Hạn hán ở Mỹ có nguy cơ thúc đẩy lạm phát lương thực

Sau Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine, chi phí thực phẩm bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt. Giờ đây, một đợt hạn hán trên khắp vựa bánh mì của Mỹ là mối đe dọa thúc đẩy lạm phát lương thực.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, giá một loạt các loại cây trồng đạt mức cao kỷ lục, đẩy một trong những khu vực xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới vào vòng lửa. Chi phí đã thúc đẩy lạm phát và đe dọa nguồn cung cấp lương thực ở các nước có thu nhập thấp trước khi Liên Hợp Quốc môi giới thỏa thuận trong đó Điện Kremlin sẽ cho phép Kyiv vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen và vào thị trường toàn cầu.

Sau một thời gian, giá cả cũng đã giảm, nhưng thị trường hàng hóa đang bước vào một giai đoạn bất ổn mới với cuộc phản công của Ukraine chống lại bộ máy quân sự của Nga. Thỏa thuận Kyiv-Kremlin về xuất khẩu ngũ cốc sẽ hết hạn vào tháng 7 cùng thời điểm thời tiết nóng, khô hạn hơn có xu hướng khiến các trang trại của xứ cờ hoa đau đầu.

Hồ Mead, hồ chứa lớn nhất ở Mỹ về dung tích nước, cạn khô. Ảnh: Getty.

Suốt một thời gian dài, các cánh đồng lúa mì ở Great Plains (Bắc Mỹ) và Vành đai ngô ở Thượng Trung Tây ghi nhận ít hơn những con mưa nhỏ. Nỗi sợ hãi của nông dân tại vùng này là sự lặp lại của hạn hán năm 2012 khiến giá nông sản tăng vọt.

Angie Setzer, đồng sáng lập của Consus, chuyên tư vấn cho nông dân về cách bán cây trồng và giảm thiểu rủi ro tài chính, cho biết: “3 đến 4 tuần tới tình hình sẽ khó đoán”.

Trong những tháng gần đây, lạm phát lương thực của Mỹ đã giảm bớt nhờ giá nông sản giảm. Sau đó, vào đầu tháng 6, lo ngại về mùa màng khô hạn và những cánh đồng bị bỏ hoang bắt đầu đẩy giá các thành phần được sử dụng trong thực phẩm bao gồm bánh cuộn, bột bánh pizza và bột yến mạch tăng cao.

Lượng mưa rải rác trong những ngày gần đây làm tăng hy vọng rằng vụ thu hoạch ở một số khu vực nhất định sẽ được cứu vãn, làm dịu đi những cú va chạm về giá.

Tại sàn giao dịch Chicago, các hợp đồng giao lúa mì đỏ mềm được sử dụng rộng rãi trong các món nướng trong tương lai đã tăng hơn 11% kể từ đầu tháng Sáu. Giá yến mạch tăng 8,5% trong cùng thời gian. Dầu đậu nành, được sử dụng để chiên, nướng và nhiên liệu vận tải ít carbon tăng 32%. Giá ngô đã giảm khoảng 4,5%, sau khi những cơn mưa gần đây đảo ngược đà tăng mạnh hồi đầu tháng Sáu.

Giá lương thực liên tục bấp bênh khiến các nông dân dấy lên câu hỏi liệu có xứng đáng để làm vụ tiếp theo hay không. Theo The Wall Street Journal, thực tế nông dân trên khắp đất nước dự kiến từ bỏ những cánh đồng lúa mì mùa đông tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1917, vượt xa tỷ lệ trong Dust Bowl những năm 1930.

Một số khu vực của Great Plains và Corn Belt đã nhận được một phần lượng mưa bình thường. Ảnh: WSJ.

Ở Syracuse, (Mỹ), anh Jason Ochs dự kiến chỉ thu hoạch được 1/3 số lúa mì mà gia đình đã gieo trên một trang trại rộng 20.000 mẫu Anh.

Ochs, người cho biết hạn hán và lạm phát khiến năm nay trở thành năm tồi tệ nhất trong 12 năm làm nông nghiệp của mình, hy vọng lượng mưa gần đây sẽ giúp ích cho ngô và lúa miến trên các vùng đất khô hạn trên các phần đất khác.

Gần một phần ba vùng High Plains và gần hai phần ba vùng Trung Tây đang ở trong tình trạng hạn hán ở mức độ vừa phải, theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ. Hạn hán cực đoan hoặc bất thường đã làm đất đai khô cằn trên khắp các vùng của Kansas, Nebraska, Oklahoma, Texas và Missouri.

Justin Glisan, nhà khí hậu học của Bang Hawkeye (Mỹ), cho biết ở Lowa, thủ phủ ngô của xứ cờ hoa, nhiều cánh đồng đang tồn tại một phần nhờ vào việc lai tạo giống giúp cây trồng trở nên dẻo dai hơn. Nhưng ông nói rằng họ có thể cần thêm “những trận mưa hàng triệu đôla” để cây trồng đủ sức sống kéo dài suốt mùa hè.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia cho biết một trận mưa lớn trên khắp khu vực vào thứ Bảy có nguy cơ gây ra lũ quét ở các vùng của Nebraska, Lowa và Illinois.

Hiện nay, không chỉ tại Mỹ, cuộc khủng hoảng nước đang xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Tại Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về nước đang được tổ chức. Đây là lần đầu tiên sau 46 năm, thế giới đang ngồi lại cùng nhau để bàn thảo giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.

Điệp Nguyễn (Theo WSJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/han-han-o-my-co-nguy-co-thuc-day-lam-phat-luong-thuc-post254600.html