Hai trường hợp biến chứng nặng do nhiễm cúm A/H1N1

Thêm 2 trường học tại TPHCM có học sinh nhiễm cúm A/H1N1 - Huy động 100% bệnh viện ở TPHCM tham gia tiếp nhận điều trị bệnh nhân

Ngày 27-7, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết đã có thêm 2 trường học tại TPHCM có học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Đáng chú ý, đã xuất hiện trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng do nhiễm cúm A/H1N1. Khu vực cách ly cúm A/H1N1 tại Trường Trung học Xây dựng Lây lan rộng do không cách ly kịp thời Theo bác sĩ Hiền, sáng 27-7, một học sinh mới bị nhiễm cúm A/H1N1 là T.T.T (14 tuổi), đang học Trường THCS-THPT Nội trú Hồng Đức (quận Tân Bình - TPHCM). Ngoài ra, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TPHCM, cho biết trong ngày 27-7, một học viên của Trường Trung học Xây dựng (265 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh - TPHCM) bị phát hiện nhiễm cúm A/H1N1 là N.Q.Đ (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận - TPHCM). Bệnh nhân Đ. đã được chuyển về BV quận 7 để điều trị. Ngoài ra, bạn gái Đ. là N.T.N.Y (học cùng lớp) và 5 học viên khác cùng trường đang có biểu hiện nhiễm cúm đã được lấy mẫu bệnh phẩm, cách ly theo dõi. Theo ông Dương Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Xây dựng, trường này có khoảng 1.800 học viên, lúc phát hiện ca dương tính với cúm thì đang có 400 học viên theo học. Trường cũng đã cho 52 học viên khác về các tỉnh để giám sát bệnh, đồng thời đóng cửa trường. Trước đó, ở TPHCM đã có 4 trường học phải đóng cửa vì dịch cúm. Trong khi đó, ghi nhận đến thời điểm này, số ca mắc cúm tại Trường ĐH Quốc tế RMIT VN (quận 7) cũng tăng lên đến 10 ca, trong đó có 8 sinh viên và 2 cán bộ, giáo viên. Qua khai thác bệnh sử cho thấy phần lớn số SV nhiễm cúm A/H1N1 của Trường ĐH RMIT đều học ngành thương mại. Trước đó, trường này chỉ có một SV bị mắc cúm nhưng do không cách ly kịp thời dẫn đến bệnh lây lan. Theo bà Trần Huỳnh Nhã Trân, bộ phận truyền thông Trường ĐH Quốc tế RMIT, trường vẫn tạm ngừng hoạt động cho đến đầu tháng 8-2009, đồng thời sát khuẩn, vệ sinh khuôn viên trường... Hiện nay, 72 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới sức khỏe đã ổn định, phần lớn là bệnh nhẹ. Điều trị nửa tháng vẫn chưa lành bệnh Theo bác sĩ Hiền, điều đáng lo ngại là xuất hiện 2 bệnh nhân bị biến chứng nặng do nhiễm cúm A/H1N1. Cả hai trường hợp này (một nam, một nữ) cùng ngụ TPHCM đã tự vào BV Bệnh nhiệt đới khám bệnh, điều trị. Ghi nhận của BV cho thấy đối với bệnh nhân nam, sau khi vào viện và được điều trị cúm một ngày, sức khỏe đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, sang ngày thứ 3, bệnh trạng của bệnh nhân này trở nặng, các bác sĩ chụp hình và phát hiện phổi đã tổn thương nặng. “Có thể do bị nhiễm cúm từ lâu nhưng bệnh nhân không điều trị sớm nên dẫn đến biến chứng” - bác sĩ Hiền dự đoán. Trường hợp nữ đã có thai 5 tháng, do cơ thể đề kháng yếu nên khi nhiễm cúm chưa xác định chính xác mức độ ảnh hưởng cho thai nhi nhưng tiên lượng chắc chắn sẽ có chiều hướng không tốt. Hiện hai bệnh nhân đang được theo dõi điều trị tích cực. Ngoài ra, đã phát hiện bệnh nhân phải điều trị dài ngày... Cụ thể là một bệnh nhân (ngụ TPHCM) điều trị nửa tháng nhưng vẫn chưa lành bệnh, 2 bệnh nhân nước ngoài điều trị đến ngày thứ 9 nhưng kết quả xét nghiệm bệnh phẩm vẫn dương tính với virus cúm này. Theo bác sĩ Hiền, bình thường một bệnh nhân nhiễm cúm điều trị 3-4 ngày là cho kết quả âm tính. Trước tình hình cúm lây lan cộng đồng, đặc biệt trong các trường học, chiều cùng ngày, Sở Y tế TPHCM tiếp tục họp bàn khẩn cấp đưa ra phương án phòng chống điều trị cúm A/H1N1 trong giai đoạn mới. Nhận định của Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 của sở là hiện nay, dù dịch cúm đã lây lan ra cộng đồng nhưng còn kiểm soát được. Cuộc họp cũng đi đến thống nhất huy động 100% BV (công, tư, quận, huyện), địa phương tham gia tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1. Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, UBND TPHCM vừa đồng ý chi 60 tỉ đồng để phục vụ công tác phòng chống cúm A/H1N1. Cả nước có thêm 60 trường hợp nhiễm cúm Bộ Y tế cho biết trong ngày 27-7 có thêm 60 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân lên 672 người, 52/60 bệnh nhân mới ở miền Nam. Cục Quản lý dược cũng phát đi báo cáo cho biết có 3 bệnh nhân cúm A/H1N1 ở Hồng Kông, Đan Mạch, Nhật Bản được ghi nhận có kháng thuốc Tamiflu. Tuy nhiên, tại VN, chưa có bằng chứng khoa học về tình trạng kháng thuốc Tamiflu, một số trường hợp thời gian điều trị kéo dài do tính miễn dịch và thải trừ virus chậm của cơ thể, phác đồ điều trị cúm có sử dụng Tamiflu chưa có gì thay đổi. N.D

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090728010538254p0c1050/hai-truong-hop-bien-chung-nang-do-nhiem-cum-ah1n1.htm