“Hai vai” của trung đội trưởng

QĐND - Trung đội trưởng là người vừa làm chỉ huy trưởng, vừa là “chính trị viên” của trung đội. Vậy đặc điểm tiến hành công tác tư tưởng của đội ngũ cán bộ trung đội trưởng có gì đặc biệt so với các chức danh khác? "Diễn đàn công tác tư tưởng" kỳ này giới thiệu hai ý kiến của bạn đọc gửi về trong tuần qua.

Trung úy Nguyễn Trung Kiên, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 40, Quân đoàn 3: Lợi thế “ba cùng” Để nắm bắt được diễn biến tư tưởng, tình cảm của bộ đội một cách thường xuyên thì cán bộ trung đội phải “ba cùng” với chiến sĩ. Theo đó, “cùng ăn” là cán bộ phải thường xuyên theo dõi bữa ăn hằng ngày của chiến sĩ. Ví dụ: Hôm nay bộ đội ăn uống như thế nào? Đồng chí nào ăn ít, hoặc không ăn… cán bộ trung đội phải biết được, để tìm lý do. Biết được bộ đội ăn uống thế nào, thì biết sức khỏe của bộ đội ra sao, để phân công công tác cho phù hợp. Khi đã phân công công tác phù hợp thì chắc chắn chất lượng, hiệu quả công tác, huấn luyện sẽ được nâng cao. “Cùng ở” là phải thường xuyên quan tâm đến các hoạt động của bộ đội, cùng vui chơi, cùng tham gia các hoạt động thể thao, giải trí với chiến sĩ; quan tâm nơi ngủ, giấc ngủ của bộ đội. Muốn như vậy, hằng đêm cán bộ phải ngủ sau, dậy trước để kiểm tra xem bộ đội ngủ thế nào; đã bỏ màn kín chưa, giày dép để đã đúng quy định chưa, đồng chí nào khó ngủ? Thực tế có chiến sĩ vì lý do nào đó mà đêm không ngủ được, nhưng cán bộ cũng không hay biết, mà nếu không biết là khuyết điểm, mà không biết thì không thể nắm được tư tưởng bộ đội để giải quyết kịp thời. “Cùng làm” là cán bộ trung đội cùng làm với chiến sĩ. Đây là một yêu cầu bắt buộc, ở đây tôi không đề cập là phải làm như một chiến sĩ thực thụ, mà làm để nêu gương, để hướng dẫn bộ đội nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu cùng làm với chiến sĩ sẽ nắm được nhiều vấn đề: Thứ nhất, chỉ có thông qua cùng lao động, huấn luyện với chiến sĩ cán bộ mới hiểu bộ đội nhiều hơn. Vì thông qua lao động con người dễ gần gũi nhau, dễ sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm, những cảm xúc được thể hiện qua những câu chuyện, những việc làm. Đó chính là cơ sở để cán bộ nắm tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ kịp thời để động viên giúp đỡ. Thứ hai, cũng thông qua cùng lao động, huấn luyện, công tác, cán bộ trung đội có thể hiểu và biết được tình trạng sức khỏe, khả năng lao động, năng khiếu, nhất là trình độ của từng chiến sĩ, trên cơ sở đó bố trí công việc phù hợp hơn. Thực tế, có một số cán bộ khi chỉ huy bộ đội lao động, tăng gia, ôn luyện… bộ đội thì vất vả ngoài trời nắng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cán bộ quần áo là lượt ngồi trong bóng mát nghe nhạc, nhắn tin… trông rất phản cảm. Những biểu hiện đó làm cho chiến sĩ ức chế và tạo ra một khoảng cách nhất định giữa cán bộ và chiến sĩ. Trung đội trưởng, người mà trực tiếp hằng ngày gần gũi chiến sĩ, trực tiếp chỉ huy bộ đội thực hiện mọi nhiệm vụ trên giao, do vậy, muốn nâng cao hiệu quả công tác, muốn nắm và quản lý tư tưởng bộ đội thì không có cách nào tốt hơn là cán bộ phải “ba cùng” với chiến sĩ. Có như vậy mới làm tốt công tác tư tưởng, mới hiểu được chiến sĩ. Thiếu tá Trần Cảnh Khâm, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 204, Binh chủng Pháo binh: Phải chú trọng hai chữ: Trực tiếp Tôi cho rằng, công tác tư tưởng ở cấp trung đội là khâu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc quản lý tư tưởng bộ đội đối với đơn vị cấp chiến thuật. Trong quy trình 5 bước của công tác tư tưởng, hiệu quả đạt được đến đâu chủ yếu là do đội ngũ cán bộ trung đội tiến hành đến đó. Trung đội trưởng có trực tiếp làm hay không? Nếu cán bộ trung đội mà vẫn “gián tiếp” thông qua nghe báo cáo của tiểu đội, hay chỉ huy đơn vị theo kiểu cảm tính thì không thể nào làm tốt công tác tư tưởng. Đơn vị tôi trước đây có một vài hiện tượng xấu như quân nhân vay nợ không có khả năng thanh toán; quân nhân lén lút tham gia đánh lô đề, cờ bạc. Những hiện tượng đó, cán bộ biết nhưng không đưa vào dự báo tư tưởng, không có biện pháp ngăn chặn; cách giải quyết chưa cụ thể, chưa phù hợp, có biểu hiện “mặc kệ” bộ đội. Thậm chí, có khi cán bộ đã biết khuyết điểm của đơn vị nhưng lại giấu giếm, bao che vì bệnh thành tích. Thông qua giao ban, hội ý hằng ngày, tôi đã trao đổi cùng các đồng chí trung đội trưởng rằng, khi các vụ việc xảy ra, trung đội trưởng chính là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, trong đội ngũ sĩ quan, cán bộ trung đội là cấp quản lý trực tiếp. Cấp trung đội mà còn chung chung, đại khái thì sau này phát triển lên cấp cao hơn sẽ càng qua loa, đại khái. Điều quan trọng hơn là nếu cấp trung đội quan liêu hoặc che giấu khuyết điểm thì cán bộ cấp tiếp theo sẽ bị “che mắt” ngay từ khâu đầu trong quản lý bộ đội. Bồi dưỡng tác phong cho cán bộ cấp trung đội chính là điều quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng công tác tư tưởng. Trung đội trưởng sâu sát, gần gũi bộ đội; việc gì cũng biết cách “xắn tay” làm cùng bộ đội thì công tác tư tưởng tự nhiên sẽ hiệu quả. Ngược lại, nếu cán bộ trung đội cố tình đưa mình thành cấp trung gian, không trực tiếp nắm bộ đội, hậu quả trong công tác tư tưởng là khó tránh khỏi.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/90/90/161275/Default.aspx