Hai thái cực trái ngược của Shopee và Lazada

Năm 2022 sẽ là phép thử của cả hai sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Trong khi Shopee cần vượt qua khó khăn, Lazada cần tận dụng vốn đầu tư từ Alibaba để bứt tốc.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam vốn là nơi cạnh tranh của nhiều ông lớn và từng chứng kiến không ít lần hoán đổi “ngai vàng”. Song vài năm trở lại đây, vị trí dẫn đầu thị phần nội địa cả về lượng truy cập lẫn doanh thu tiếp tục được Shopee củng cố vững chắc trước sự rượt đuổi ngay sau đó của Lazada.

Bước sang năm 2022, bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới bất ổn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động của các sàn, đặc biệt là Shopee. Ở chiến tuyến còn lại, việc Lazada vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công ty mẹ đang “phả hơi nóng” vào vị thế của đối thủ tại Việt Nam.

Phép thử cho hai ông lớn

Cả Shopee và Lazada đều hưởng lợi từ xu hướng mua sắm trực tuyến, không tiếp xúc trong giai đoạn Covid-19 hoành hành. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy dù hàng loạt lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, lưu trú, ăn uống, vận tải suy giảm hoặc tăng nhẹ, TMĐT lại có mức tăng trưởng lần lượt đạt 15% (năm 2020) và 20% (năm 2021).

Shopee chính thức nhảy vào thị trường Việt Nam từ năm 2016, muộn hơn đối thủ những 4 năm. Tuy nhiên, nền tảng này chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ khả năng chịu chi cho các hoạt động khuyến mại, quảng cáo.

Theo iPrice, lượng truy cập website hàng tháng của Shopee đã vượt qua Lazada từ đầu năm 2019 và duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn hàng quý. Mặt khác, Lazada vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có sự bứt phá rõ ràng và chỉ phát sinh lưu lượng truy cập trên dưới 20 triệu lượt/tháng.

Tính đến quý I/2022, Shopee chứng kiến 84,5 triệu lượt truy cập/tháng, cao gấp 5 lần đối thủ cùng ngành. Chiều ngược lại, tổng lưu lượng truy cập của ba sàn lớn là Lazada, Tiki, Sendo mới đạt 35,2 triệu lượt, chưa bằng một nửa của Shopee.

Báo cáo của công ty nghiên cứu dữ liệu Metric cho biết từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, Shopee nắm 72% thị phần, Lazada sở hữu 20,9% thị phần, số lượng ít ỏi còn lại thuộc về các sàn như Tiki, Sendo.

Shopee và Lazada trên thực tế có nhiều nét tương đồng lẫn nhau có thể kể đến như cùng là gốc ngoại, cùng có chính sách đốt tiền mạnh tay để thu hút người dùng hay đều có những ông lớn hậu thuẫn phía sau (Lazada là mảng TMĐT tại Đông Nam Á của Alibaba còn Shopee là mảng TMĐT của Sea Limited). Thậm chí tại Hà Nội, văn phòng của 2 sàn TMĐT cũng được đặt tại cùng địa điểm là tòa Capital Place trên đường Liễu Giai.

Mảng TMĐT “ngốn” không ít tiền để duy trì hoạt động quảng cáo, khuyến mãi cho người dùng lẫn các đối tác. Song cả Shopee và Lazada đã chuyển dần sang chiến lược thúc đẩy doanh thu, như Shopee mới đây là tăng thêm phí cố định từ 1,5% lên 2,5%.

Theo báo cáo tài chính của hai sàn do DealStreetAsia tiết lộ, các chính sách đang bắt đầu phát huy tác dụng. Khoản lỗ của Shopee trong năm ngoái đạt 33 triệu USD, giảm 52% so với cùng kỳ năm 2020 và 68% so với năm 2019.

Lazada thậm chí đã bắt đầu phát sinh lợi nhuận trong năm 2021, đạt 7,1 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực khi sàn này lỗ tới 76,8 triệu USD hai năm trước đó.

Về doanh thu, Shopee Việt Nam thu tới 243,2 triệu USD vào năm 2021, tăng trưởng 147,9% so với năm liền trước. Tương tự, doanh thu của Lazada cùng giai đoạn đạt 145 triệu USD, tăng 47,8% so với năm 2020.

Nhưng, dù đứng trước bức tranh kinh tế khó khăn chung, Shopee và Lazada lại đang trở thành hai thái cực hoàn toàn khác nhau.

Người lạc quan, người thận trọng

Hồi tháng 9, Giám đốc điều hành Lazada James Dong nhận định sự cạnh tranh trong ngành sẽ giảm bớt trong giai đoạn hậu Covid-19. Bên cạnh vấn đề công nghệ, vị lãnh đạo cho rằng sự khác biệt và rào cản lớn nhất đối với các nền tảng TMĐT còn liên quan đến nguồn vốn.

Quan điểm của ông Dong xuất hiện chỉ một thời gian sau khi Alibaba rót thêm 912,5 triệu USD cho Lazada. Riêng từ đầu năm, nền tảng này đã nhận gần 1,3 tỷ USD từ công ty mẹ.

Ông Dong cũng không ngần ngại chia sẻ giá trị khổng lồ của nguồn vốn giúp Lazada có lợi thế lớn so với các đối thủ trong cùng khu vực, đồng thời cho phép nền tảng “ở lại cuộc chơi lâu hơn”. Lazada hiện có 150 triệu người dùng tại 6 thị trường Đông Nam Á và dự định nâng lên gấp đôi vào năm 2030.

“Sau đại dịch, trước sự suy thoái của toàn thị trường, đây rõ ràng là thời gian khó khăn cho tất cả công ty”, lãnh đạo Lazada lưu ý nhu cầu trực tuyến của người dùng đang dần bình thường hóa và dự kiến kéo dài ít nhất vài quý tiếp theo.

 Cả Shopee và Lazada đều đứng trước thách thức không nhỏ tại Việt Nam. Ảnh: V.T.

Cả Shopee và Lazada đều đứng trước thách thức không nhỏ tại Việt Nam. Ảnh: V.T.

Không lạc quan như người đồng cấp, Forrest Li - CEO Sea Limited - thừa nhận công ty đang khó khăn khi điều kiện kinh doanh chuyển xấu.

Trong động thái gần nhất, ban lãnh đạo Sea quyết định không nhận bất cứ khoản lương, thưởng cho đến khi công ty tự lực về tài chính. Công ty cũng cắt giảm tối đa một số loại chi phí như vé máy bay, khách sạn lưu trú, ăn uống trong các chuyến công tác.

Những tín hiệu đầu tiên về khó khăn mà Sea phải đối mặt đã nhen nhóm xuất hiện từ đầu năm nay khi mảng TMĐT của công ty phải rút khỏi hàng loạt thị trường, tiêu biểu nhất là Pháp và Ấn Độ.

Đến giữa năm, Shopee tiếp tục thu hẹp hoạt động ở các nước khu vực Mỹ Latinh. Công ty cũng điều chỉnh số lượng nhân sự tại các thị trường khác nhau, bao gồm cả Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực từ tin tức xấu khiến vốn hóa thị trường của Sea bốc hơi khoảng 170 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9, tài sản của ông chủ Forrest Li thu hẹp còn 3,8 tỷ USD, thiệt hại gần 6 lần so với con số 21,9 tỷ USD thời kỳ đại dịch.

12-18 tháng tới, Sea đặt mục tiêu tạo ra dòng tiền dương sớm nhất có thể. Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh cơn bão sẽ không qua nhanh, do đó cách duy nhất để ngừng phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài là tự lực về tài chính, kiếm đủ tiền mặt cho mọi nhu cầu và dự án.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-thai-cuc-trai-nguoc-cua-shopee-va-lazada-post1366475.html