Hải quan Đồng Nai khai thác lợi thế cảng biển

Đồng Nai dự kiến sẽ có thêm một cảng biển đi vào hoạt động vào tháng 7-2024. Dự án Cảng Phước An tại huyện Nhơn Trạch sẽ là cảng biển lớn nhất Đồng Nai, nhằm khai thác các lợi thế vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu, nâng chỉ số cạnh tranh địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Dự án Cảng Phước An đang thi công tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Phạm Tùng

Dự án Cảng Phước An đang thi công tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Phạm Tùng

Thuộc địa phận quản lý của Chi cục Hải quan (CCHQ) Nhơn Trạch, Cảng Phước An có quy mô gần 800 hécta, tổng vốn đầu tư gần 20 ngàn tỷ đồng, sẽ là cảng biển lớn nhất Đồng Nai. Cảng Phước An sau khi đi vào hoạt động có thể tiếp nhận đồng thời 10 tàu có trọng tải 60 ngàn tấn. Công suất hàng thông qua cảng dự kiến 6,5 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp và 2,5 triệu TEU/năm (1 TEU tương đương 1 container 20 feet).

* Nâng cấp đơn vị quản lý hải quan

Huyện Nhơn Trạch hiện có 10 khu công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu lưu trữ, thông quan hàng hóa cho DN, Nhơn Trạch đã hình thành hệ thống các kho ngoại quan, cảng cạn (ICD), cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp.

Chi cục trưởng CCHQ Nhơn Trạch Phạm Quang Quốc cho biết, những năm gần đây, số DN đăng ký thủ tục hải quan tại CCHQ Nhơn Trạch luôn tăng. Đây là sự nỗ lực rất lớn, bởi Nhơn Trạch không có hải quan cửa khẩu, bị giới hạn hàng hóa xuất - nhập khẩu là thủ tục thông quan. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu của DN tại Nhơn Trạch vẫn phải vận chuyển đường vòng, do phải làm thủ tục hải quan từ các cảng cửa khẩu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, gây tốn kém chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa.

Huyện Nhơn Trạch có lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu lớn nhất tại Đồng Nai. Trong những năm qua, CCHQ Nhơn Trạch là đơn vị có số thu ngân sách từ xuất - nhập khẩu lớn nhất trong hệ thống các CCHQ tại Đồng Nai, chiếm trên 42% tổng số thu của Cục Hải quan Đồng Nai.

Cảng Phước An là cảng biển loại I, có quy mô gấp đôi những cảng tổng hợp khác tại Đồng Nai và tương đương với các cảng ở Cụm cảng Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Phạm Quang Quốc, khi Cảng Phước An đi vào hoạt động, chi phí vận tải hàng hóa của các DN khu vực Nhơn Trạch sẽ giảm do đường từ Cảng Phước An có thể đi thẳng ra 10 khu công nghiệp ở Nhơn Trạch. Ngoài ra, DN ở các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa có thể đưa hàng hóa về cảng Phước An. Điều này giúp giảm được thời gian, chi phí vận tải do đoạn đường vận chuyển ngắn hơn so với về Cảng Cát Lái, Cái Mép.

Cảng Phước An thuộc địa bàn quản lý của CCHQ Nhơn Trạch. Tuy nhiên, để quản lý cảng quốc tế loại I của quốc gia, CCHQ Nhơn Trạch phải chuyển đổi sang mô hình CCHQ cửa khẩu. Việc chuyển đổi nhằm tăng khả năng lưu trữ, giải quyết thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu.

* Tăng tốc hoàn thành dự án cảng biển lớn nhất tỉnh

Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An là đơn vị đang quản lý, khai thác và vận hành Cảng Phước An. Để chuẩn bị các điều kiện hoạt động khai thác Cảng Phước An, công tác thi công xây dựng cảng phân kỳ 1 hiện đã gần hoàn thành. Theo kế hoạch, từ tháng 7-2024, công ty sẽ đưa vào khai thác 2 bến cảng, đáp ứng cho tàu có tải trọng từ 30-60 ngàn tấn, khai thác đồng thời hàng container và hàng tổng hợp. Dự kiến từ khi bắt đầu khai thác đến năm 2030, Cảng Phước An sẽ đạt năng lực khai thác từ 2,2 triệu TEU và 4 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.

Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Lê Văn Thung nhận định, nếu CCHQ Nhơn Trạch được chuyển đổi mô hình tổ chức thành CCHQ cửa khẩu cảng thì các loại hàng hóa được phép đưa về Cảng Phước An làm thủ tục sẽ góp phần làm tăng số lượng hàng hóa về Cảng Đồng Nai. Đồng thời, chi phí vận chuyển sẽ giảm nhiều so với cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất - nhập khẩu tại Đồng Nai sẽ giảm chi phí xếp dỡ, vận chuyển, không phải chịu chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng, cảng biển tại tỉnh, thành khác. Như vậy, DN sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh và giảm quá tải cho quốc lộ 1, quốc lộ 51 và các cửa ngõ ra/vào các cảng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cảng Phước An đang được đầu tư hệ thống giao thông kết nối với đường vành đai 3, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, khu công nghiệp, các kho bãi, Sân bay quốc tế Long Thành và các cảng biển… Do đó, việc vận hành bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức CCHQ cảng biển sẽ góp phần rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế của các địa phương và tỉnh.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/hai-quan-dong-nai-khai-thac-loi-the-cang-bien-9735c13/