Hạn chế xáo trộn lòng dân

Sau khi lắng nghe dư luận xã hội, lãnh đạo tỉnh Nghệ An vừa chính thức yêu cầu UBND huyện Quỳnh Lưu tạm dừng việc điều chỉnh tên xã mới sau sáp nhập đơn vị hành chính. Trước đó, dự kiến hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sau khi sáp nhập thành một xã sẽ đổi tên là xã Đôi Hậu khiến dư luận bức xúc. Bởi lẽ, Quỳnh Đôi không chỉ là một địa danh văn hóa nổi tiếng lâu đời vì đây là quê hương của danh nhân văn hóa thế giới-'bà chúa thơ Nôm' Hồ Xuân Hương mà cái tên Đôi Hậu vừa xa lạ vừa không lột tả được hồn cốt lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương.

Không riêng gì người dân xã Quỳnh Đôi mà hàng ngàn người dân của nhiều xã trong diện phải sáp nhập cũng cảm thấy xáo trộn tinh thần, chênh chao tâm trạng khi tên làng xã đã gắn bó với bao thế hệ rồi đây sẽ lùi vào dĩ vãng. Đấy là chưa kể đã xuất hiện những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi người ta dự định đặt những tên xã mới nghe vừa gượng gạo, ngô nghê, vừa dễ bị liên tưởng những hàm ý thông tục, vô cảm.

Cần khẳng định rằng, chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện không đủ tiêu chí về quy mô diện tích, dân số là cần thiết, nhằm tinh giản bộ máy công quyền, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Mặt khác, thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng cát cứ về địa lý, mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.

Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nổi danh là làng khoa bảng, quê hương “Bà chúa thơ Nôm”. Ảnh: VOV

Dự kiến trong hai năm tới, cả nước có khoảng 600 đơn vị hành chính xã mới sau khi sáp nhập. Những lợi ích của việc sáp nhập là khả thi, nhưng bên cạnh đó là những băn khoăn của hàng vạn người dân khi phải tốn công sức để làm lại giấy tờ hành chính cho phù hợp với tên gọi xã mới. Điều trăn trở hơn là hàng ngàn người dân bao đời nay gắn bó với quê cha đất mẹ như cảm thấy mất mát điều gì đó thiêng liêng khi tên “cúng cơm” của làng xã mình bỗng dưng biến mất.

Tên làng xã không đơn thuần chỉ là cái vỏ ngôn ngữ mà nó chứa đựng cả không gian văn hóa, chiều sâu lịch sử, bề dày truyền thống của một cộng đồng người. Không những vậy, tên làng xã còn gắn với những hương vị đặc sản, những con sông, cánh đồng, bãi lúa, nương dâu đã đi vào thơ ca, nhạc họa; gắn với những tao nhân mặc khách, danh nho, anh hùng, dũng sĩ đã đi vào sử sách... Bởi thế, tên làng xã như một dòng chảy trong huyết mạch làm nên nhịp sống trái tim mỗi đời người gắn bó với mảnh đất thân thương.

Làng Việt là đất thiêng, nơi “sinh-trưởng-tụ-về” của con người, dù đi đâu, làm việc gì thì khi thành đạt, thành danh, ai cũng muốn về làng để vinh quy bái tổ, đúng như câu châm ngôn tiền nhân truyền dạy: “Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn hướng về tông tổ”. Nhắc lại điều đó để thấy đối với người Việt ta, tên làng xã trở thành một phần tất yếu trong đời sống tình cảm tâm linh, văn hóa tinh thần của mình. Do vậy, không thể không lưu tâm giữ lại những tên làng xã đã định vị trong lòng dân và là một trong những mạch nguồn làm nên hình dáng quê hương, đất nước.

Trở lại câu chuyện đặt tên mới cho các xã sau khi sáp nhập. Để tránh xáo trộn lòng dân, giảm những bất cập trong việc định danh tên hành chính xã mới, các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân và kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi). Hướng đến lợi ích toàn cục là cần thiết, nhưng việc đặt tên xã mới sau khi sáp nhập cũng phải tính đến an dân, vì chỉ khi nào đại đa số bà con cảm thấy “ưng cái bụng, thuận cái tai” thì lúc đó chủ trương sáp nhập mới mang lại ý nghĩa thiết thực, nhân văn.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/han-che-xao-tron-long-dan-773326