Hàng chục tấn cá nuôi trong lồng, bè trên sông Sêrêpốk chết bất thường

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra tình trạng nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất, chăn nuôi của người dân. Đặc biệt thời tiết được xác định là một trong những nguyên nhân khiến hàng chục tấn cá nuôi lồng, bè trên sông Sêrêpốk chết mỗi ngày, gây thiệt hại nặng nề.

Cá chết nổi trắng lồng, bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana.

Cá chết nổi trắng lồng, bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana.

Trang trại nuôi cá của anh Nguyễn Ngọc Hà trên sông Sêrêpốk đoạn chảy qua địa bàn xã Ea Na, huyện Krông Ana có 29 lồng, bè nuôi cá diêu hồng với sản lượng hàng năm đạt từ 250-300 tấn cá thương phẩm. Tuy nhiên, trong 4 ngày qua, do thời tiết nắng nóng nên mỗi ngày bị chết hơn 1 tấn cá.

Người nuôi cá vớt cá chết để xử lý tránh ô nhiễm môi trường.

Người nuôi cá vớt cá chết để xử lý tránh ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Ngọc Hà cho biết: "Nguyên nhân dẫn đến cá chết đột ngột và tăng đột biến như thế là do thời tiết quá nóng. Nhiệt độ đo hằng ngày vào lúc 15 giờ luôn luôn ở mức 37 độ C. Bên cạnh đó, dòng nước sông Sêrêpốk không chảy do các thủy điện ở đầu nguồn không xả nước khiến cá thiếu oxy rồi chết. Lúc mới phát hiện, chúng tôi đã kiểm tra cá và sát trùng, nhưng vẫn không ngăn được lượng cá chết. Để xử lý số lượng cá chết nhiều trong ngày, trang trại đã phải huy động hết nguồn nhân lực vớt cá chết để xử lý theo quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiến hành lắp đặt hệ thống quạt nước trong các lồng, bè để tăng lượng oxy cho cá…

Để ngăn chặn tình trạng cá nuôi trong lồng, bè chết trong thời điểm nắng nóng gay gắt này, chúng tôi đề nghị các đơn vị vận hành thủy điện trên sông Sêrêpốk điều tiết nguồn nước trong mùa khô phù hợp để vừa bảo đảm lưu lượng trên dòng sông cũng như sinh kế người dân nuôi cá lồng bè trên sông".

 Theo các hộ nuôi cá, một trong những nguyên nhân khiến cá chết với số lượng lớn là do thời tiết nắng nóng và các đơn vị quản lý thủy điện trên đầu nguồn sông Sêrêpốk không xả nước khiến cá thiếu oxy.

Theo các hộ nuôi cá, một trong những nguyên nhân khiến cá chết với số lượng lớn là do thời tiết nắng nóng và các đơn vị quản lý thủy điện trên đầu nguồn sông Sêrêpốk không xả nước khiến cá thiếu oxy.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn sông Sêrêpốk dài khoảng 5km chảy qua xã Ea Na và xã Buôn Chóa giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có gần 20 hộ gia đình và trang trại nuôi cá trên lồng, bè. Mỗi ngày nơi đây có hàng chục tấn cá chết, các chủ trại nuôi cá đang nỗ lực vớt số cá chết để tiêu hủy hoặc ủ làm phân đạm cá. Tuy nhiên, một lượng lớn cá chết vẫn trôi nổi trên sông Sêrêpốk.

 Cá chết trôi ra sông Sêrêpốk.

Cá chết trôi ra sông Sêrêpốk.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Na, huyện Krông Ana Nay H’úy cho biết: Sau khi nắm thông tin cá nuôi ở các lồng, bè trên sông Sêrêpốk chết, chính quyền địa phương đã trực tiếp trao đổi với các hộ nuôi cá phải xử lý vớt và có thể ủ làm phân hoặc chôn vào gốc cây để tránh tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước sông cũng như gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác định nguyên nhân và hỗ trợ người nuôi cá triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại.

Dự báo, với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, trong những ngày tới, hiện tượng cá chết sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, các hộ nuôi cá tiếp tục theo dõi tình hình để chủ động các biện pháp hạn chế cá chết như lắp quạt nước để tăng oxy trong các lồng bè, xử lý số lượng cá trên sông để bảo đảm vệ sinh môi trường…

Trước tình trạng cá chết bất thường, ngày 4/5, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana đã có văn bản thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nguồn nước đầu dòng trong khu vực nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên sông Krông Ana đợt 1 năm 2023 của Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đến các hộ chăn nuôi cá trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Na biết để triển khai các biện pháp phòng tránh.

 Các lồng, bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk.

Các lồng, bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk.

Kết quả quan trắc cho thấy: Qua phân tích 16 thông số có 14/16 thông số nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép; 2/16 thông số nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A1 và QCVN 02-26:2017/BNNPTNT.

Cụ thể, hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng TSS đạt 98,1mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép là 20mg/l, cao gấp 4,9 lần giới hạn cho phép. Hàm lượng phốt phát (P-PO4 3- ) đạt 0,25mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép: ≥0,1mg/l, cao hơn 2,5 lần giới hạn cho phép. Xuất hiện tảo độc Ceralium sp. với mật độ 1.000 tế bào/lít, tảo này có nguy cơ bám vào mang cá, gây hiện tượng nghẽn mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá khiến cá chết do ngợp thở.

Đối với nước lồng nuôi, kết quả phân tích 12 thông số thì có 9/12 thông số nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép; 3/12 thông số nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột A1 QCVN 02-26:2017/BNNPTNT và QCVN 02- 22:2015/BNNPTNT.

Cụ thể, hàm lượng phốt phát (P-PO4 3- ) đạt 0,24mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép: ≥0,1mg/l, cao hơn 2,4 lần giới hạn cho phép. Hàm lượng COD đạt 18,81mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép 10mg/l, cao gấp 1,88 lần giới hạn cho phép.

Hàm lượng tổng chất rắn lơ lững TSS đạt 80,5mg/l, vượt ngưỡng so với giới hạn cho phép 20mg/l, cao gấp 4 lần giới hạn cho phép.

Với kết quả quan trắc trên, Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nguồn nước tại vùng nuôi trồng thủy sản lồng, bè sông Krông Ana có hàm lượng phốt phát (P-PO4 3- ) vượt mức giới hạn cho phép 2,5 lần cùng với hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng rất cao (4,9 lần) và sự tồn tại của hiện tảo độc Ceritium sp. với mật độ cao báo hiệu vùng nuôi có nguy cơ không an toàn, dễ phát sinh bệnh trong quá trình nuôi. Vì vậy, cần di chuyển lồng bè ra khu vực có dòng nước lưu thông tốt hơn, nuôi mật độ vừa phải và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và quản lý chất lượng nước để ngăn chặn khả năng phát sinh bệnh trên thủy sản nuôi trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hang-chuc-tan-ca-nuoi-trong-long-be-tren-song-serepok-chet-bat-thuong-post751512.html