Hàng chục hồ thủy lợi tại Gia Lai hư hỏng, sạt lở

Nhiều công trình thủy lợi tại Gia Lai đã xuống cấp, thân đập thấm nước, thiếu phương án phòng chống lũ cho tình huống vỡ đập. Càng kiểm tra, càng lộ sai phạm khi nhiều hồ chưa xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du. Thậm chí, trên dưới 90 hồ dưới 1 triệu m3 chưa thực hiện việc kiểm định an toàn đập bởi chủ đầu tư thiếu kinh phí.

Đập đất một số công trình thủy lợi tại Gia Lai bị xói, sạt lở. Ảnh: Đ.V

Nguy cơ vỡ đập chực chờ

Theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, hàng chục hồ đập trên địa bàn được đầu tư xây dựng đã lâu, vùng lòng hồ bị bồi lắng nhiều, phần đập đất đã xuống cấp do vậy tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa lũ.

Gia Lai hiện có tổng 112 hồ (1-10 triệu m3). Tại hồ Ayun Hạ - lớn nhất của Gia Lai, cơ quan chức năng phát hiện một số vị trí dọc thân, đầu mối hồ này bêtông bị phong hóa, bị ăn mòn hoen rỗ. Nước thấm và rò rỉ qua các khớp nối đứng và trần cống khá lớn, tại các vị trí khác trong thân bêtông bị phong hóa khiến nước thấm vào thành dòng. Roang caosu cánh cửa cống bị ăn mòn, rách nên nước rò phun qua hai góc cánh cửa khá lớn. Đối với phần tràn xả lũ, bờ đất sau hạ lưu tràn bị sạt lở một số điểm. Nguy hại hơn, tại hồ chứa nước Ia M’la xuất hiện nước rò rỉ qua bêtông trong đường hầm, thân cống bị ngập hành lang không vào kiểm tra được. Trước vi phạm được chỉ rõ, Cty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Gia Lai - đơn vị quản lý 2 hồ này - cam kết khắc phục. Tuy vậy, việc khắc phục có hoàn thành trước mùa mưa bão hay không vẫn chưa được khẳng định.

Việc kiểm tra còn phát hiện hồ chứa nước Biển Hồ (Hồ B) có phần mái kênh dẫn cửa của cống lấy nước bị sạt một số vị trí. Hay tại hồ chứa Ia Hrung, phần đập đất đã xuất hiện nước thấm, tương tự hiện tượng nước thấm cũng diễn ra ở hồ chứa nước Tân Sơn. Qua kiểm tra, có tổng số 12 hồ biến dạng phần mái đập, 27 hồ bị hư hỏng hạng mục tràn xả lũ. Với 96 hồ đập dưới 1 triệu m3, chỉ có 1 hồ thực hiện kiểm định an toàn tập, 95 hồ còn lại chưa thực hiện kiểm định.

Đề nghị Chính phủ trợ giúp

Quản lý 12 hồ chứa lớn của tại Gia Lai, tuy vậy Cty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Gia Lai lại chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt. Đối với phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du, Cty chỉ mới đề cập đến các tình huống xả lũ bình thường, xả lũ thiết kế, xả lũ kiểm tra chứ chưa đề cập đến tình huống vỡ đập.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Cty Trương Vân phân bua: “Về phương án phòng chống lũ lụt tình huống vỡ đập, Bộ Tài chính không cho dùng nguồn thủy lợi phí, mà phải xin nguồn từ Chính phủ để làm. Vừa rồi, Cty đã có văn bản xin Chính phủ 27 tỉ đồng, nhưng đến giờ chưa thấy Chính phủ trả lời”. Chưa kể, việc không có bản đồ ngập lụt khiến người dân hoàn toàn bị động trong việc ứng phó lũ lụt. Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa (Gia Lai) - ông Đinh Xuân Duyên bày tỏ: “Về nguyên tắc thì phải có bản đồ ngập lụt, như thế vùng hạ du mới chủ động hơn trong việc phối hợp, dự đoán tình hình, từ đó thuận tiện hơn cho việc di dân, cất giữ tài sản”.

Để tránh thảm họa, tỉnh Gia Lai đã mạnh tay lên phương án ngăn chặn. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý của 112 hồ khắc phục trước mùa mưa năm 2017. Những hồ chứa có vi phạm như chưa phê duyệt quy trình vận hành điều tiết nước, chưa kiểm định an toàn đập, chưa có phương án bảo vệ đập, phòng chống lụt bão trong mùa lũ, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập hoặc sự cố đập cần phải xử lý dứt điểm. “Chủ đập nào không chấp hành thì hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” - Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai - Kpă Thuyên nhấn mạnh. Ông ý kiến bằng văn bản rằng, đơn vị nào phớt lờ quản lý an toàn đập, thì sở NNPTNT phải tham mưu, đề xuất để tỉnh xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, Sở NNPTNT lại đang quan ngại nhiều khó khăn nằm ngoài tầm với của tỉnh. Đó là, phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du đập thực hiện theo Nghị định 72 của Chính phủ và Thông tư 33 của Bộ NNPTNT, đáng nói cả nghị định và thông tư trên đều không quy định quy mô hồ chứa nào phải lập phương án. Mặt khác, việc nghiên cứu xây dựng bản đồ ngập lụt ứng với tình huống vỡ đập là vấn đề phức tạp cần thực hiện bởi cơ quan tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm và phải thực hiện theo lộ trình, danh mục, lưu vực thứ tự ưu tiên. “Tuy vậy, nguồn kinh phí tổ chức xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, các chủ hồ lại không cân đối được” - báo cáo của Sở NNPTNT Gia Lai chỉ ra.

ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/hang-chuc-ho-thuy-loi-tai-gia-lai-hu-hong-sat-lo-685243.bld