Hạn hán nghiêm trọng làm lộ ra những di tích bị lãng quên

Hạn hán có thể là một phần bình thường của khí hậu. Nhưng xu hướng này có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống lương thực, đẩy hàng triệu người vào tình trạng đói và mất nước. Hạn hán cũng đã giúp phát hiện ra tàn tích của các cộng đồng trong quá khứ, một số trong số đó đã hàng nghìn năm tuổi.

Một đế chế bí ẩn ở Iraq

Trận hạn hán năm 2018 ở khu vực người Kurd ở Iraq đã cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về một xã hội ít được biết đến: Đế chế Mittani.

Đế chế Mittani lộ diện sau một đợt hạn hán. Ảnh: DPA

Các nhà khảo cổ học người Đức và người Kurd đã phát hiện ra một cung điện 3.400 năm tuổi từ thời kỳ đồ đồng trên bờ sông Tigris sau khi mực nước trong hồ chứa Đập Mosul giảm xuống đủ để lộ ra những tàn tích. Cung điện cổ đại thuộc về một vương quốc từng thống trị phần lớn miền bắc Lưỡng Hà và Syria.

Bài liên quan

Chi phí giải quyết khủng hoảng khí hậu tăng hơn 800%

Ngành du lịch của Pakistan rung chuyển do biến đổi khí hậu

Hỏa hoạn, lũ lụt và khí hậu có thể quyết định cuộc bầu cử Úc

Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhà khảo cổ Ivana Puljiz thuộc Đại học Tübingen của Đức cho biết: "Đế chế Mittani là một trong những đế chế ít được nghiên cứu nhất ở Cận Đông cổ đại. Ngay cả thủ đô của Đế chế Mittani vẫn chưa được xác định".

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một phần các bức tranh tường được bảo tồn và 10 viên đất sét hình nêm trong các căn phòng mà họ khai quật được. Các nhà khảo cổ hy vọng sẽ có thêm những hiểu biết về đế chế này.

Một ngôi làng ma ở Tây Ban Nha

Gần đây hơn, một ngôi làng ở Tây Ban Nha đã xuất hiện dưới đáy hồ chứa nước khi một đợt hạn hán xảy ra vào tháng Hai năm nay. Du khách đã đổ xô đến Aceredo ở biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha để xem những tàn tích kỳ lạ và những vật lưu niệm từ năm 1992, bao gồm cả những chai bia và những chiếc ô tô gỉ sét.

Thị trấn cổ ở Tây Ban Nha này tái xuất hiện sau một trận hạn hán. Ảnh: Reuters

Bà Maria del Carmen Yanez, thị trưởng của khu vực Lobios nói rằng trời mưa rất ít trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bà cũng đổ lỗi cho tình huống này là do công ty điện lực Bồ Đào Nha EDP đã khai thác điện quá đà.

Di tích đào vàng ở California

Vào giữa những năm 1800, một cơn sốt tìm vàng ở California đã thu hút hàng trăm nghìn thợ mỏ tới thử vận may. Năm ngoái, sau khi một trận hạn hán làm cạn hồ chứa nước, các thị trấn đào vàng từng bị nhấn chìm đã được hé lộ một lần nữa, như một lời nhắc nhở rõ ràng về cuộc khủng hoảng nước đang diễn ra tại Mỹ.

"Với mực nước thấp trong lịch sử đã trở nên tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu, các đồ tạo tác và tàn tích từng thuộc về các cộng đồng và nền văn hóa trong khu vực hiện đang xuất hiện dọc theo lòng hồ", một bài đăng trên Facebook của Khu giải trí bang Folsom Lake viết.

Atlantis của Đức

Edersee ở bang Hesse, miền Tây nước Đức là hồ chứa lớn thứ hai trong cả nước. Nhưng do nhiệt độ khắc nghiệt và lượng mưa thấp đã làm gia tăng hạn hán trên khắp nước Đức.

Khu vực này được biết đến với cái tên Edersee's Atlantis vì những tàn tích thường chìm trong nước. Ảnh: DPA

Khi mực nước của Edersee giảm xuống, chúng tiết lộ những gì được gọi là Atlantis của khu vực. Ở đây có những tàn tích, bao gồm một cây cầu, ba ngôi làng và bia mộ của những người dân địa phương một thời. Khu vực này ban đầu bị cho ngập để tạo thành hồ chứa.

Dự án được xây dựng cách đây hơn 100 năm để cung cấp nước cho sông Weser và kênh Mittelland, đảm bảo tàu có thể đi lại trên chúng trong những tháng mùa hè khô hạn hơn. Hoàng đế Đức Wilhelm II thậm chí còn có chuyến thăm riêng tới địa điểm xây dựng vào năm 1911.

Giờ đây, những ngôi làng trũng sâu đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch khi mức độ của Edersee giảm xuống đủ thấp trong thời kỳ nắng nóng.

Trung Kiên (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/han-han-nghiem-trong-lam-lo-ra-nhung-di-tich-bi-lang-quen-post199740.html