Hàng loạt cơ quan truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ bị 'bức tử'

Gần hai tuần sau cuộc đảo chính quân sự bất thành, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục có những hành động quyết liệt đối với lực lượng binh sỹ, truyền thông và giới học giả, các tổ chức đối lập của đất nước này.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu hôm qua (27/7) cho biết, trong thời gian ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, 45 tờ báo, 16 hãng truyền hình và 3 hãng thông tấn đã bị đóng cửa. Anadolu cho biết thêm, gần 1.700 binh sỹ, trong đó có 87 vị tướng cao cấp, đã bị sa thải.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuần trước cho biết các hành động này là cần thiết để loại bỏ “mối đe dọa” nảy sinh từ vụ đảo chính bất thành. Các quan chức Ankara đã sa thải hoặc bắt giam hàng chục nghìn người trong chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có.

Hàng loạt cơ quan truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa, nhiều phóng viên, nhà báo bị sa thải. Nguồn: AP

Tuần trước, cơ quan quản lý truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hồi giấy phép hoạt động của hơn 20 công ty truyền hình và phát thanh bị nghi có liên quan đến giáo sỹ Fethullah Gulen, người mà ông Erdogan khẳng định là chủ mưu của vụ đảo chính.

Tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa khoảng 130 cơ quan xuất bản và truyền thông. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết ít nhất 34 phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thu hồi thẻ nhà báo.

Tổ chức Phóng viên không biên giới lên án sự việc này, cho rằng đó là sự "khủng bố" đối với truyền thông phản biện.

Trong thông cáo gần đây, ông Johann Bihr, trưởng khu vực đông Âu và trung Á của tổ chức Phóng viên không biên giới, nói: "Không ai phản đối quyền hợp pháp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ trật tự hiến pháp sau cuộc đảo chính chết yểu, nhưng nền dân chủ mà vì nó hàng trăm người dân thường đã phải bỏ mạng không thể được bảo vệ bằng cách chà đạp những quyền tự do cơ bản".

Các nhóm nhân quyền và lãnh đạo các nước phương Tây lại tỏ ra lo ngại rằng tình trạng khẩn cấp khiến quyền tự do dân chủ bị thu hẹp. Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang lạm dụng các quy định luật pháp và "tình trạng khẩn cấp giúp họ có thêm điều kiện để tiếp tục trên con đường nguy hiểm này".

Liên minh châu Âu cho rằng quyết định về giáo dục, tư pháp và truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ là "không thể chấp nhận". Các quan chức Mỹ, Pháp và Đức cũng cảnh báo ông Erdogan phải hành động theo đúng luật.

Thổ Nhĩ Kỳ từ hôm 21/7 ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng, sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ quét sạch tận gốc những ai bị xem là kẻ thù của nhà nước.

Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hang-loat-co-quan-truyen-thong-cua-tho-nhi-ky-bi-buc-tu-post204911.info