Hải Phòng: Tổ chức Lễ hội vật truyền thống phi vật thể gần 700 năm tuổi

Ngày 16/2, tại Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. đình Vĩnh Khê, An Đồng, An Dương, Hải Phòng diễn ra Lễ hội Vật cổ truyền làng Vĩnh Khê năm 2024 - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội được hình thành từ thời nhà Trần, thế kỷ thứ 14, hội tụ kết tinh từ việc rèn luyện quân sĩ tinh thông võ thuật cứu quốc của Nhị vị thành hoàng làng.

Sau khi dân làng dựng miếu thờ hai vị phúc thần và tổ chức lễ hội kỷ niệm và tri ân công đức của Nhị vị thành hoàng làng và ngài Vũ Dao, Vũ Sào là những vị tướng tài ba, bậc trung quân ái quốc, thông tuệ, thao lược, có công giúp đỡ dân nghèo, xây dựng làng Vĩnh Khê trở thành vùng quê thái bình, hạnh phúc, có công lao phò vua Trần Nghệ Tông đánh giặc, giữ nước, lập công lớn được Vua phong tước “Đại trung nghĩa lang, Tá bộc xạ Trung thánh công”; “Nam hiến sát sứ công”.

Lễ hội Vật truyền thống làng Vĩnh Khê, xã An Đồng làm sống lại những thuần phong, mỹ tục của quê hương An Dương.

Lễ hội Vật truyền thống làng Vĩnh Khê, xã An Đồng làm sống lại những thuần phong, mỹ tục của quê hương An Dương giàu tinh thần thượng võ, giàu truyền thống cách mạng; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam anh hùng; là Di sản văn hóa quý hiếm của cộng đồng dân cư, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Với những nét đặc sắc văn hóa, ngày 11/9/2017 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã chứng nhận Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội thu hút gần 150 vận động viên thuộc 10 đội đến từ các Câu lạc bộ, các Trung tâm thể dục thể thao các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình và các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tham gia thi đấu, các Vận động viên có cơ hội giành 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng, 4 giải Ba mỗi giải 5 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ trao giải cá nhân cho các đô vật của các tỉnh, thành gồm: 1 giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải Nhì 10 triệu đồng và 2 giải Ba mỗi giải 5 triệu đồng.

Đến với Lễ hội, Nhân dân và du khách được thưởng thức các trò chơi dân gian của địa phương và các chương trình văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc

Đồng thời được chiêm bái, vãn cảnh, dâng hương thành hoàng làng cầu sức khỏe, bình an. Thông qua hoạt động Lễ hội, nhằm phát huy năng lực sáng tạo và sự đoàn kết trong Nhân dân, mở rộng mối quan hệ, giao lưu, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, các giá trị văn hóa của huyện An Dương với các tỉnh, TP trong cả nước và các quận, huyện trong thành phố Hải Phòng.

Lễ hội vật hàng năm được tổ chức trong 3 ngày đầu xuân vào đúng ngày sinh của Nhị vị thành hoàng làng, ngày mùng 7 tháng giêng là ngày chính hội, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, được duy trì thành thông lệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đến thời Mạc thế kỷ thứ 15, Ngài Phạm Tử Nghi đã từng đến làng Vĩnh Khê tham gia Lễ hội so tài và đạt giải cao trước sự kính phục của mọi người. Vĩnh Khê khi đó là vùng song nước, trên bến, dưới thuyền nên sau khi hiển thánh ngài Phạm Tử Nghi được dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng.

Lễ hội là nét đẹp văn hóa của vùng Đồng Bằng Sông Hồng, thể hiện tinh thần thượng võ và là hình thức cổ vũ tinh thần rèn luyện sức khỏe để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Lễ hội thể hiện rõ nét trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi dân gian đầy ý nghĩa, gắn liền với tích chuyện về Thành hoàng làng.

Với những nét độc đáo, khác lạ, Lễ hội luôn có sức hút đặc biệt với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố đến chiêm ngưỡng, cổ vũ. Người xem đấu vật bình luận say sưa, khen chê rành rọt từng thế đánh, từng miếng vật, từng tác phong, hành động đẹp của mỗi đô vật... Trong hội không phân biệt đẳng cấp sang hèn, các thanh niên quanh năm chân nấm, tay bùn có thể thách đấu với những kiện tướng môn vật quốc gia, khách thập phương có thể đấu vật với người dân bản địa.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-to-chuc-le-hoi-vat-truyen-thong-phi-vat-the-gan-700-nam-tuoi.html