Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: Trong năm 2023, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách lớn nhất trong năm 2023 với gần 3,6 triệu lượt (chiếm 28% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đạt 1,7 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ 2. Như vậy là, 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 42% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tiếp sau là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và Nhật Bản đứng vị trí thứ 5.

* Đà Nẵng đón hơn 2.000 khách du lịch qua đường biển

2.000 khách quốc tế đầu tiên đến Đà Nẵng trên tàu biển 5 sao.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019. Xét theo châu lục, thị trường khách từ châu Đại dương và châu Mỹ có mức phục hồi tốt nhất (99% và 93%); châu Âu (67%) và châu Phi (63%) phục hồi chậm. Châu Á mới đạt 68%. Tuy vậy, thị trường truyền thống Trung Quốc mới đạt tỷ lệ phục hồi 30%. Ở thời điểm trước dịch, thị trường này chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó, thị trường Nga mới đạt 19% so với năm 2019. Một thị trường quan trọng khác của Việt Nam ở châu Á là Nhật Bản mới đạt mức 62%. So với năm 2019, Nga và Anh không còn nằm trong 10 thị trường hàng đầu Việt Nam, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ với sự tăng trưởng đột phá trong năm qua.

Một số thị trường lớn có mức độ phục hồi rất tốt như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia. Đặc biệt, một số thị trường Đông Nam Á thậm chí đã cao hơn so với thời điểm trước dịch. Ở Nam Á, thị trường Ấn Độ cũng có sự phục hồi ấn tượng. Tín hiệu lạc quan cũng đến từ các thị trường chính ở châu Âu, trong đó Tây Ban Nha phục hồi tốt nhất, sau đó là Đức, Anh và Pháp. Đây cũng là 3 thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam ở châu Âu. Trong số các thị trường Đông Nam Á thì khách Thái Lan đứng đầu, sau đó là Malaysia, Campuchia.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi vẫn không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, trải nghiệm, tính đa dạng và độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 với 169 chương trình, sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phố, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm, khám phá mới.

Trong năm 2023, du lịch được coi là điểm sáng, có sự bứt phá tích cực, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước.Toàn ngành đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách đội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678.000 tỷ đồng, vượt 4,3%. Đáng chú ý, 6 tháng cuối năm 2023 đều đón trên 1 triệu khách đến Việt Nam/tháng, riêng tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trên cả nước, tạo nội lực tăng trưởng, phục hồi cả thị trường nội địa, quốc tế. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới nhằm tăng sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch tăng cường liên kết triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch.

*Ngày 2-1, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp Cty CP Cảng Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng Cảng Đà Nẵng và Cty lữ hành Destination Asia tổ chức chào đón hơn 2.000 du khách cập cảng Tiên Sa, đến tham quan và du lịch thành phố trong dịp Tết Dương lịch, chào năm mới 2024.

Tàu Westerdam thuộc sở hữu của hãng tàu biển danh tiếng Holland America Line là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập cảng Tiên Sa. Tàu mang theo 2.000 hành khách và 781 thuyền viên chủ yếu đến từ Hà Lan và các quốc gia khác như: Anh, Pháp, Italia, Đan Mạch, Hungary, Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Du khách có 1 ngày để tham quan du lịch tại các điểm đến nổi tiếng tại Đà Nẵng như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Tàu Westerdam là du thuyền sang trọng 5 sao thuộc hãng tàu danh tiếng Holland America Line, được thiết kế với nét cổ điển, sang trọng, có 11 tầng rộng lớn cùng 14 thang máy, 3 bể bơi, sân thượng.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, thành phố đón tổng cộng 22 chuyến tàu biển với 18.000 lượt khách. Theo lịch của các hãng tàu đã đăng ký với Cty cổ phần Cảng Đà Nẵng, con số này sẽ lần lượt dự kiến là 45 chuyến với hơn 40.000 lượt khách trong năm 2024.

THANH GIANG - CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/han-quoc-va-trung-quoc-chiem-42-tong-luong-khach-quoc-te-den-viet-nam-post288948.html