Sống trên nước nhưng lại thiếu nước

Có lẽ, trong suy nghĩ của nhiều người dân, không ai có thể tưởng tượng được, có một ngày, vùng đất 'sống trên nước' này lại rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt như hiện nay.

Người dân đến lấy nước tại điểm cấp nước ấp Pháo Đài, xã Phú Tân (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nam Bộ là vùng đất cuối cùng phía Nam của đất nước, nằm trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, chủ yếu ở vùng hạ lưu hai con sông lớn này. Vùng đất trù phú Nam Bộ nằm rất gần biển Đông, là một vùng châu thổ màu mỡ với nhiều cửa sông đổ ra biển.

Có lẽ, trong suy nghĩ của nhiều người dân, không ai có thể tưởng tượng được, có một ngày, vùng đất “sống trên nước” này lại rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt như hiện nay. Không có hậu quả nghiêm trọng, tức thì như bão, lũ hay những thiên tai khác, hạn hán, xâm nhập mặn âm thầm tàn phá vùng đất trù phú Nam Bộ, biến nơi đây trở thành vùng đất ngày càng khô kiệt. Điều người dân Nam Bộ cần nhất lúc này là phải làm gì để sống chung với thách thức đó, để vùng đất phía Nam của Tổ quốc phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.

Hạn mặn khốc liệt ở Nam Bộ: Chủ động thích ứng *Bài 1: Sống trên nước nhưng lại thiếu nước

Những ngày này, người dân vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ tiếp tục oằn mình chống chọi với thời tiết nắng nóng kỷ lục, có nơi lên đến trên 40 độ C. Cái nắng như đổ lửa dội xuống vùng đất đang ngày càng khô héo vì hạn hán và xâm nhập mặn bủa vây khiến Nam Bộ trở thành một vùng đất khốc liệt. Dường như cái tên miệt sông nước Nam Bộ đang dần trở nên xa lạ ngay cả với chính người dân nơi đây. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng, ở nơi từng sống trên nước lại có lúc rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng đến vậy.

Hạn tới từng nhà

Trong cái nắng chói chang miền cù lao giáp biển, chị Nguyễn Hồng Hạnh (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đang hứng nước ngọt từ các vòi nước công cộng về cho gia đình sử dụng. “Nguồn nước xung quanh gia đình tôi đã không còn. Ngày nào tôi cũng ra vòi nước công cộng hứng nước mang về rồi đổ vào lu dùng dần. Số nước này dùng để nấu ăn và những nhu cầu cần thiết nhất cho 7 người trong gia đình tôi. Thỉnh thoảng, có những xe nước từ thiện do mạnh thường quân hỗ trợ, tôi mừng dữ lắm”, chị Hạnh chia sẻ.

Cũng theo chị Hạnh, một số ao trữ nước ngọt từ sông Tiền vào đã bị nhiễm mặn nên dẫn đến thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt tại địa phương. Từ nay đến tháng 5, khi mùa mưa tới, người dân sẽ phải sống trong cảnh “khát nước” sinh hoạt cũng như nước sản xuất.

Nắng nóng, thiếu nước ngọt kéo dài khiến 2 công đất trồng bí đỏ của gia đình chị Lê Ngọc Vân (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) bị cháy lá, rụng trái. Lường trước được mùa khô năm nay sẽ phức tạp nên chị Vân chọn xuống giống bí đỏ-loại cây dễ chăm sóc, không cần tưới nhiều nước, thích hợp với thời tiết nắng nóng nhưng chị không thể ngờ, hạn mặn lần này lại khốc liệt đến vậy. “Nhà tui chủ yếu tưới cây bằng nguồn nước giếng nhưng giờ nước giếng bị xâm nhập mặn rồi, với lại nắng nóng quá, gió cát bay vô trái rồi không đủ nước tưới nên không thu hoạch bí đỏ được nữa”, chị Vân cho hay.

Người dân đến lấy nước tại điểm cấp nước ấp Pháo Đài, xã Phú Tân (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Những khó khăn của gia đình chị Hạnh, chị Vân cũng là tình cảnh chung của gần 3.300 nhân khẩu xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, một trong những “rốn mặn” của địa phương. Từ đầu tháng 4 đến nay, ngày nào bà con cũng thấp thỏm trông chờ nguồn nước ngọt ít ỏi được chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Xâm nhập mặn từ nhiều tháng nay khiến nước giếng không thể sử dụng, trong khi nước dự trữ trong ao, hồ cũng cạn kiệt, mùa mưa lại chưa tới.

Huyện cù lao giáp biển Tân Phú Đông là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng đầu tiên của xâm nhập mặn tại tỉnh Tiền Giang. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang cũng như của Nam Bộ phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2024. Không chỉ riêng Tân Phú Đông, các địa bàn ven biển khác của tỉnh Tiền Giang như các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây; thị xã Gò Công cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cục bộ, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Thiệt hại trước mắt

Tình trạng hạn mặn khốc liệt không kém đang diễn ra tại tỉnh Cà Mau, nơi có hai huyện Trần Văn Thời, U Minh đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2. Tại huyện Trần Văn Thời đã xuất hiện 601 điểm sụt lún, sạt lở nằm trên 132 tuyến kênh với tổng chiều dài 15.890 m; khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hóa tại hai huyện Trần Văn Thời, U Minh; từ đó, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hóa và đi lại của người dân.

Mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp, khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân. Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 3.700 hộ dân đang thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Để bù đắp nguồn nước bị thiếu, người dân phải chấp nhận mua nước từ các tàu, ghe, xe với giá cao; tiết kiệm nước hết mức có thể.

Tại huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), địa phương được công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, sạt lở, sụt lún đã làm nhiều nhà dân và đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đến nay, qua thống kê của lực lượng chức năng, đã có trên 200 điểm sạt lở, sụt lún trên địa bàn. Nhiều diện tích nuôi tôm, cua của Kiên Giang cũng bị thiệt hại do năng nóng kéo dài, độ mặn trong nước tăng cao. Đến nay, đã có gần 100 ha diện tích nuôi tôm, cua bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cùng nhiều bệnh truyền nhiễm khác…

Người dân đến lấy nước tại điểm cấp nước ấp Pháo Đài, xã Phú Tân (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tại Sóc Trăng, diện tích lúa vụ Đông Xuân muộn bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn là khoảng 6 nghìn ha; trong đó có hơn 1,4 nghìn ha bị ảnh hưởng; 43 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Anh Nguyễn Văn Tài (thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) cho biết, do giá lúa năm ngoái quá cao nên dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay sẽ gay gắt, anh vẫn quyết tâm “xé rào” xuống giống vụ 3. Gia đình trữ được nước ngọt cho hơn chục ngày đầu; những ngày sau, anh phải canh lúc độ mặn trong nước giảm, có nguồn nước ngọt để bơm ngay vào ruộng, cứu lúa cho dù chi phí chạy máy bơm rất cao. Hiện nay, nhiều diện tích canh tác tại huyện Long Phú đã chuyển đổi sang trồng hoa màu với khả năng chịu mặn cao, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn.

Hạn mặn đang từng ngày từng giờ tàn phá Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nhiều địa phương tại khu vực này đang rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Không còn nước ngọt sinh hoạt cùng nhiều hệ lụy từ hạn hán, xâm nhập mặn, đến nay, đã có 3 địa phương phải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, đó là Tiền Giang (tại huyện Tân Phú Đông), Kiên Giang (tại huyện U Minh Thượng), Cà Mau (tại huyện Trần Văn Thời, U Minh).

Không chỉ ở Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mà ngay cả những địa phương được coi là vựa lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng…, người dân cũng đang “quay quắt” trong cuộc chiến chống lại hạn hán, xâm nhập mặn. Theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong mùa khô năm nay, khoảng 500 nghìn hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình đó, cùng với các chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, thực thi nhiều giải pháp để bảo đảm không có người dân nào bị thiếu nước sinh hoạt.

Thu Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/song-tren-nuoc-nhung-lai-thieu-nuoc/330178.html