Hai phương án về cấp giấy chứng nhận cho đất ở chưa có giấy tờ

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội là hai phương án về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Hai phương án về cấp giấy chứng nhận

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận trên hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều, dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xin ý kiến Quốc hội lần này là quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Hiện dự thảo Luật thiết kế hai phương án cho nội dung này. Trong đó, phương án 1 giữ quy định như dự thảo Luật được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến trước ngày 1/7/2014.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.

Phương án 2 chỉnh sửa về thời điểm cấp Giấy chứng nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, được Ủy ban nhân dân xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Phát biểu thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thực tế khi triển khai chế định giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình thời gian qua có những vướng mắc, bất cập; nhất là khi thực hiện các thủ tục như chuyển nhượng, thừa kế có khó khăn trong việc chứng minh thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Do đó, đại biểu đồng tình với hướng quy định của dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Quốc hội

Khoản 5 Điều 136 quy định: "Trường hợp các thành viên có chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình mà có nhu cầu được cấp 1 giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện của hộ gia đình. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này. Vì theo khoản 24 Điều 3 thì giấy chứng nhận dạng hộ gia đình sẽ không phát sinh sau ngày Luật này có hiệu lực. Bên cạnh đó, các thành viên hộ gia đình đã phải chứng minh các thành viên khác khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

“Nếu chúng ta cho phép ghi tên đại diện thì khi một thành viên hộ gia đình thực hiện các quyền của người sử dụng đất lại tiếp tục chứng minh thành viên hộ gia đình là gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như gây phiền hà cho người dân. Cho nên tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 Điều 136”, đại biểu nói.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang). Ảnh: Quốc hội

Theo đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) hiện nay, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Về phía người dân, khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn. Thực tiễn trên đã có không ít trường hợp người dân do thiếu hiểu biết, kinh tế khó khăn hoặc khi xảy ra tai nạn, rủi ro đã phải cầm cố, nhượng bán, bị mất đất dẫn đến tình trạng thiếu đất. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo và nhà nước lại phải giải quyết.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 16 dự thảo Luật chính sách của nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp đối với các trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An). Ảnh: Quốc hội

Cấp giấy chứng nhận cho đất ở chưa xây nhà ở

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) nhìn nhận, dự thảo Luật đã quy định khá rõ ràng để có cơ sở xử lý cơ bản những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trong thời gian qua.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các dự thảo Luật sau nhiều lần chỉnh lý, đại biểu đề nghị nghiên cứu trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa được xây dựng nhà ở.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận là các hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền vào mục đích để ở nhưng vì lý do nào đó chưa xây dựng nhà ở thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng.

Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, để có thời gian rà soát, xử lý những vướng mắc, bất cập và lựa chọn các phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra một cách thận trọng nhất.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hai-phuong-an-ve-cap-giay-chung-nhan-cho-dat-o-chua-co-giay-to-162281.html