Hạn hán khiến 1.190 hộ dân ở Bình Phước thiếu nước sinh hoạt

Hôm nay (27/3), Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước có báo cáo tình hình hạn hán và công tác triển khai phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi, trong đó có 65 hồ chứa (11 hồ chứa lớn, 33 hồ chứa vừa, 21 hồ chứa nhỏ), 9 đập dâng và 1 trạm bơm, 1 hệ thống kênh thủy lợi đang vận hành, khai thác.

Năng lực thiết kế tưới cho sản xuất nông nghiệp là 9.286ha (đất trồng cây công nghiệp và đất lúa) và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 133.642m3/ngày/đêm.

Mực nước hồ tưới ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xuống thấp (ảnh: ĐC)

Thời điểm hiện tại, mực nước các hồ chứa tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường, trong đó hồ Bù Ka giảm sâu 2,5m. Dung tích còn lại của các hồ chứa giảm 28% so với tổng dung tích, đặc biệt hồ M26 dung tích chỉ còn lại 11%, Hồ Bù Ka 13%.

Đối với các hồ có mực nước thấp, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước phối hợp với các huyện, thị điều tiết nước tưới cho phù hợp. Đồng thời có khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiêu hợp lý và ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.

Nắng nóng khiến mặt đất ở Bình Phước nứt toác (ảnh: ĐC)

Tính đến ngày 15/3, có 1.190 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 7.870 ha, trong đó lúa gần 32ha, hồ tiêu 33ha, cà phê hơn 1.600ha, còn lại là cây ăn trái, cây hằng năm, lâu năm. Các hộ dân, diện tích vườn bị ảnh hưởng của hạn hán chủ yếu ở 4 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Gia Mập.

Trước thực tế này, UBND tỉnh Bình Phước có công văn đề nghị sở, ngành, các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Cây trồng của người dân Bình Phước khô, héo do thiếu nước tưới (ảnh: ĐC)

Các địa phương cũng đang nạo vét kênh mương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, kéo dài chu kỳ tưới, ủ gốc để giữ ẩm giảm thiểu sự bốc hơi nước.

Để đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nạo vét, mở rộng kênh, mương; hỗ trợ xây dựng các hồ thủy lợi nhỏ dự trữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; xây dựng giếng khoan, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của người dân ở những khu vực khô, cạn.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/han-han-khien-1190-ho-dan-o-binh-phuoc-thieu-nuoc-sinh-hoat-post1085329.vov