong tháng 3/2024 khoảng 11,5%. Vì vậy, nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Thế Hữu (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định về đảm bảo cung ứng điện năm 2024, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4-7).

Để đảm bảo nguồn điện cung cấp trong mùa khô, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành các công trình nguồn điện và lưới điện để giải tỏa nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải (đặc biệt là công trình đường dây 500 kV mạch 3).

Điện lực đảm bảo cung cấp đủ và liên tục nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là nhiên liệu than và khí, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các thiết bị của các nhà máy điện, khắc phục nhanh chóng các sự cố xảy ra, chuẩn bị vật tư sẵn sàng để dự phòng phát điện.

Điều tiết hợp lý các nhà máy thủy điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng cho hệ thống điện phục vụ tốt nhất trong các tháng cao điểm mùa khô; tăng cường rà soát hành lang tuyến của các đường dây truyền tải, khắc phục các khiếm khuyết (nếu có) hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cũng như tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch về cung ứng điện, đồng thời ban hành kế hoạch về cung cấp nhiên liệu (khí, than) để phục vụ cho phát điện. Đặc biệt, Bộ đã ban hành để thực hiện riêng cho các tháng cao điểm mùa khô, (từ tháng 4-7), trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, đặc biệt ngay quý 1 sẽ phải họp bàn.

Liên quan tới quyết định mới về điều chỉnh giá điện, ông Nguyễn Thế Hữu cho biết quyết định 05 của Thủ tướng Chính phủ về cơ bản vẫn kế thừa các nội dung trước đây của quyết định 24, nhưng trong đó có đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực khẳng định, không phải cứ 3 tháng thay đổi giá một lần mà tùy thuộc vào đánh giá tác động về kinh tế vĩ mô, tùy thuộc vào kết quả đánh giá tình hình cập nhật giá điện đã đủ đến mức xem xét điều chỉnh hay chưa.

Ngoài ra, việc rút ngắn chu kỳ này cũng đảm bảo chi phí là không được tích quá nhiều, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của EVN và thích ứng với sự biến động của các yếu tố đầu vào theo thị trường.

Ông Hữu khẳng định, việc này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Quốc gia… Tuy nhiên, theo ông, tại Quyết định 05, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò trong điều hành giá điện, phối hợp cùng với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, đảm bảo phù hợp với định hướng của Chính phủ về điều hành thị trường năng lượng và thị trường điện, xu hướng hội nhập.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, với vai trò của Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công thương vẫn giữ vai trò chính trong quá trình kiểm tra, rà soát các phương án điện do EVN xây dựng. Trong quá trình kiểm tra điều chỉnh giá điện cũng như việc tham mưu Thủ tướng trong việc điều hành giá điện, hằng năm liên bộ có tiến hành kiểm tra chi phí và công khai để nhân dân và cơ quan truyền thông giám sát, đảm bảo công bằng và minh bạch.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/hang-loat-giai-phap-ap-dung-trong-cung-ung-dien-424009.html